Theo đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn 3 phương án xuất sắc nhất đạt giải thưởng Cuộc thi. Hiện các tác phẩm được trưng bày, tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân thành phố tại Nhà trưng bày triển lãm, Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh thành phố (địa chỉ số 1 đường Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân). Đây là lần thứ 2 các tác phẩm dự thi được trưng bày, xin ý kiến đóng góp của nhân dân và các nhà chuyên môn thành phố.
Thông tin giới thiệu về ba tác phẩm đạt giải:
Phương án mã số DB01:
Tác phẩm cụm tượng đài chiến thắng Cát Bi được xây dựng trên khuôn viên của sân bay Cát Bi, là điểm đặt chân đầu tiên của khách phương xa khi lần đầu tiên đến với Hải Phòng bằng đường hàng không. Cụm tượng cần thể hiện được ý nghĩa lịch sử, lòng biết ơn của hậu thế đối với thế hệ cha anh, những người đã góp sức to lớn làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang trước thực dân Pháp, nhưng hơn thế, đó phải là biểu tượng cho ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc, cho sự nhiệt huyết, lòng quyết tâm xây dựng một thành phố cảng vì hòa bình, hội nhập và phát triển.
Bố cục tổng thể của phương án bao gồm 02 thành phần chính, một đài biểu tượng ở vị trí trung tâm và hai mảng phù điêu bổ trợ đăng đối hai bên.
Với ngôn ngữ điêu khắc hiện đại, biểu tượng nằm trên một khối đài vuông vững chắc có hình dáng tổng thể cách điệu của một ngọn lửa, được tạo hình bởi năm mảng hình khối quện chặt vào nhau, mạnh mẽ và giàu sức sống. Mặt khác đó là biểu tượng về sự gắn kết năm châu vì mục tiêu hội nhập và phát triển. Với đặc điểm vị trí xây dựng trong khu vực một Cảng hàng không quốc tế, ý đồ tạo hình mềm mại như dải lụa, uốn lượn lên trời xanh với dáng dấp của những đường bay kết nối muôn phương. Những cánh chim bồ câu ở trên cùng vừa tạo điểm kết, vừa mang tới những thông điệp về hòa bình và hữu nghị.
Phần đế bệ biểu tượng được khắc họa những hình ảnh cô đọng về chiến thắng Cát Bi năm xưa với mong muốn gửi tới một thông điệp: “Quá khứ chính là nền tảng để hướng tới tương lai”.
Ngoài đài bểu tượng chính, các mảng phù điêu 02 mặt được bố cục đăng đối hai bên vừa có tính bổ trợ cho công trình chính, vừa khắc họa những hình ảnh tiêu biểu về sự phát triển của thành phố Cảng, thành phố Hoa Phượng Đỏ nhằm giới thiệu tới bạn bè bốn phương khi đến với Hải Phòng.
Tác phẩm là một dấu ấn rất đặc biệt của cảng hàng không quốc tế Cát Bi, là nơi chúng ta tưởng nhớ sâu sắc công ơn của tiền nhân, là niềm tự hào thiêng liêng để thế hệ hôm nay và ngày mai góp công sức tiếp nối cha ông xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Không những vậy, Cụm tượng đài chiến thắng Cát Bi là nơi để bạn bè quốc tế tham quan và hiểu rõ hơn về con người Hải Phòng, ngoài những thông điệp lớn, ở đó có sự nồng nhiệt, hào phóng và mến khách của nhân dân thành phố với bạn bè năm châu.
Đài biểu tượng cao 18,5m, đế bệ bê tông ốp đá chạm nổi, khối biểu tượng chất liệu đồng tấm thực hiện theo công nghệ gò ép thủy lực tiên tiến. Phù điêu 2 mảng, đục chạm 2 mặt, cao 6-8m, dài 18m. Chất liệu đá khối.
Phương án mã số VH01:
Phác thảo tượng đài được nghiên cứu tỉ mỉ, nghiêm túc và có nhiều nội hàm sâu sắc, bố cục tổng thể cân xứng với cụm tượng và biểu tượng ở chính giữa, các khối phù điêu được bố trí hai bên.
Hai khối phù điêu hai bên là các tổ hợp, mô tả những hình ảnh tiêu biểu cho trận đánh của bộ đội đặc công, ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc. Là hình ảnh của một Hải Phòng sau hòa bình, đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ, khẳng định thành phố là một trong những điểm sáng quan trọng nhất của tổng thể bức tranh phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Khối tượng đài ở chính giữa là biểu tượng cho khát khao vươn lên của Hải Phòng, hội nhập và phát triển để xây dựng một đô thị hiện đại, một thành phố vì hòa bình. Một khối hình vòng cung vút cao không chỉ như ngọn sóng ở thành phố cảng xinh đẹp mà còn mang hàm ý hình ảnh của những đường bay từ sân bay quốc tế Cát Bi, kết nối tình hữu nghị, mang ước vọng hòa bình của người Việt Nam đi khắp thế giới. Dưới vòng cung ấy, hình ảnh người mẹ bồng con, cánh tay nâng nhành hoa phượng chào đón bạn bè, loài hoa trong tiềm thức là biểu tượng của thành phố Hải Phòng, thành phố Hoa Phượng Đỏ.
