Văn hóa

Trong tôi có một Hải Phòng

Khi nói đến Hải Phòng người ta còn có nhiều cách gọi: thành phố Biển, thành phố Cảng, thành phố Hoa Phượng Đỏ…Nghiệm ra, cách gọi nào cũng đúng, cũng đắc địa. Đi suốt chiều dài những vùng duyên hải đất nước hình chữ S, gặp nhiều thành phố ven biển, có cảng, có hoa phượng lập lòe như thắp lửa vào mỗi tháng Năm về, nhưng không thành phố nào giống như Hải Phòng.

Chỉ cần nói thành phố Biển, thành phố Cảng, thành phố Hoa Phượng Đỏ là người ta biết ngay đó là Hải Phòng. Chứng tỏ, biển ở đây có gì đó rất riêng, đậm đà phẩm chất đại dương hơn. Cảng ở đây cũng mang một tầm vóc lớn với một thành phố, một khu vực. Còn hoa phượng thì sao? Cũng là hoa phượng nhưng ở Hải Phòng, hoa phượng đỏ như cháy lên, hết tầm, đỏ nồng nàn như tính cách người Hải Phòng nồng nàn, mạnh mẽ.

Còn nhớ những năm cuối thập niên bảy mươi, đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam vừa kết thúc, những người lính Hải quân rút về Sài Gòn, nhận giấy xuất ngũ rồi bước xuống tàu vượt biển cập cảng Hải Phòng. Người nào cũng mệt. Có người còn mang những vết thương thân thể, chống nạng đi tập tễnh, khi bước xuống cầu tàu phải có đồng đội dìu. Nhưng chỉ ít ngày sau đó, họ ra chợ Sắt, chợ Tràng Kênh mở ki ốt bán hàng. Khi nhiều thành phố khác còn coi những chiếc xe Honda 67, Honda 50 và những chiếc đài cát-xét bán dẫn National, Sony Nhật Bản sản xuất trước 1975 là đồ tiêu dùng sang chảnh, thì ở Hải Phòng những con tàu Vosco vượt biển sang xứ sở Phù Tang mang về những chiếc “Công tử đen” (xe Honda nam CD màu đen), “Nữ hoàng đỏ” (xe Honda nữ DD màu đỏ), máy quay đĩa, bộ giàn âm thanh nổi và bao nhiêu thứ hàng tiêu dùng đời mới mang nhãn hiệu Made in Japan. Hải Phòng trở thành nơi cung cấp nguồn hàng cao cấp cho cả miền Bắc. Những đường phố vốn xập xệ, cũ kỹ trong chiến tranh giờ đây cứ sáng bừng lên từng ngày.

Tôi làm việc trong Cục Chính trị Bộ tư lệnh Hải quân, thỉnh thoảng lại có bạn bè, đồng đội ở quân khu X, Sư đoàn Y, tỉnh Z gọi điện hoặc đáp tàu xe về Hải Phòng nhờ tôi dẫn đi mua giúp cái ti- vi màu cho ban tuyên huấn, cái quạt cây Panasonic trang bị cho phòng họp, chiếc nồi cơm điện tặng vợ, chiếc máy khâu hiệu Senko, Singer… làm quà tặng con gái. Thậm chí có anh bạn là giảng viên trường đại học còn nhờ tôi mua một bát hoa thủy tiên để gia đình anh đón Tết. Thủy tiên là một loài hoa “sang chảnh”, hồi ấy do khí hậu không thích hợp, kỹ thuật còn hạn chế, trong nước chưa ươm được giống thủy tiên. Phải nhờ những con tàu viễn dương mua ở Nhật Bản, Đài Loan mang về. Lại có lần một nhóm bạn từ Hà Nội về Hải Phòng chơi, bữa ăn có đủ hương vị biển rồi các bạn vẫn muốn có thêm món rau muống Đồ Sơn. Họ nói rằng, rau muống Đồ Sơn, dù xào hay luộc đều có màu xanh ngắt, ăn giòn và đậm. Thì ra thổ nhưỡng vùng ven biển này không chỉ làm nên sắc thái riêng của con người, mà cả cỏ cây hoa lá nữa.

Trong Quân chủng Hải quân có một đoàn văn công chuyên nghiệp. Họ thường dàn dựng những tiết mục ca múa để phục vụ những người lính canh giữ biển đảo. Mỗi đợt tuyển diễn viên, địa phương nào cũng có thí sinh, nhưng người Hải Phòng thường trúng tuyển nhiều hơn, bởi người Hải Phòng hát về biển – đảo có âm sắc mênh mang, mặn mà, nghe như có sóng và gió, khi múa lại có phong thái mạnh mẽ và uyển chuyển. Tôi cũng từng được phân công cùng đi với đoàn đến các đơn vị quân cảng, ra các đảo biểu diễn trong một dịp áp tết và chứng kiến những ca sĩ trẻ quê Hải Phòng hát rất “bốc” khiến những người lính trẻ mê tiếng hát mà say luôn cả người.

Mùa hè vừa qua, có dịp về Hải Phòng, tôi nhận thấy nhiều con phố mới mở rộng, xe hơi đời mới chạy nườm nượp, hai bên nhiều tòa cao ốc trang trọng, nhưng vẫn có hai hàng phượng vỹ, màu hoa như lửa cháy lên trong mưa. Một khung cảnh thật hài hòa và ấn tượng. Hoa phượng chính là yếu tố làm nên mầu sắc riêng của Hải Phòng.

Đến Hải Phòng, niềm tin vào sự nghiệp công nghiệp hóa – đô thị hóa của tôi được củng cố khi chiêm ngưỡng hải cảng vốn có hàng trăm năm được mở rộng chạy dọc chiều dài thành phố, lọt vào top 20 cảng biển đón tàu siêu trọng thế giới. Ngắm đường giao thông Tân Vũ – Lạch Huyện có cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á. Và đáng chú ý nhất, trên dải bãi lầy um tùm lau lác thuộc đảo Cát Hải năm nao, bây giờ mọc lên nhà máy sản xuất ô tô VinFast với dây chuyền sản xuất gần như tự động hoàn toàn, cho sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam.

Tất cả những gì quan sát được ở Hải Phòng khiến tôi vui rạo rực. Vậy là đất nước thân yêu của chúng ta thực sự có tên trong danh sách những quốc gia sản xuất ra những phương tiện thiết yếu, hiện đại. Thành quả này không thể không tính đến một yếu tố quan trọng: Bản sắc người Hải Phòng.

Nhà văn Lê Hoài Nam/Theo Báo Hải Phòng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII

Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…

25/11/2024

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…

25/11/2024

Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

25/11/2024

Hải Phòng có tân Cục trưởng Cục Hải quan thành phố

Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…

25/11/2024

Thí sinh Hải Phòng trở thành Á vương 1 của Nam vương Thế giới – Mr World 2024

Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…

24/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More