Print Thứ Ba, 21/04/2020 10:32 Gốc

Những người lao động tự do bị mất việc do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đang mong ngóng từng ngày để nhận tiền từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9-4-2020. Thời điểm này, các địa phương đang khẩn trương thống kê, rà soát để không sót lọt, trùng lặp đối tượng thụ hưởng.

Người dân mong nhận hỗ trợ

Cuộc sống thường ngày của các lao động tự do làm nghề bán hàng rong, thu gom rác, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, xe ôm… vốn đã khó khăn, trong những ngày xảy ra dịch bệnh COVID-19 càng thêm khó, khi phải tạm dừng công việc theo quy định phòng, chống dịch. Họ không ký hợp đồng lao động với nơi nào, không đóng BHXH, nên khi bị mất việc làm không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp, không có tiền tích lũy, áp lực mưu sinh càng nặng hơn.

Lao động tự do mong sớm được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ để vượt qua khó khăn trong mùa dịch (ảnh minh họa).

Như bà Trần Thị Len ở thôn Minh Khai, xã Mỹ Đức (huyện An Lão) có gần 20 năm làm nghề giúp việc gia đình. Gần chục năm nay bà làm giúp việc một gia đình giáo viên tại phố Cát Cụt (quận Lê Chân). Nhà chỉ có hai mẹ con, số tiền bà kiếm được hằng tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Nhưng gần 3 tháng nay, bà nghỉ việc do gia chủ không còn nhu cầu, và cũng là biện pháp để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bà Len tâm sự: “Khi biết Chính phủ sẽ hỗ trợ người lao động mất việc làm 1 triệu/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6-2020, tôi mong ngóng từng ngày nhận được hỗ trợ, giúp giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.

Theo thống kê của UBND xã Mỹ Đức, tính đến ngày 18-4, ở xã có gần 2.000 người lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh đến kê khai nhận hỗ trợ. Lãnh đạo, cán bộ UBND xã Mỹ Đức đang nỗ lực chạy đua với thời gian để có thể thống kê được hết lao động tự do trên địa bàn xã.

Còn tại phường Hải Thành (quận Dương Kinh), toàn địa bàn có khoảng 7.000 dân, số lao động tự do bị mất việc làm kê khai xin nhận hỗ trợ là gần 1.000 người, chiếm hơn 14%. Chủ tịch UBND phường Hải Thành Nguyễn Duy Hưng thông tin: Thông qua các tổ dân phố, UBND phường triển khai lấy tờ kê khai đến tất cả người lao động tự do có hộ khẩu thường trú tại địa bàn phường hiện đang mất việc làm nên không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch. Số lao động này trên địa bàn phường khá nhiều, dự kiến tới đây còn tăng do một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất hoặc phải tạm dừng hoạt động nên tiếp tục để người lao động nghỉ việc.

Tiêu chí, điều kiện cần cụ thể, rõ ràng

Tuy số lượng người kê khai nhận hỗ trợ tại các địa phương khá nhiều, song để bảo đảm những trường hợp được xem xét hưởng hỗ trợ đúng đối tượng theo chính sách, không bị trùng lặp, sót lọt vẫn là băn khoăn của nhiều người. Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Đỗ Trọng Hiếu bày tỏ: Theo Thông tư quy định về thủ tục, điều kiện nhận hỗ trợ được Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) dự thảo nhằm triển khai Nghị quyết 42, đối tượng lao động tự do được hỗ trợ là người mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia và không có đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy nhiều lao động tự do tại địa phương có đất sản xuất nông nghiệp, nhưng do làm ruộng không đủ thu nhập nên họ bỏ hoang ruộng đất, đi làm thêm đủ các ngành nghề tại khu vực nội thành. Thời điểm này, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng đang vướng về tiêu chí để được xét duyệt nhận hỗ trợ.

Luật sư Nguyễn Thị Thùy, Văn phòng Luật sư Lam Sơn nêu: Trong dự thảo của Bộ LĐ-TB-XH hiện nay, điều kiện để người lao động đăng ký nhận hỗ trợ là có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ ba tháng trở lên trước ngày 1-4-2020 tại địa phương đề nghị hỗ trợ. Như vậy, nếu người lao động có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng nhưng lên Hà Nội để làm việc tự do, sẽ kê khai đề nghị hỗ trợ tại đâu? Do đó, cần hướng dẫn cụ thể địa phương nơi lao động sẽ hỗ trợ, hay địa phương nơi lao động cư trú sẽ hỗ trợ để tránh trùng lặp.

Trao đổi về việc này, Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB-XH) Phạm Văn Căng cho biết: Việc thống kê của các địa phương hiện nay dựa trên sự kê khai từ phía người lao động. Sở đang chờ hướng dẫn cụ thể các tiêu chí, phương thức triển khai hỗ trợ cụ thể đối với lao động tự do của Bộ LĐ-TB-XH để triển khai tại Hải Phòng. Danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt. Việc hỗ trợ sẽ triển khai với tiêu chí bảo đảm đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để “độ trễ” trong thực hiện chính sách, công khai, minh bạch, không để xảy ra việc trục lợi chính sách, hay trùng lặp, bỏ sót một ai.

Đây là lần đầu Chính phủ hỗ trợ diện rộng đối với người lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không tránh khỏi vướng mắc trong quá trình triển khai. Để bảo đảm gói hỗ trợ đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, cần nêu cao sự tự giác của người lao động, tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự giám sát của người dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị. Danh sách các đối tượng được phê duyệt cần công khai trên Cổng thông tin điện tử, tại bảng tin của UBND phường, xã, tổ dân phố để người dân giám sát, bảo đảm sự hỗ trợ đúng người, kịp thời. Việc triển khai nên gắn trách nhiệm của từng cấp, nhất là cấp xã, phường. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm minh nếu để xảy ra tiêu cực, vi phạm.

Theo dự thảo được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến nhằm triển khai Nghị quyết 42, nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ gồm: Người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe máy hai bánh chở khách, xe xích lô; người bán lẻ vé số lưu động; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Tuệ Minh – Ảnh: Trung Kiên

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Triển khai hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19: Không để sót, trùng người thụ hưởng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác