Nếu như những năm đầu của thế kỷ XXI, nhiều băng nhóm tội phạm ẩn náu ở các khu nhà ổ chuột, quanh các bến xe, nhà ga, công viên… và kiếm sống bằng “nghề” khá phổ biến là trộm cắp, cướp bóc thì nay, không ít băng nhóm lại núp dưới “mác” người thành đạt, doanh nhân, người buôn bán,… sống chễm chệ trong biệt thự, chung cư cao cấp để hoạt động bài bạc, bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ mướn…
Một trinh sát địa bàn chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi, rằng cách để phân biệt giữa băng tội phạm có tổ chức và băng côn đồ, đó là một bên hoạt động “chìm”, còn một bên thì “nổi”. Băng côn đồ xăm mình vằn vện, lúc nào cũng ra oai… ta là “giang hồ”, đụng chuyện là đâm chém, kéo bè kéo nhóm chỉ là “giang hồ vặt”. Khi bị bắt giữ, bị xử tù, nhiều đối tượng khóc xin được khoan hồng vì… lỡ dại, vì bị lôi kéo.
Căn nhà ở quận Phú Nhuận mà nhóm cho vay nặng lãi thuê ở để “hành nghề”.
Băng tội phạm có tổ chức thì khác hẳn. Những kẻ cầm đầu trong đời sống thường nhật thường khá nhỏ nhẹ, từ tốn, thậm chí “lễ phép”, ít khi va chạm với ai, nhất là với hàng xóm, láng giềng. Nhưng khi đụng chuyện lớn, thanh toán với các băng nhóm đối nghịch thì rất quyết liệt phạm tội và đầy mưu mô để che giấu hành vi vi phạm pháp luật của mình. Và trong cái thế giới như “xã hội đen” ấy, không có khái niệm nhờ pháp luật can thiệp, mà chỉ có thắng làm vua, thua… đi bệnh viện!
Bởi đơn giản, chúng là những kẻ hoạt động tội phạm “ngầm” nên không thể “vạch áo cho người xem lưng”. Thế cho nên để đối phó với các băng nhóm côn đồ không khó, nhưng để lần ra các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đòi hỏi cơ quan Công an phải nắm chắc địa bàn…
TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm; vấn nạn cá độ bóng đá, đánh đề, bài bạc vẫn còn nhiều trong các khu dân cư nên hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi là “mồi thơm” mà các băng nhóm tội phạm có tổ chức thường để ý đến.
Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, có đến 560 trường hợp người dân trình báo bị quăng chất bẩn vào nhà, bị đe dọa đòi nợ của các băng nhóm “tín dụng đen”. Qua rà soát cho thấy có đến hơn 50% số người “vay nóng” là để cung phụng cho mục đích ăn chơi, bài bạc… của mình.
Chính yếu tố này mà Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự giao Đội Phòng chống tội phạm có tổ chức (Đội 2) đánh mạnh vào băng nhóm tội phạm “tín dụng đen”. Đầu tháng 6-2019, Đội 2 đã khám phá hai băng nhóm cho vay nặng lãi do Phạm Ngọc Hùng (SN 1976; quê quán quận Hai Bà Trung, Hà Nội) và Lê Ngọc Châu (SN 1983; quê quán quận Lê Chân, Hải Phòng) cầm đầu. Hai băng nhóm này có thể nói là “hình mẫu” của các băng nhóm cho vay nặng lãi hiện nay ở TP Hồ Chí Minh.
Phạm Ngọc Hùng thuê căn nhà khá khang trang ở quận Phú Nhuận để sống cùng Trần Tuyết Vân (SN 1979, quê quận Hoàng Kiếm, Hà Nội), Ngô Hoàng Hiên (1993; TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), Nguyễn Tuấn Anh (SN 1992), Nguyễn Tiến Toàn (SN 1993) và Vũ Trung Kiên (SN 1993; cùng quê Đại Từ, Thái Nguyên) như người trong một gia đình. Để che mắt mọi người, các đối tượng không hoạt động tại nơi ở, mà sang các quận lân cận tổ chức cho vay với mức lãi suất phổ biến là 20%/tháng đối với vay góp và 30% nếu vay “đứng”.
Nhằm uy hiếp nếu “con nợ” quỵt tiền, Hùng mua súng rulo, còng số 8, roi điện, dùi cui để tùy mức độ “cứng đầu” của “con nợ” mà dùng loại công cụ nào để thị uy, đánh đập con nợ. Chính vì vậy mà đã qua hàng trăm, hàng ngàn hồ sơ cho vay nhưng chúng rất ít khi bị “nợ xấu”.