Ở một khía cạnh khác, tổng thể cả khối tượng đài là hình ảnh một con thuyền đang căng buồng ra khơi.
Cụm tượng đài mang tính thẩm mỹ cao với nét tạo hình phóng khoáng, hàm chứa nhiều ẩn ý và nội dung văn hóa, sẽ mang đến cho thế hệ mai sau rất nhiều giá trị tinh thần. Đó là bài học lịch sử hào hùng của quân dân Hải Phòng, là khát vọng hòa bình, khát vọng hội nhập và phát triển để chung tay xây dựng một thành phố Hải Phòng một đất nước Việt Nam vươn tầm với thế giới.
Khối tượng đài chính cao 18,5m bao gồm đế bệ 4,5m Tượng đài chất liệu đồng nằm trên đế bệ bê tông ốp đá. 02 nhóm phù điêu đục chạm 02 mặt, cao 6m, dài 10,5m chất liệu đá khối.
Phương án mã số HP02:
Bố cục phác thảo tượng đài chiến thắng Cát Bi bao gồm biểu tượng, nhóm tượng và phù điêu nổi được kết nối trong không gian kiến trúc hình khối liên hoàn, tạo ý nghĩa về niềm tự hào chiến thắng, về khát vọng xây dựng, phát triển và hội nhập, đang từng ngày vươn lên của Hải Phòng.
Biểu tượng được bố cục ở vị trí trung tâm, bao gồm hai khối trục với đường nét kỷ hà vương cao trong không gian kiến trúc. Các mảng khối hình được chắt lọc, đa dạng về tiết diện, vị trí và khoảng cách giữa các khối trụ tạo các góc nhìn tốt từ nhiều hướng. Hai khối trụ vươn lên trong không gian kiến trúc mang ý nghĩa không chỉ về niềm tự hào của chiếng thắng Cát Bi, đồng thời đó là khát vọng vương lên của người Hải Phòng trong công cuộc xây dựng, hội nhập và phát triển thành phố Hải Phòng.
Bố cục tạo hình ba khối cong, mảnh, kỷ hà phía trên hai cột trụ tạo sự mở rộng về không gian ở phía trên, tạo nhịp điệu kết nối, bổ trợ sinh động. Hình khối mang ý nghĩa của những đường bay gắn liền với hoạt động chính của khu vực Sân bay Cát Bi. Đồng thời, đó là sự liên tưởng về những dải lụa, về hình ảnh những dòng sông nổi tiếng trong không gian đô thị Hải Phòng.
Bố cục mây căng ngang, hoa phượng ở phần trung tâm, phía trên biểu tượng là điểm nhấn cô đọng, biểu trưng của thành phố Hoa Phượng đỏ, dấu ấn và là niềm tự hào của nhân dân Hải Phòng. Các hình khối này cũng là điểm kết nối về cấu trúc điêu khắc, có thể quan sát được ở mọi góc nhìn trong không gian biểu tượng.
Nhóm phù điêu tượng bán tròn “Trận Cát Bi” được thể hiện theo ngôn ngữ phù điêu tượng nổi có thể quan sát từ nhiều hướng, với nội dung mô tả trận đánh sân bay Cát Bi năm xưa. Những chiến sĩ đặc công kề vai sát cánh, hiệp đồng tác chiến tham gia trận đánh được chắt lọc về tư thế, biểu cảm, trang phục dựa trên ảnh tư liệu. Hình khối căng, mạnh mẽ theo phong cách tả thực nhằm tạo ấn tượng mạnh về khí thế chiến đấu, tinh thần quả cảm của những chiến sĩ đặc công tham gia trận đánh.
Nhóm tượng đài 2 mặt “Hải Phòng phát triển và hữu nghị” thể hiện sự thân thiện của người Hải Phòng, chào đón bạn bè bốn phương, tự hào vươn lên trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố hoa phượng đỏ.
Biểu tượng cao 21m, phù điêu tượng bán tròn cao 5,5m, dài 8,5m. Nhóm tượng cao tổng thể 7,2m, trong đó các nhân vật cao 2,6-3m. Chất liệu dự kiến bằng đá khối. Một số chi tiết như mây, hoa, đúc đồng nhằm tạo điểm nhấn và thu hút thị giác từ xã cho công trình. Dải lụa bằng tấm thép không gỉ sơn tĩnh điện màu đá.
Hồng Nhung
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More