Tận mắt chứng kiến các sản phẩm sáng tạo của học sinh trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân), lãnh đạo Sở Giáo dục- Đào tạo, quận Lê Chân, giáo viên các trường học khác đều ngạc nhiên, thán phục. Ít ai nghĩ được rằng, các em mới ở độ tuổi 14-15, mà lại giàu trí thông minh, sáng tạo, chế tạo được những sản phẩm hữu ích đến thế. Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tất cả là nhờ sự khơi gợi, hướng dẫn, động viên, khuyến khích của nhà trường, giáo viên; các em học sinh được tự do phát huy năng lực, sở trường, trí thông minh, sáng tạo và kết quả đạt được vượt ngoài sự mong đợi của nhà trường.
Cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương giới thiệu các sản phẩm sáng tạo của học sinh nhà trường.
Tiếp cận công nghiệp 4.0 một cách tự nhiên
Khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 hay giáo dục tích hợp Khoa học (Science) – Công nghệ (Technology) – Kỹ thuật (Engineering) – Toán học (Maths) -(STEM) trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông vốn khó hiểu, khó tư duy, tiếp cận nhưng tất cả lại trở nên nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ tiếp cận một cách tự nhiên đối với giáo viên và cả học sinh nhà trường. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, ngay từ khi triển khai kế hoạch, nhà trường mời chuyên viên của Bộ Giáo dục- Đào tạo (GDĐT); chuyên viên Sở GDĐT Hải Phòng tập huấn về giáo dục STEM. Sau đó, áp dụng giáo dục STEM ở các khối lớp và đạt hiệu quả cao ở các môn khoa học tự nhiên như: Vật lý, Hóa học, Công nghệ, Sinh học, Toán học. Từ đó, từng bước nâng cao hiểu biết của giáo viên và học sinh về dạy học STEM. Đến nay, hầu hết giáo viên nhà trường vận dụng giáo dục STEM để xây dựng, tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp kiến thức các môn học. Qua đó, phát huy khả năng của học sinh trong việc vận dụng kiến thức khoa học để tạo ra các sản phẩm thiết thực phục vụ trong đời sống hằng ngày, góp phần hình thành và phát triển những dự án nghiên cứu khoa học trong tương lai.
Với cách làm đó, Trường THCS Ngô Quyền tổ chức thành công chuyên đề “STEM và cuộc sống” , là đợt sinh hoạt chuyên môn ấn tượng. Tâm điểm của chuyên đề là tiết học minh họa: “Bình nước nóng tự chế sử dụng năng lượng mặt trời” do cô giáo Phạm Hương, giáo viên Vật lý và các em học sinh lớp 8B1 thể hiện. Do là tác phẩm của các em, tự nghiên cứu, lắp đặt, theo dõi nên các em học sinh thể hiện được một cách tự nhiên, rành mạch, rõ ràng quá trình thực hiện cũng như tính năng, ưu điểm của sản phẩm; làm nổi bật khả năng sáng tạo của lứa tuổi học sinh. Theo cô giáo Phạm Hương, để chuyên đề đạt hiệu quả cao, Ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp cùng tổ Khoa học tự nhiên để lựa chọn chủ đề thích hợp. Sau hàng chục lần bàn bạc, tổ đề xuất chủ đề “Các hình thức truyền nhiệt trong tự nhiên” và nhóm Vật lý lựa chọn chuyên đề giáo dục STEM: “Bình nước nóng tự chế sử dụng năng lượng mặt trời”. Bằng những vật liệu thông thường, có sẵn, cả nhóm tạo nên sản phẩm có tính năng ưu việt, nhiệt độ của bình tăng dần qua các thời điểm từ sáng tới chiều, đáp ứng yêu cầu đề ra. Đặc biệt, đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất về sự tích hợp 4 nội dung của STEM để tạo ra sản phẩm hữu ích.
Sân chơi bổ ích và lý thú
Chuyên đề “STEM và cuộc sống” được Trường THCS Ngô Quyền chú trọng ngay từ đầu năm học với nhiều hoạt động thiết thực. Nổi bật nhất là cuộc thi “Sáng tạo xanh” với mong muốn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích và thiết thực cho học sinh, đặc biệt là khuyến khích, kêu gọi học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tái chế chất thải, phát huy tính sáng tạo, tinh thần đồng đội và nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh trong nhà trường cũng như trong cộng đồng. Các Câu lạc bộ: “Tái chế – vì môi trường xanh”; “Nghiên cứu khoa học và công nghệ 4.0”; “Công nghệ sinh học với đời sống”… hình thành và hoạt động rất tích cực.
Với niềm say mê, tìm tòi, khám phá và nghiên cứu khoa học, nhiều tập thể và cá nhân sáng chế ra những sản phẩm thiết thực có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Tất cả được trưng bày trong các gian hàng với hàng trăm sản phẩm xinh xắn, đáng yêu và hữu ích. Đó là chiếc ô tô tự chế; giàn trồng thủy canh; bể cá; đèn chùm, đèn bàn… được làm ra từ những phế thải như chai nhựa, lon bia… Nhiều sản phẩm được đánh giá cao và được trao giải đặc biệt, giải nhất, nhì, ba… nhân lên niềm vui và là phần thưởng xứng đáng cho cả giáo viên và học sinh. Điều này lý giải vì sao trong nhiều cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, Trường THCS Ngô Quyền luôn giành nhiều giải cao. Quan trọng hơn là tạo nên một môi trường giáo dục thân thiện, hấp dẫn, hiệu quả cao, xứng đáng là một trong những điển hình của ngành GDĐT quận Lê Chân và thành phố.
Thanh Hiệp – Báo Hải Phòng