Những ngày tháng 1-2019, gần 130 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương trên cả nước, trong đó có phóng viên Báo Hải Phòng vượt hơn 1.000 hải lý đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Hành trình 20 ngày để lại trong lòng các thành viên trong đoàn nhiều cảm xúc khi hiểu thêm về cuộc sống của những người giữ biển, giữ đảo kiên trung. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, thời tiết khắc nghiệt, nhưng mỗi điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đều toát lên sức sống tràn trề, mãnh liệt.
Kỳ 1: Đảo đá Tây A – Điểm tựa của ngư dân
Vượt qua hàng trăm hải lý từ quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), đảo Đá Tây A hiện lên trước mắt với vẻ yên bình hiếm có. Đảo như mái nhà lớn vững chãi trên biển Đông, với âu tàu rộng 13 ha, đủ sức chứa 200 tàu cá của ngư dân vào trú tránh bão, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho ngư dân suốt dọc vùng duyên hải từ Thanh Hóa đến tận cực Nam Tổ quốc tới hoạt động sản xuất tại ngư trường chung quanh quần đảo Trường Sa. Tại đảo, đoàn công tác đến thắp hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt ngay phía trước âu thuyền. Theo cán bộ, chiến sĩ trên đảo, bất kỳ đoàn công tác nào ra thăm đảo Đá Tây A đều đến thắp hương vị anh hùng dân tộc có công đánh đuổi giặc xâm lược, như sự trân trọng và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Còn đối với người dân đi biển, giữa muôn trùng sóng nước, đền thờ là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp bà con có thêm niềm tin và sức mạnh vững vàng ra khơi.
Một góc đảo đá Tây A- nơi được mệnh danh là “thành phố của những đảo chìm”.
Cảm nhận của người lần đầu ra thăm đảo như chúng tôi, Trường Sa nói chung, đảo Đá Tây A nói riêng thật gần gũi. Sự gần gũi không chỉ từ những công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh, mà thể hiện trong từng chi tiết nhỏ qua cuộc sống hằng ngày của quân và dân nơi đây. Nếu như ở đất liền, việc mua sắm các vật dụng thiết yếu trong siêu thị phổ biến trong thói quen của người tiêu dùng và quá dễ dàng, nhưng giữa nơi đầu sóng ngọn gió như ở đảo Đá Tây A, được vào siêu thị mua sắm là điều ngoài sức tưởng tượng và đầy bất ngờ đối với mọi người. Quả đúng với danh hiệu “Siêu thị đặc biệt”, đảo Đá Tây A sôi động, nhộn nhịp như trung tâm thương mại lớn. Siêu thị hoạt động từ đầu năm 2018, siêu thị tuy không quá lớn nhưng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như mỳ gói, nước mắm, nước ngọt, giày dép, cà phê… vốn quá đỗi bình thường trong đất liền, nhưng xa xỉ với các ngư dân đi biển dài ngày. Điều đặc biệt, giá hàng hoá niêm yết không đắt hơn so với mua tại đất liền. Siêu thị cũng khá chuyên nghiệp khi có máy móc hỗ trợ thanh toán… Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, cuộc sống của quân và dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn hòa vào nhịp phát triển chung của cả nước.
Trong siêu thị mini trên đảo đá Tây A có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ ngư dân bám biển.
Anh Nguyễn Văn Tấn, nhân viên thu ngân của siêu thị cho biết, đây là cơ sở thuộc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A, thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông. Từ hơn chục năm nay, công ty cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt miễn phí…; nhận sửa chữa tàu thuyền hư hỏng, cứu hộ, cứu nạn trên biển; phối hợp bộ đội hải quân sắp xếp, bố trí tàu ngư dân vào âu thuyền Đá Tây A trú, tránh bão an toàn. Đặc biệt tại đây còn là điểm thu mua hải sản của ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi để bà con bám biển dài ngày, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập từng chuyến ra khơi…
Trung tá Nguyễn Văn Tứ, Chính trị viên đảo Đá Tây cho biết: “Năm 2018, các điểm đảo Đá Tây chủ trì, phối hợp Trạm Biên phòng, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt ngư dân, cấp cứu các ngư dân bị ngộ độc, gặp tai nạn trong quá trình đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, các điểm đảo Đá Tây còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm như gạo, mì tôm, đá cây, phụ tùng; tư vấn sửa chữa và sửa chữa miền phí tàu, thuyền cho ngư dân”.
Với sự phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá và các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây A, nơi đây đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc đối với bà con ngư dân bám biển, vươn khơi. Mỗi khi ngư dân ghé thăm, sửa chữa tàu thuyền, tiếp nhiên liệu, tránh trú bão, cũng chính là niềm vui, niềm động viên cán bộ, chiến sĩ, thắt chặt tình quân dân, góp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Kỳ 2: Cứu người giữa muôn trùng khơi
Bài và ảnh: Hiệp Lê – Báo Hải Phòng