Trung tâm giáo dục thường xuyên giúp ĐH Đông Đô tuyển văn bằng 2 trái phép?

Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng bị “tố” đã tiếp tay, giúp sức cho Trường Đại học Đông Đô tuyển sinh lớp Luật Kinh tế hệ văn bằng 2 trái phép, khiến hơn 200 học viên học xong nhưng không được cấp bằng.

Học viên kêu cứu

Theo phản ánh của các học viên tại Hải Phòng, sau khi được thông tin về việc ban lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô bị khởi tố vì vi phạm trong việc tuyển sinh trái quy định, các học viên đã rất hoang mang về lớp chuyên ngành họ đã theo học.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2017 – 2019, Trường Đại học Đông Đô đã tuyển sinh các lớp chuyên ngành Luật Kinh tế hệ văn bằng hai cho 3 lớp với hơn 200 học viên. Địa điểm học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng.

Thông báo tuyển sinh của Trường Đại học Đông đô. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Học viên phản ánh, tháng 5.2017, Trường Đại học Đông Đô có thông báo tuyển sinh hệ đại học chính quy, văn bằng 2 và liên thông Đại học chuyên ngành Luật Kinh tế do bà Trần Kim Oanh – Phó Hiệu trưởng nhà trường ký.

Điều đáng nói là, trong thông báo tuyển sinh này, Trường Đông Đô thông báo về phương thức tuyển sinh là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và kết quả học tập năm lớp 12.

Trong khi đó, nếu dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chỉ áp dụng cho các đối tượng học liên thông, đại học, còn nếu học văn bằng 2, học viên phải có một bằng đại học trước đó. Cũng theo thông báo, mức học phí trường thu 1,1 triệu đồng/tháng, mỗi kỳ thu 5 tháng.

Theo các học viên, từ năm 2017 đến nay, 3 lớp Luật Kinh tế do trường Đông Đô kết hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng đã học xong chương trình và thi tốt nghiệp ngày 6.7.2019. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các học viên chưa được cấp bằng tốt nghiệp.

“Chúng tôi bỏ ra hai năm trời với chi phí lên đến trăm triệu đồng mỗi người để đi học, nay mới biết trường không được phép đào tạo văn bằng hai, vậy ai sẽ bồi thường cho chúng tôi? Chưa kể, nhiều người còn lỡ dở công việc, gia đình vì đi học chuyên ngành này” – một học viên cho biết.

Trung tâm giáo dục thường xuyên có tiếp tay đào tạo trái phép?

Trao đổi với Lao Động về vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Thiện – Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) TP.Hải Phòng cho biết, theo hợp đồng giữa Trường Đông Đô với Trung tâm, thì Trung tâm GDTX Hải Phòng chỉ cho thuê địa điểm để Trường Đại học Đông Đô tuyển sinh và dạy học.

Tuy nhiên, các học viên phản bác và cho rằng: Chính người của Trung tâm GDTX Hải Phòng đã thông báo tuyển sinh, tổ chức sắp xếp lịch học, thu học phí, lên danh sách và thông báo chương trình học cũng như các hoạt động của lớp. Do đó, học viên cho rằng Trung tâm GDTX Hải Phòng là đơn vị đã tiếp tay cho sai phạm của Trường Đông Đô.

Về điều này, ông Nguyễn Văn Thiện thừa nhận, do Trường Đại học Đông Đô thiếu người, nên Trung tâm đã thực hiện các phần việc như tổ chức lớp, thu học phí, điều hành các hoạt động của các lớp văn bằng hai này. Ông Thiện cũng thừa nhận, Trung tâm chỉ căn cứ vào “Đề án tuyển sinh năm 2017 của Trường Đông Đô” để mở lớp tại Hải Phòng.

Để thông tin một cách khách quan về việc Trung tâm GDTX Hải Phòng chỉ cho thuê địa điểm hay là liên kết với Trường Đông Đô mở lớp đào tạo văn bằng 2 trái phép, phóng viên đề nghị được cung cấp hợp đồng giữa hai bên, thì ông Thiện nói rằng, Công an đang điều tra, nên không cung cấp được.

Ông Thiện cũng cho biết, trước các kiến nghị của học viên, Trung tâm cũng đã đến Trường Đại học Đông Đô để trao đổi sự việc, nhưng cũng chưa được giải đáp. Trung tâm cũng cho biết đã báo cáo với lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng về vụ việc.

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Văn Trà – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng – cho biết: Việc Trung tâm GDTX Hải Phòng cho thuê địa điểm hay liên kết với Trường Đại học Đông Đô trước đó, phía Trung tâm không báo cáo sở. Sở cũng đang yêu cầu Trung tâm báo cáo vụ việc bằng văn bản.

Việc hơn 200 học viên đào tạo chuyên ngành trái phép suốt 2 năm lẽ ra có thể ngăn chặn nếu lãnh đạo Trung tâm GDTX Hải Phòng xem xét tính pháp lý cụ thể trước khi ký hợp đồng thì sẽ không tạo điều kiện cho sai phạm, cũng không khiến hàng trăm học viên phải mất thời gian, công sức và tiền bạc mà đến giờ chưa biết sẽ được giải quyết thế nào.

Hoàng Hoan Theo Báo Lao động

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More