Hôm nay (19.9), Trung Quốc chính thức mở kho thịt đông lạnh dự trữ quốc gia nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.
Hình thức sẽ mở đấu giá 10.000 tấn thịt heo dự trữ, nguồn nhập từ các nước: Anh, Pháp, Mỹ, Đức và Đan Mạnh. Kho thịt heo đông lạnh này thuộc Trung tâm Quản lý Dự trữ Hàng hóa Trung Quốc, vốn lưu giữ và quản lý các kho hàng tiêu dùng mang tầm quan trọng chiến lược với nền kinh tế như thịt lợn đông lạnh, lợn sống, các loại thịt đông lạnh khác và đường.
Một công ty của nhà nước điều phối kho dự trữ thịt đông lạnh của Trung Quốc sẽ đứng ra đấu thầu lượng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu này. Theo quy định, mỗi đơn vị thầu chỉ được phép mua 300 tấn thịt heo đông lạnh.
Trước đó, dịch tả lợn châu Phi làm Trung Quốc thiệt hại khoảng 1/3 tổng số heo ở các trại chăn nuôi của nước này, khiến thị trường thịt heo Trung Quốc chao đảo, đẩy giá thịt tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng đàn heo của quốc gia này giảm đến 60 triệu con so cùng thời điểm năm 2018.
Điều đáng nói, người dân Trung Quốc thuộc diện “cuồng” món thịt heo hơn các quốc gia khác. Món thịt heo đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn hằng ngày của họ. Đây cũng là một trong những lý do khiến nguồn cung thịt heo đã thiếu càng thiếu trầm trọng. Thậm chí, để hỗ trợ người dân, chính quyền Trung Quốc đã trợ cấp khoảng 3,2 tỉ NDT (tương đương 10.000 tỉ đồng) cho các gia đình có thu nhập thấp… không đủ tiền mua thịt heo. Trước đó, để hạn chế độ “cuồng” thịt heo của người dân, chính quyền một số địa phương ở Trung Quốc đã phải phát tem phiếu mua thịt giá rẻ cho người dân. Trên phiếu quy định rõ mỗi người tiêu dùng chỉ có thể mua tối đa 1 kg thịt heo mỗi ngày tại 10 điểm bán hàng thí điểm. Giá thịt heo tăng khiến nhiều mặt hàng rau củ tại quốc gia này tăng mạnh. Theo số liệu của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, cuối tháng 8, giá thịt heo tại Trung Quốc tăng tới 92,3% so cùng kỳ năm ngoái, tăng 9,3% so tháng trước đó. Chỉ riêng mức tăng giá thịt heo đã kéo theo 1,08% trong mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI (2,8%) của nước này.
Bên cạnh đó, để phục hồi thị trường thịt heo, Trung Quốc cũng thông báo sẽ trợ cấp cho các trang trại chăn nuôi đến cuối năm 2020. Chính quyền Trung Quốc cũng đã yêu cầu các địa phương cấp vốn cho các chương trình ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, một cách để khuyến khích nông dân và nhà sản xuất nhân giống nhiều heo hơn.
Khan hiếm nguồn cung phải xả kho dự trữ, nới lỏng các điều kiện cho vay và hạ lãi suất tái đàn, trợ giá thịt heo trong nước, khuyến khích mở rộng thị trường nhập khẩu mặt hàng này… tuy nhiên, ở đường nhập tiểu ngạch, Trung Quốc vẫn siết mạnh bởi lo ngại bệnh tả lợn châu Phi quay lại. Đây cũng là một trong những lý do khiến heo từ Việt Nam không có cơ hội xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang thị trường này, khiến giá heo ở Việt Nam thời gian qua không tăng như dự đoán.
Tại Việt Nam, sau mấy ngày có dấu hiệu chững lại, hôm nay giá heo hơi bất ngờ nhích lên ở khu vực phía bắc, dao động từ 44.000 – 50.000 đồng/kg. Cao nhất tại Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh dao động trong khoảng 48.000 – 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo hơi khu vực phía nam và miền Trung – Tây nguyên tiếp tục đi ngang. Tại thủ phủ nuôi heo ở Đồng Nai, Bình Phước, giá heo hơi có lúc lên 47.000 đồng/kg, nhưng nhà nông không còn để bán. Giá trung bình ở khu vực này khoảng 38.000 đồng/kg. Heo hơi tại khu vực miền Trung và Tây nguyên giữ mức giá cũ, từ 32.000 – 45.000 đồng/kg, tùy địa phương, Trong đó, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận giá trung bình 40.000 đồng/kg.
Giá thịt heo bán lẻ tại chợ hôm nay giảm nhẹ. Thịt nạc giảm 3.000 đồng/kg, về mức 100.000 đồng/kg, trong siêu thị cùng mặt hàng này giá 112.000 đồng/kg. Ba rọi rút sườn tại chợ 125.000 đồng/kg, tại siêu thị 142.000 đồng/kg.