Trật tự đường hè tại nhiều tuyến đường cửa ngõ diễn biến phức tạp cần giải pháp triệt để

Dịp cuối năm, cùng với nhu cầu giao thông tăng cao, nhiều hộ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

Đường Bạch Đằng bị lấn chiếm cả vỉa hè và lòng đường

Lộn xộn, nhếch nhác

Đường 359 đoạn qua xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên) –tuyến đường cửa ngõ nối huyện Thủy Nguyên với trung tâm thành phố gần đây thường xuyên diễn ra cảnh các điểm bán hàng bè phè, lấn hết hai bên vỉa hè. Vào thời điểm sáng sớm hay giờ tan tầm trưa và chiều, lưu lượng người và xe qua lại đông, các hộ buôn bán, lấn chiếm vỉa hè khiến giao thông qua tuyến đường này rất phức tạp. Đặc biệt, đây là tuyến đường dẫn vào Khu công nghiệp VSIP, lượng xe khách, xe tải trọng lớn và xe container lưu hành nhiều. Hoạt động buôn bán không chỉ tấp nập trên vỉa hè mà còn tràn cả xuống lòng đường khiến đoạn đường này trở thành điểm nóng về giao thông. Cuối tháng 8 vừa qua, tại đây xảy ra vụ va chạm giữa xe container BKS: 15C-15679 và xe máy BKS: 15B1-78061 khiến người đàn ông điều khiển xe máy tử vong. Chung tình cảnh trên, đại lộ Tôn Đức Thắng (huyện An Dương) chiều từ ngã 4 Nguyễn Văn Linh – Tôn Đức Thắng đi về cầu An Dương cũng thường xuyên bị lấn chiếm bởi các điểm bán hàng rong. Ghi nhận tại thời điểm 9 giờ sáng ngày 8- 12, dù qua giờ cao điểm nhưng dọc tuyến đường có tới cả chục điểm bán hoa quả, quần áo, rau xanh, đồ ăn các loại đang hoạt động. Hàng hóa được các tiểu thương xếp tràn xuống lòng đường; kèm theo đó là các loại ô, dù, biển hiệu quảng cáo bán hàng… Anh Nguyễn Văn Giang, ở thôn Cái Tắt, xã An Đồng (huyện An Dương) cho biết: Ngày nào đi làm qua đây anh cũng gặp tình trạng này. Nhiều người mua hàng vô tư đỗ xe ngay dưới lòng đường để mặc cả mua bán. Trong khi đó, lưu lượng xe cơ giới lưu thông qua tuyến đường này rất đông, nhất là thời điểm sáng sớm hoặc tan tầm trưa và chiều. Kể từ khi dự án xây dựng khu đô thị sinh thái ven sông Vinhomes Imperia Hải Phòng triển khai, tuyến đường Bạch Đằng (phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng) trở thành một điểm “nóng” về trật tự đường hè. Vào giờ trưa, công nhân từ công trường ào ra ăn trưa; xe máy, xe đạp xếp hàng dài ngay dưới lòng đường trước cửa hàng. Dù chỉ kéo dài vài giờ, nhưng đây lại là thời điểm người xe qua lại đông đúc nên tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.

Nâng cao trách nhiệm chính quyền cơ sở

Tồn tại ngang nhiên, hằng ngày hằng giờ, gây mất mỹ quan đô thị và nguy hiểm cho người tham gia giao thông, thế nhưng việc chấn chỉnh những điểm “nóng” về trật tự đường hè này hầu như không đạt hiệu quả. Theo lãnh đạo UBND phường Thượng Lý (quận Hồng Bàng), dù tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm trật tự vỉa hè, lòng đường; nhiều lần chính quyền địa phương ra quân lập lại trật tự vỉa hè, nhưng ngay khi lực lượng chức năng đi khỏi, mọi việc lại trở lại như trước. Còn theo Chủ tịch UBND xã Tân Dương Phạm Văn Lương, trước đây dọc hai bên đường 359 đoạn qua địa bàn xã cũng có một số ít hộ buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ nhưng mức độ chiếm dụng vỉa hè chưa nhiều. Từ khi thành phố thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị Bắc Sông Cấm, nhiều hộ dân trong xã chuyển nghề buôn bán nhỏ, bám đường kiếm sống. Mặc dù chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng không hiệu quả. Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thủy Nguyên Trần Văn Chanh cho biết: Nhận thấy rõ nguy cơ cao về mất an toàn giao thông do việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, thời gian qua, UBND huyện Thủy Nguyên chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức giải tỏa và tăng cường tuần tra,
kiểm soát tại các điểm “nóng”. Lực lượng chức năng thu giữ hàng chục biển quảng cáo, xử phạt hành chính gần 25 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm. Thực tế cho thấy, sự thiếu hiệu quả trong lập lại trật tự đường hè ở các tuyến đường vùng ven có nguyên nhân khách quan do kết cấu hạ tầng phục vụ việc kinh doanh, buôn bán quá tải; việc thu hồi đất triển khai các dự án khiến một bộ phận người dân chuyển đổi ngành nghề mưu sinh sang buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của một bộ phận, người dân còn yếu kém trong khi chính quyền cơ sở thiếu kiên quyết, sát sao. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự đường hè mỏng, nhiều việc; nhiều xã không có lực lượng quản lý đô thị chuyên trách nên công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm không được duy trì thường xuyên, liên tục. Sự phức tạp giao thông ở các tuyến đường cửa ngõ hiện đến mức đáng báo động, cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành chức năng liên quan. Trong đó, chính quyền các xã, phường, thị trấn cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; đồng thời xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm để làm gương, tránh tình trạng “nhờn” như hiện nay.


Thành Lê – Báo Hải Phòng 18/12/2018

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More