Quốc phòng

Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022: Việt Nam giới thiệu những gì?

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, Việt Nam sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo.

Ngày 8/12, Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó chính ủy Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), Cơ quan thường trực Ban tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã trả lời phỏng vấn báo chí về cuộc Triển lãm này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới

Đề nghị đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 lần đầu tiên do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức?

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng: Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam từ ngày 8 đến 10/12.

Triển lãm nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Đồng thời, triển lãm cũng là dịp để quảng bá, tuyên truyền về năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do CNQP Việt Nam sản xuất tới bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước.

Triển lãm cũng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về CNQP, đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài để sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang; tìm hiểu, nghiên cứu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho Quân đội và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng.

Đây cũng là dịp để tích lũy kinh nghiệm hướng tới tổ chức Triển lãm định kỳ 2 năm/lần, trong đó có Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với những mục đích trên, Tổng cục CNQP kỳ vọng Triển lãm thành công ở tất cả các khía cạnh, đặc biệt chúng ta sẽ tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác, đối ngoại quốc phòng với các đối tác quốc tế; khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ và vì nhân dân; từ đó tạo niềm tin chiến lược với bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thông qua Triển lãm, chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới sẽ có cơ hội giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm được cơ hội hợp tác trong lĩnh vực CNQP; các đơn vị quốc phòng, an ninh sẽ tiếp cận và tìm hiểu nghiên cứu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại trên thế giới phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình.

Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban tổ chức Triển lãm, Tổng cục CNQP có sự chuẩn bị như thế nào cho sự kiện ý nghĩa này, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng: Vì đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế nên công tác tổ chức Triển lãm được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao.

Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban tổ chức Triển lãm, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP đã quán triệt sâu sắc ý nghĩa của sự kiện, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác đối ngoại quốc phòng năm 2022 của Tổng cục.

Tổng cục CNQP đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các mặt công tác: Chỉ đạo điều hành; chuẩn bị hạ tầng cơ sở Triển lãm; mời các doanh nghiệp CNQP trong và ngoài nước tham gia trưng bày tại Triển lãm; trưng bày sản phẩm của ngành CNQP Việt Nam; chủ động trong xây dựng và phối hợp triển khai kế hoạch hoạt động của Ban tổ chức.

Thưa đồng chí, trong quá trình trên có gặp khó khăn nào không?

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng: Như đã nói ở trên, việc tổ chức Triển lãm là nhiệm vụ chưa có tiền lệ đối với Bộ Quốc phòng nói chung và Tổng cục CNQP nói riêng.

Công tác điều hành, triển khai các công việc của Triển lãm là nội dung có khối lượng công việc lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương.

Chính vì vậy, trong quá trình triển khai không tránh khỏi những khó khăn, nhất là khi công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm có giai đoạn diễn ra trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chúng tôi phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch, nội dung sao cho phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm.

Một số khó khăn trong quá trình chuẩn bị là: Thứ nhất, ta chưa có khu tổ chức triển lãm chuyên nghiệp.

Hạ tầng cơ sở, kỹ thuật phục vụ tổ chức Triển lãm không có sẵn nên phải tận dụng các nhà xưởng, bãi đỗ máy bay tại Sân bay Gia Lâm (khu vực quân sự) để cải tạo làm khu vực Triển lãm nên phải đầu tư kinh phí lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài.

Thứ hai, chưa có bộ phận chuyên trách tổ chức Triển lãm, Ban tổ chức thành lập với cơ cấu bao gồm đại diện kiêm nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị nên việc phối hợp triển khai có lúc chưa nhịp nhàng.

Thứ ba, thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 dẫn đến việc mời các đối tác quốc tế có thời điểm bị hạn chế và cũng có những khó khăn nhất định; thời gian chuẩn bị gấp nên chưa nhiều đối tác mang được vũ khí, trang bị lớn đến trưng bày (thông thường các đối tác cần phải có kế hoạch từ năm trước).

Tuy nhiên, do công tác dự báo, chuẩn bị kỹ lưỡng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các khó khăn, vướng mắc đến nay cơ bản đã được Ban tổ chức giải quyết và sẵn sàng cho một Triển lãm thành công.

Thu hút rộng rãi sự quan tâm và tham gia của các đối tác, khẳng định lòng tin của bạn bè quốc tế

Quy mô tổ chức của Triển lãm so với các triển lãm quốc tế mà một số nước đã tổ chức trong thời gian gần đây như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng: Trong quá trình chuẩn bị, Bộ Quốc phòng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi tham gia các triển lãm quốc phòng quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Thông qua hoạt động đối ngoại này, ta đã nghiên cứu, rút kinh nghiệm của các nước về công tác tổ chức, quy mô, nội dung…

Về quy mô lần tổ chức này, Ban tổ chức đã xây dựng khu vực Triển lãm có tổng diện tích hơn 50.000m², bao gồm phần trưng bày trong nhà và ngoài trời.

Với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam, đã có 174 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 30 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ đăng ký trưng bày tại Triển lãm.

Bộ Quốc phòng đã mời các đoàn khách quốc tế dự Lễ khai mạc Triển lãm. Đây là khách mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Tư lệnh Hải quân, Tư lệnh Phòng không-Không quân và Chủ nhiệm Tổng cục CNQP.

Qua đây, có thể thấy Triển lãm đã thu hút rộng rãi sự quan tâm và tham gia của các đối tác, khẳng định lòng tin của bạn bè quốc tế đối với chúng ta.

Giới thiệu nhiều sản phẩm nổi bật của công nghiệp Quốc phòng Việt Nam

Đề nghị đồng chí khái quát những sản phẩm nổi bật của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Tổng cục CNQP nói riêng trưng bày tại Triển lãm?

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng: Tại Triển lãm, các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế sẽ trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho tất cả lực lượng hải quân, lục quân, phòng không-không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.

Việt Nam sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo, bao gồm: Súng, đạn bộ binh; súng, đạn chống tăng; súng, đạn cối; súng, đạn pháo; các sản phẩm hóa nổ, ngòi nổ; khí tài quang; sản phẩm tàu; các loại áo giáp, mô hình nghi binh, nghi trang và trang thiết bị hậu cần; hệ thống thông tin liên lạc, radar, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống chỉ huy điều khiển, hệ thống huấn luyện mô phỏng, thiết bị quang điện tử, thiết bị bay không người lái (UAV), hệ thống tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin; vũ khí, trang bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, phương tiện tuần tra, kiểm soát an ninh-trật tự, phòng cháy, chữa cháy, hậu cần phục vụ lực lượng công an.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức bố trí khu vực không gian văn hóa, không gian ẩm thực, khu vực trưng bày “Kinh tế-quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” để trưng bày các mốc son tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử gắn với phát triển kinh tế-xã hội; kết nối với Triển lãm không gian mạng.

Cảm ơn đồng chí!

Một số sản phẩm hiện đại do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022:

Nguồn tin: Báo Chính phủ

Tin khác

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

Đối thoại trực tuyến chuyên đề với chủ đề “Mua Nhà ở xã hội cần những điều kiện gì”

Chiều 21/11, Cổng thông tin điện tử thành phố tổ chức đối thoại trực tuyến…

21/11/2024

Cảnh giác mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo

Thời gian gần đây, chuyên mục “Qua đường dây nóng” của Báo Hải Phòng nhận…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More