Giáo dục

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021: Chuẩn bị đội ngũ giáo viên đón lớp 1

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 bậc Tiểu học vừa tổ chức sáng 14-8 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019-2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào giảng dạy ở lớp cấp 1 tiểu học từ năm 2020-2021. Bộ trưởng yêu cầu ngành Giáo dục tiểu học ưu tiên chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới…

Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 bậc Tiểu học. Ảnh: CTV

Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 bậc Tiểu học vừa tổ chức sáng 14-8 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh),Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019-2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào giảng dạy ở lớp cấp 1 tiểu học từ năm 2020-2021. Do đó, bên cạnh hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương phải tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

“Ngành giáo dục tiểu học cần tập trung ưu tiên chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Các địa phương phải phối hợp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên; sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đối với cấp tiểu học phải tuân thủ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới”, Bộ trưởng nói.

Trước đó, sáng 9-8, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị triển khai tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay thế cho Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm học 2020-2021 theo lộ trình quy định tại Thông tư 32, bắt đầu triển khai cho lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu cho các khối lớp khác trong những năm tiếp theo.

Bộ GD-ĐT đã tiến hành một khối lượng công việc tương đối lớn để chuẩn bị một đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đạt chuẩn, có đủ phẩm chất và năng lực để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Chương trình ETEP là một trong những giải pháp quan trọng trong đổi mới giáo dục do Bộ GD-ĐT chủ trì, tập trung vào việc nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông dựa trên nền tảng tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường với sự hỗ trợ của giảng viên các trường sư phạm, đội ngũ cốt cán trên cơ sở phát huy hệ thống học tập trực tuyến LMS – TEMIS (Hệ thống quản lý thông tin đào tạo bồi dưỡng giáo viên tích hợp với hệ thống quản lý học tập qua mạng).

Qua đó, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán có thể đạt được chuẩn năng lực nghề nghiệp mới, có thể chủ động ứng phó với những thay đổi của thực tiễn giáo dục và nhu cầu đa dạng của học sinh phổ thông.

8 trường/học viện được lựa chọn tham gia Chương trình ETEP, gồm: trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), trường ĐH Vinh, trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Học viện quản lý giáo dục).

Đến nay, đã có 800 giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt được lựa chọn từ 8 trường ĐH Sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia Chương trình ETEP và từ trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã được bồi dưỡng về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phát triển năng lực và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dự kiến sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán được tham gia tập huấn, bồi dưỡng 54 mô đun liên tục trong 3 năm, từ năm 2019 đến năm 2021. Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm sau đó sẽ hỗ trợ cho việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, thông qua mạng internet.

Dạy học 2 buổi/ngày, còn khó về phòng học

Việc tổ chức dạy – học cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn gặp khó mà trước hết là việc tổ chức học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học với chương trình mới sẽ như thế nào, dạy chương trình tích hợp ra sao.

Ngoài ra, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, nội dung giáo dục địa phương hiện nay đang triển khai thực hiện, nhưng trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì quan điểm là không dạy kiến thức mà chú trọng phát triển năng lực học sinh nên các địa phương không tránh khỏi lúng túng khi triển khai thực hiện vì mục tiêu đã khác trước…

Tại Hải Phòng, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học vẫn còn gặp khó về khả năng đáp ứng số phòng học, chưa nói đến các cơ sở vật chất khác.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Đỗ Văn Lợi, để chuẩn bị năm học mới 2019-2020, đến thời điểm này, sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT các quận, huyện tổ chức rà soát cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên đứng lớp; riêng đối với khối THPT, sở điều chỉnh giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, đồng thời xây dựng kế hoạch đề nghị UBNDTP tuyển dụng giáo viên; mở lớp tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý trước năm học mới; ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành học tổng kết năm học cũ, triển khai nhiệm vụ năm học mới và chuẩn bị tổ chức đồng loạt ngày khai giảng vào 5-9…

Một trong những nhiệm vụ được chú trọng trong năm học tới là chuẩn bị cho chương trình thực hiện thay sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021. Theo lộ trình, khối lớp 1 sẽ thực hiện ngay năm học 2020-2021. Do vậy, 100% giáo viên dự kiến sẽ đứng lớp khối lớp 1 năm học 2020-2021 sẽ được tập huấn theo chương trình của Bộ GD-ĐT, được đào tạo lại và bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất theo yêu cầu mới, gồm các phòng chức năng nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học, rèn luyện thể chất, nâng cao kỹ năng sống…

Những năm học trước, nhiều trường tiểu học đã tập trung xây dựng chương trình học 2 buổi/ ngày. Đặc biệt, trong các chuyên đề chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức, nhiều trường tại các quận huyện đã tổ chức chuyên đề về dạy – học 2 buổi/ngày.

Tuy nhiên, một trong nhưng điểm khó hiện nay là chưa đủ phòng học để đáp ứng 100% khối học sinh tiểu học có thể học 2 buổi/ngày, nhất là ở những địa phương mật độ dân cư cao.

Ngoài một vài trường tổ chức học 2 buổi/ ngày và ăn bán trú từ lớp 1 đến lớp 5, nhiều trường chỉ đáp ứng bán trú đến lớp 2 và học 2 buổi/ngày cũng vậy. “Để chuẩn bị cho năm học mới này, Sở GD-ĐT tiếp tục khuyến khích việc tổ chức học 2 buổi/ngày nhất là bậc Tiểu học”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi cho biết.

HẢI HẬU

Nguồn. ANHP

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

Hải Phòng sẵn sàng cho Chợ Tết công đoàn quy mô lớn năm 2025

Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…

10/01/2025

Hải Phòng thông tin hội thi Vật dân tộc thời Mạc lần thứ 4

Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…

10/01/2025

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu tiếp xã giao Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

10/01/2025

Tiếp nhận “Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More