Đại úy Phạm Ngọc Thăng, Phó Đội trưởng Đội 2 cho biết, để khám phá băng nhóm này, các trinh sát phải đeo bám trong thời gian dài để thu thập đầy đủ chứng cứ phạm tội, bởi đối tượng cho vay tuyệt đối không để lộ mức lãi suất, còn nạn nhân thường không hợp tác vì sợ bị trả thù. Trinh sát phải nắm chắc địa bàn từ các nguồn thông tin khác nhau chứ không đợi đến sự tố giác của người dân, của nạn nhân.
Trước đây, nhờ nắm chắc địa bàn mà các trinh sát Đội 2 đã phối hợp cùng Công an phường 15, quận 8 kiểm tra hành chính hơn 10 căn hộ nằm trong hai chung cư Giai Việt và Samland. Qua đó phát hiện có 22 người tham gia hoạt động cho vay nặng lãi; tang vật thu giữ gồm 484 hồ sơ cho vay, 49 sổ theo dõi cho vay và 90 tờ giấy theo dõi tiền góp hằng ngày.
Cũng do bám sát địa bàn, các trinh sát Đội 2 từng kịp thời ngăn chặn vụ thanh toán giữa hai băng nhóm giang hồ manh động. Đó là việc một băng nhóm tội phạm có tổ chức đến từ Hải Phòng khiêu chiến bằng “hàng nóng” với một băng giang hồ tại TP Hồ Chí Minh với điểm hẹn tại ngã tư An Sương – khu vực giáp ranh giữa quận 12 và huyện Hóc Môn.
Để ngăn chặn vụ thanh toán, Đội 2 phối hợp cùng Công an địa phương tổ chức tuần tra, chốt chặn khiến 2 nhóm không dám xuất đầu, lộ diện.
Không dừng lại ở đó, các trinh sát của Đội đeo bám các đối tượng và phát hiện băng nhóm người Hải Phòng có mượn khẩu súng của đối tượng N.V.H – một chủ tiệm cầm đồ trên đường Quang Trung, Gò Vấp. Và các trinh sát đã có đủ cơ sở kết luận, tiệm cầm đồ chỉ là bình phong để H hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất từ 15-30%.
Dưới trướng của H là 5 đối tượng người Hải Phòng chuyên đi thu tiền góp và đe dọa, đánh đập nếu “con nợ” không “đúng hẹn”. Khi vụ thanh toán bị lộ, một đối tượng trong nhóm giang hồ Hải Phòng mang súng trả lại cho H thì bị bắt giữ. Tang vật ngoài khẩu súng 1 khẩu súng rulo tự chế, còn có 1 quả lựu đạn, 7 mã tấu, 15 ống tuýp sắt, 2 cây búa cùng nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi…
Cuối tháng 2-2019, nhờ bám sát địa bàn mà các trinh sát Đội 2 bắt giữ 18 đối tượng trong băng nhóm chuyên giăng bẫy khách mua dâm để trộm tài sản. Ba đối tượng cầm đầu đường dây này là Lương Phạm Hồng Quân (tự Quân “mập”, 42 tuổi, quê Tiền Giang), Nguyễn Thành Ngân (40 tuổi, quê Tây Ninh) và Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn “mụn”, ngụ quận Gò Vấp) cùng đồng bọn thực hiện hơn 1.000 vụ trộm nhưng không có nạn nhân nào trình báo với cơ quan Công an. Để lôi băng nhóm này ra trước pháp luật, các trinh sát đã miệt mài đeo bám hàng tháng trời.
“Với những loại án như vậy mà không có sự hợp tác của nạn nhân và không bắt quả tang thì rất khó xử lý hành vi phạm tội của đối tượng. Trong khi đó, các băng nhóm hoạt động có tổ chức và tồn tại trong một thời gian dài thì rất giỏi đối phó và cảnh giác cao độ…”, Thượng tá Trần Đình Ngọc, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, để đạt được hiệu quả cao trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có tổ chức, việc quản lý, bám chặt địa bàn là yếu tố quyết định, cần được duy trì và phát huy.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, với tính chất phức tạp của các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” trên địa bàn, đầu năm 2019, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an các quận, huyện và các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các nhà hàng, vũ trường, các dịch vụ vui chơi công cộng…; quản lý chặt chẽ việc tạm trú, tạm vắng, không để hình thành cộng đồng người cư trú trái phép dẫn đến hoạt động vi phạm pháp luật. Tập trung triệt phá các tổ chức tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sử dụng vũ khí “nóng”; tội phạm đâm thuê, chém mướn và đòi nợ thuê.
Năm 2024 là năm đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của TP Hải Phòng…
Chiều 3/1, theo thông tin của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành…
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy…
Theo quy định của thông tư về dạy thêm, học thêm mới, tổ chức, cá…
Chiều 03/01, UBND quận An Dương tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ phát…
Trong năm 2024, 5 hệ thống camera phạt nguội tại các nút giao trọng điểm…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More