Đây là nhận định mới nhất được đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia đưa ra tại cuộc họp ứng phó bão số 2 của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, diễn ra sáng 2/8.
Mưa có thể còn kéo dài hơn
Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 2 hiện chỉ còn cách ven biển các tỉnh Ninh Bình – Nghệ An khoảng 80km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Ông Mai Văn Khiêm nhận định, bão số 2 sẽ đi vào đất liền trong khoảng trưa, đầu giờ chiều nay (2/8). Bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Ninh Bình – Nghệ An với sức gió cấp 6 – 7, giật cấp 9.
Hiện, bão số 2 đang gây ra gió rất to, đặc biệt là ở Hòn Dấu (Hải Phòng) có gió cấp 7, giật cấp 10; ở Nam Định cũng có gió cấp 7, giật cấp 9. Cùng với đó, lượng mưa đo được từ 19h ngày 1/8 đến 7h sáng 2/8 cũng rất lớn. Tổng lượng mưa như ở Hà Tĩnh đến nay đã lên tới 500mm. Từ đêm qua đến nay, mưa cũng có xu hướng mở rộng ra Đồng bằng Bắc Bộ.
Đáng chú ý, theo ông Mai Văn Khiêm, phía Bắc Philippines đang có một cơn bão hoạt động. Cơn bão này sẽ có tác động đến cường độ và hướng đi của bão số 2. Đồng thời, gây thêm mưa kéo dài trong vài ngày tới, nhất là tại khu vực Bắc Bộ.
Cơ quan khí tượng nhận định, trong hôm nay, các tỉnh từ Thanh Hoá – Quảng Bình còn có mưa to đến rất to. Lũ trên sông Đà, sông thao (sông Hồng), thượng lưu các sông từ Thanh Hoá đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên có thể lên báo động 1 – 2, có nơi trên báo động 2.
Xảy ra 2 sự cố tàu thuyền
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, vào hồi 19h30 tối 1/8, có 1 phương tiện của Thanh Hoá với 2 ngư dân bị hỏng máy, trôi dạt trên biển. Bộ đội Biên phòng tuyến biển đã phải huy động tàu lai dắt vào vùng biển huyện Hậu Lộc. Tại Nghệ An vào sáng nau, cũng có 1 tàu cá neo đậu tránh trú bão thì bị sóng đánh chìm, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
Cũng theo đại diện Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h sáng nay, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.174 tàu thuyền với 233.900 lao động biết hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đối với tàu cá, lồng bè, lều chòi, đến 21h tối 1/8, đã được kêu gọi vào bờ tránh trú.
Trước diễn biến của bão số 2, hiện nay đã có 5 tỉnh ban hành quyết định “cấm biển”, cụ thể là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Đối với các tỉnh khác thì tàu thuyền đã vào khu neo đậu an toàn…
Bảo đảm an toàn vùng hạ du hồ chứa
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dung tích phòng lũ khu vực miền núi phía Bắc còn 12,6 tỷ m3, Bắc Trung Bộ còn 1,36 tỷ m3, riêng hồ Hoà Bình còn 3 tỷ m3 và đề xuát để hồ Hoà Bình tích thêm nước để phục vụ sản xuất…
Mặc dù vậy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, diễn biến bão còn phức tạp. Mưa lớn có thể còn kéo dài, do đó, nếu muốn tích thêm nước hồ chứa, đề nghị EVN có công văn để đơn vị xin ý kiến Phó Thủ tướng về quy trình vận hành hồ chứa.
Ông Trần Quang Hoài cũng nhấn mạnh, dù gió trên biển không lớn nhưng quản lý tàu thuyền chưa ổn. Thực tế ghi nhận từ hệ thống giám sát tàu cá hiện nay cho thấy, vẫn còn nhiều tàu thuyền đang ở ngoài khơi xa. Do đó, các địa phương cần tập trung kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Ngoài ra cần chú ý bảo đảm an toàn cho khách du lịch…
Đối với khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, ông Trần Quang Hoài đề nghị Tổng cục Thuỷ lợi quan tâm đến các hồ chứa nhỏ, kịp thời vận hành xả lũ. Cùng với đó, lưu ý phối hợp với các địa phương lên phương án sẵn sàng di dân vùng hạ du trong trường hợp phải xả lũ.
Đánh giá cao công tác cảnh báo sớm của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, ông Trần Quang Hoài lưu ý hiện nay mưa lớn đang xảy ra tại Lào. Điều này có thể ảnh hưởng đến lũ, sạt lở ở sườn Tây các tỉnh giáp ranh. Do đó, Trung tâm cần tiếp tục có dự báo để các địa phương nắm bắt tình hình, có biện pháp ứng phó kịp thời…
Trọng Tùng