Print Chủ Nhật, 03/05/2020 17:48 Gốc

Trong quá trình sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm thấy được vai trò to lớn của cán bộ và đội ngũ cán bộ. Người luôn xem “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” cũng khẳng định quan điểm cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của Đảng ta, cần được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học và hiệu quả.

Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ thành phố Hải Phòng rất quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ. Một phần quan trọng thuộc nhiệm vụ đó được giao trường Đảng của thành phố. Thành lập trong khói lửa chiến tranh, trải qua nhiều lần đổi tên, sáp nhập, Trường được vinh dự mang tên đồng chí Tô Hiệu, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng thời kỳ 1938- 1939. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Trường Chính trị Tô Hiệu với mục tiêu góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của thành phố, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên và trưởng thành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng bộ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng thành phố Cảng văn minh, hiện đại.

Trường Chính trị Tô Hiệu với 70 năm xây dựng và phát triển.

Hiện nay, thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn mà Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ có chất lượng cao nhằm phục vụ tiến trình xây dựng và phát triển thành phố, đặt ra đối với Trường Đảng của thành phố những trọng trách, yêu cầu, nhiệm vụ mới. Để làm được điều đó, thời gian tới, Trường cần chú trọng thực hiện tốt một số việc sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới đồng bộ và nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng cải tiến nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng rõ hơn về lý luận, sát đối tượng, phù hợp với thực tiễn; đổi mới, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng vừa đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, vừa nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp thành phố. Tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở rộng các hình thức đào tạo, đa dạng hóa nội dung chương trình, đối tượng đào tạo; thực hiện đào tạo có mục tiêu, đào tạo theo yêu cầu để bổ sung, phát triển nguồn nhân lực cho thành phố; thực hiện chiêu sinh đúng đối tượng và phù hợp với quy mô đào tạo, chú trọng đào tạo tập trung đối với cán bộ trẻ.

Trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cần chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và bồi dưỡng kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ cơ sở; bảo đảm thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng giảm bớt lý thuyết, tăng cường thời gian thực hành kỹ năng cho học viên. Kịp thời chỉ đạo giảng viên cập nhật những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới ban hành; những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn được tổng kết; những kinh nghiệm tốt trong quá trình hoạt động của hệ thống chính trị. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ việc xác định nhu cầu đào tạo thực tế, chú trọng bồi dưỡng theo chức danh và vị trí việc làm.

Thứ hai, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, lối sống, thực sự là tấm gương sáng cho học viên noi theo. Trường cần xác định rõ việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là đòi hỏi thiết thực vì năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và khẳng định uy tín, vị thế của nhà trường.

Cùng với việc rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi giảng viên cần chú trọng rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, trong sáng. Giảng viên nhà trường không chỉ truyền thụ những kiến thức lý luận mà còn là người truyền lửa, thắp sáng niềm tin của học viên với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy không có gì thuyết phục tốt hơn bằng chính tấm gương người thầy. Giảng viên phải là người có lý tưởng cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống. Trong giảng dạy phải thực sự tâm huyết, trong cuộc sống hằng ngày phải giản dị, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ, không vụ lợi, cửa quyền, hách dịch, quan liêu. Trong quan hệ đồng chí, học viên phải đoàn kết, trong sáng, hết lòng giúp đỡ… Có như vậy giảng viên mới thực sự được nhân dân và học viên tin yêu.

Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ cán bộ, giảng viên; mạnh dạn tham mưu, đề xuất thành phố những chủ trương, chính sách, biện pháp lãnh đạo, quản lý.

Để nâng cao chất lượng, hoạt động nghiên cứu khoa học cần được nhận thức, đánh giá có tầm quan trọng như công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Việc lựa chọn các vấn đề nghiên cứu phải thực sự khoa học, xác định những nhiệm vụ nghiên cứu thiết thực, có tính khả thi. Nhà trường cần bám sát mục tiêu, định hướng nhiệm vụ khoa học, các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá của thành phố, lựa chọn vấn đề nghiên cứu vừa mang tính thời sự, vừa mang tính chiến lược, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn địa phương; chắt lọc những kết quả nghiên cứu để chủ động tư vấn cho thành phố những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhà trường cũng cần chú trọng mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm của các nước trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và trong nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý tiên tiến. Nhà trường cần tham mưu, đề xuất với thành phố những cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho giảng viên trong nghiên cứu khoa học và đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở.

Thứ tư, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất – kỹ thuật tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cả trước mắt và lâu dài. Nhà trường phải chuẩn bị các điều kiện để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện đầy đủ, đồng bộ, nhất là tạo môi trường giàu tính công nghệ cho việc nghiên cứu và học tập của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên. Đầu tư phải đồng bộ các yếu tố của cơ sở vật chất như hệ thống phòng làm việc, phòng học, giảng đường, phòng hội thảo; trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, thư viện hiện đại. Xây dựng môi trường sư phạm, cảnh quan môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp, từng bước chuẩn hóa theo yêu cầu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Với bề dày 70 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm chính trị được hình thành từ đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức tâm huyết và trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực chuyên môn cao, nhất định Trường Chính trị Tô Hiệu của thành phố sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có những đóng góp lớn hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố.

70 năm kể từ ngày thành lập (3-5-1950-3-5-2020), Trường Chính trị Tô Hiệu không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Trường khẳng định được vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho thành phố. Với những thành tích đạt được, trường được Đảng, Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và thành phố tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất. Đó là sự ghi nhận những nỗ lực phấn đấu, sự cống hiến xuất sắc của các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức, lao động và học viên nhà trường trong suốt chặng đường xây dựng, phát triển.

Nguyễn Thị Nghĩa (Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Trường Chính trị Tô Hiệu: Thực hiện tốt chức năng đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của thành phố
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác