Print Thứ Tư, 06/11/2019 08:23

Đồng chí Đặng Kinh tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1921; Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam; Cán bộ Lão thành cách mạng. Nguyên quán: Phường Bắc Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng; trú quán tại số nhà 207 đường Trung Lực, phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Nguyên: Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế – Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 3, Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên – Huế, Đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ban Thường vụ – Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An, Chỉ huy trưởng Thành đội Hải Phòng. Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trung tướng Đặng Kinh chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng qua các thời kỳ. Ảnh: Tống Trọng

Năm 1941, ông tham gia Mặt trận Việt Minh và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 7/1944.

Tháng 11/1944, ở Tân Phong, Kiến Thụy, Hải Phòng diễn ra một cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ dưới sự chỉ đạo của nhà cách mạng Mai Côn-cán bộ xứ ủy. Mặt trận liên tỉnh Hải Phòng-Kiến An được thành lập gồm bảy người trong đó có ông. Cuộc họp đưa ra quyết định đẩy phong trào cách mạng đang phát triển tại Hải Phòng-Kiến An lên thành một cao trào.

Ngày 4/8/1945, ông tham gia và chỉ huy trận chiến đầu tiên thắng lợi, mở đầu cho mô hình làng chiến đấu mà sau này được áp dụng rất thành công trong cuộc kháng chiến 9 năm. Sau trận đánh, ông cùng các đồng chí của mình lập một đại đội do ông là chỉ huy, liên tiếp tổ chức hành quân tiến đánh giành chính quyền. Đến ngày 23/8/1945, chính quyền tại các địa phương: Kiến Thụy, Tiên Lãng, Kiến An, Hải Phòng đều thuộc về tay nhân dân.

Đến giữa năm 1946, ông được điều về làm Chỉ huy trưởng huyện đội Kiến Thụy kiêm chỉ huy trưởng du kích chiến đấu tỉnh Kiến An.

Từ năm 1949 đến năm 1954, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy phó rồi Chỉ huy trưởng ủy viên thường vụ tỉnh ủy Kiến An.

Đêm 31/1/1954, dưới sự chỉ huy của ông, chỉ với một lực lượng nhỏ gồm 4 tiểu đội, nhân dân hai xã Ngọc Xuyên và Ngọc Hải của Đồ Sơn che chở và phối hợp, ta tiêu diệt gọn đội quân bảo vệ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) thiêu hủy kho xăng dầu Hang Dơi, phá hủy 5 máy bay. Trận đánh làm tiền đề để ta lập kế hoạch đánh chiếm sân bay Cát Bi.

Ngày 7/3/1954, trận tập kích sân bay Cát Bi thêm một lần chứng tỏ tư duy đánh địch táo bạo, sáng tạo của ông, dưới sự chỉ huy của ông, 32 cán bộ, chiến sĩ đã bất ngờ đột nhập sân bay Cát Bi, phá hủy 59 máy bay, phần lớn là máy bay chiến đấu và vận tải hạng nặng. Đây là trận đánh phá sân bay lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, phối hợp có hiệu quả với chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng có hiệu quả nhất, địch bị phá hủy nhiều máy bay nhất trong kháng chiến chống Pháp.

Trung tướng Đặng Kinh chủ trì buổi gặp mặt kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng năm 2013. Ảnh: Tống Trọng

Tháng 5/1954, ông là Chỉ huy trưởng Thành đội Hải Phòng.

Từ tháng 1/1955, ông lần lượt giữ các chức vụ Tham mưu phó rồi Phó tư lệnh Quân khu Tả Ngạn kiêm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 328.

Năm 1958, ông được phong quân hàm Đại tá.

Từ năm 1960 đến năm 1965, ông là Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu rồi Cục trưởng Cục Liên lạc Đối ngoại Bộ Quốc phòng.

Tháng 4/1966, ông vào chiến trường làm Phó tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế.

Tháng 7/1968, ông là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn. Trong chiến dịch Mậu Thân, ông là Tư lệnh mặt trận Huế, trực tiếp chỉ huy giữ thành cổ Huế suốt 28 ngày đêm.

Năm 1974, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Tháng 3/1977, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế Bộ Quốc phòng.

Từ năm 1978 đến năm 1988, ông là Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, ông được phong quân hàm Trung tướng (1982).

Trung tướng Đặng Kinh là một vị tướng có kinh nghiệm tổ chức và chỉ huy chiến tranh du kích trong vùng địch hậu. Khi nói đến việc áp dụng của chiến tranh du kích trong kháng chiến chống Pháp thì phải nhắc đến tên tuổi của ông. Nhà nghèo, lại tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn nhỏ nên phải đến khi 52 tuổi ông mới học xong chương trình đại học, nhưng ông đã có đến 46 lần giảng dạy cho các chuyên gia quân sự nước ngoài về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Trong suốt quá trình công tác, Trung tướng Đặng Kinh đã vinh dự được Đảng và Chính phủ trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng Nhất và một Huân chương Quân công hạng Nhì…

Do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng đồng chí đã từ trần hồi 13 giờ 20 phút, ngày 01 tháng 11 năm 2019 (tức ngày 05 tháng 10 năm Kỷ Hợi).

Lễ tang đồng chí Trung tướng Đặng Kinh được tổ chức theo nghi thức Lễ tang cấp cao, do Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chủ trì.

Lễ viếng, Lễ truy điệu tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội vào ngày 06 tháng 11 năm 2019.Lễ viếng từ 07 giờ 30 phút đến 10 giờ; Lễ truy điệu từ 10 giờ đến 10 giờ 30 phút.

Từ 10 giờ 30 phút, ngày 06 tháng 11 năm 2019 di quan về thành phố Hải Phòng.

Lễ viếng tại nhà riêng, số 207 đường Trung Lực, phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng từ 14 giờ đến 15 giờ 30 phút, ngày 06 tháng 11 năm 2019.

Hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ, thành phố Hải Phòng vào hồi 15 giờ 30 phút, ngày 06 tháng 11 năm 2019. An táng tại Nghĩa trang Cựu Viên, phường Bắc Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng vào hồi 18 giờ 30 phút cùng ngày.

Nguồn. haiphong.gov.vn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Trung tướng Đặng Kinh, vị tướng tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác