Trong tháng 6- 2018, có một số cây xanh trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực đô thị gãy đổ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trước thực trạng trên, ngành Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai gấp việc cắt tỉa cây xanh đô thị, loại bỏ cây sâu mục, không có khả năng phục hồi, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Công nhân Công ty CP Công viên cây xanh chặt hạ cây phượng sâu mục trên phố Tôn Đản (phường Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng).
Chặt hạ cây sâu mục, nguy cơ gãy đổ
Trong tháng 6 này, các đơn vị quản lý cây xanh đô thị ở 7 quận trên địa bàn thành phố như: Công ty CP Công trình công cộng và dịch vụ du lịch, Công ty CP Công viên cây xanh, Công ty CP Công trình công cộng và xây dựng… tổ chức cắt tỉa hàng vạn cây xanh có cành khô, cành cao, cành che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông trên các tuyến phố. Ngày 21-6 vừa qua, dù thời tiết ngày hè oi bức, công nhân Công ty CP Công viên cây xanh Hải Phòng sử dụng xe thang, cưa máy, ô tô chuyên dụng, khẩn trương chặt hạ cây phượng bị sâu mục, có nguy cơ gãy đổ ở phố Ký Con (phường Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng). Cây phượng này hơn 30 năm tuổi, cao 13 m, đường kính gốc 45 cm, bị mục thân, gốc cây và không còn khả năng phục hồi. Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Công viên cây xanh Hải Phòng Lê Văn Tuân, cho biết, đây là cây thứ 50 được chặt bỏ nhằm tránh nguy cơ gãy đổ.
Từ đầu năm đến nay Công ty Công viên cây xanh rà soát toàn bộ 22.310 cây xanh đô thị ở các tuyến phố, công viên, công sở trên địa bàn 4 quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An. Qua kiểm tra, đơn vị phát hiện và chặt bỏ 71 cây xanh bị sâu mục thân, không có khả năng phục hồi, trong đó có 50 cây phượng. Đó là những cây xanh trồng cách đây 20 đến 30 năm, xuất hiện tình trạng khô cành, héo lá, mục gốc hoặc thân cây. Toàn bộ 71 cây xanh bị loại bỏ được công ty thay thế bằng cây xanh mới, khỏe, bảo đảm phát triển tốt, có bóng mát như các loại cây: phượng, xà cừ, sấu, long não… Tuy nhiên, theo ông Tuân, có nhiều cây xanh bị mục trong thân cây, chết rễ cây nên rất khó phát hiện. Biện pháp duy nhất là sử dụng kinh nghiệm quan sát, kiểm tra bằng mắt thường. Do vậy, công ty yêu cầu các xí nghiệp trực thuộc phân công công nhân phụ trách từng tuyến phố, kiểm tra thường xuyên cây xanh để kịp thời phát hiện, xử lý những cây có biểu hiện bất thường, héo lá, mục. Công ty vận động các hộ dân có nhà ở mặt phố thường xuyên kiểm tra, phản ánh thông tin về tình trạng cây xanh nơi họ sinh sống. Một số vụ cây có nguy cơ gãy đổ, cây sâu mục được người dân báo công ty kịp thời xử lý, không để xảy ra sự việc đáng tiếc gây nguy hiểm cho người đi đường. Từ đầu năm đến nay, ngoài hơn 1.000 cây long não trồng ở tuyến đường Phạm Văn Đồng và Nguyễn Bình, công ty trồng bổ sung hàng trăm cây xanh khác ở các tuyến phố, góp phần tạo không gian xanh cho đô thị.
Bảo tồn hơn 1.000 cây quý
Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định cây xanh đô thị là hạ tầng đô thị, là tài sản công phải được quy hoạch, chăm sóc, quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, trong mùa mưa bão năm nay, cùng với cắt tỉa cây xanh, loại bỏ cây sâu mục, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của ngành là bảo vệ, bảo tồn cây xanh quý hiếm. Điều này càng cần thiết khi thực trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp khiến mực nước ngầm bị hạ thấp, nhiều cây rễ chùm không tiếp cận được nguồn nước, dẫn tới chết khô và bật gốc khi gặp mưa gió. Mặt khác, các công trình ngầm như cáp viễn thông, điện, chiếu sáng, thoát nước, bê tông hóa vỉa hè… cũng trực tiếp xâm hại, khiến cây thêm khô cằn.
Sở Xây dựng giao Công ty CP Công viên cây xanh hoàn thành thống kê số lượng cây, vị trí, tuyến đường, loại cây, tên gọi, chiều cao, đường kính thân, năm trồng, hiện trạng sinh trưởng, phát triển và đánh số thứ tự trên cây. Theo đó, xác định được tổng số 1.020 cây thuộc diện phải bảo tồn, trong đó, chủ yếu là các loại cây như: đa, bồ đề, muồng ngủ, gạo hoa đỏ, xà cừ, bàng. Công ty hoàn thiện hồ sơ quản lý và bảo tồn 86 cây đại lâu năm, là những cây thuộc diện bảo tồn quý hiếm, có đường kính hơn 100 cm. Công ty tổ chức gắn biển trên các cây để các đơn vị chức năng, nhân dân biết và tham gia quản lý, bảo vệ. Đây là giải pháp rất quan trọng để công ty có cơ sở chăm sóc, cắt tỉa cây, xử lý các hiện tượng sâu mọt để bảo vệ cây vững chãi trong mùa mưa bão năm nay.
Trong mùa mưa bão, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, khi có mưa và gió lốc người dân không nên đứng, dừng đậu xe dưới cây và hạn chế tham gia giao thông trên đường. Đồng thời, để bảo vệ cây xanh khỏi gẫy đổ khi có gió, bão, ngoài nỗ lực đơn vị chức năng, các cấp, ngành, đơn vị và người dân cần tham gia bảo vệ cây xanh đô thị, nhất là cây xanh trong diện bảo tồn, chấm dứt tình trạng tự ý chặt hạ cây xanh tình trạng bức tử cây xanh như tróc vỏ quanh gốc, đốt vỏ, đổ hóa chất vào cây.
Phạm Lượng – Báo Hải Phòng 27/6/2018