“Flex” được hiểu đơn giản là việc khoe thành tích, chia sẻ những điều tốt đẹp về bản thân hoặc người thân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu được thực hiện đúng cách, trào lưu có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội đặc biệt là người trẻ.
Flex, một không gian thú vị
Trong tiếng Anh, cụm từ “flex your muscles” nghĩa là phô trương cơ bắp. Ngày nay, “flex” thường được dùng để chỉ việc khoe thành tích hay rộng hơn là chia sẻ bất kỳ điều gì khiến một người cảm thấy tự hào, tốt đẹp về bản thân.
Là sinh viên chuyên ngành Báo in tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, chị Lê Hương Giang cho biết, “cơn bão flex” không chỉ là một không gian thú vị để mọi người nhìn lại những cột mốc cố gắng mà còn là nơi để kết nối và trò chuyện với cộng đồng.
Theo chị Hương Giang, thành tích đều xứng đáng được khoe ra bởi đó là thành quả của bản thân chị sau bao khó khăn vất vả, giúp nữ sinh tăng sự tự tin đáng kể.
“Khi chia sẻ và nhận được khen ngợi từ mọi người về thành tích của mình, tôi sẽ thấy tự tin hơn hẳn. Điều này có thể tạo ra một vòng lặp tích cực, cho tôi động lực để đạt được nhiều thành công hơn trong các hoạt động khác”, chị Hương Giang bày tỏ.
Nữ sinh cho biết thêm, việc chia sẻ cũng giúp người trẻ nhìn lại chặng đường đã qua, từ đó khẳng định giá trị bản thân và xác định mục tiêu phát triển trong tương lai.
Mặc dù không phủ nhận những lợi ích lớn lao mà trào lưu này mang lại, thế nhưng, anh Nguyễn Minh Thư, du học sinh tại Trường Đại học Quốc gia Joenbuk Hàn Quốc, lại cho rằng, trào lưu “flex” sẽ khiến những người không đủ tự tin thêm phần tự ti.
Theo anh Thư, việc khoe thành tích cần được đi đúng hướng. Không nên khoe khoang thành tích quá đà, tỏ vẻ trịch thượng, mà chỉ nên dừng lại ở mức độ tự hào và truyền cảm hứng cho mọi người. Tránh gây lầm tưởng giá trị bản thân phải phụ thuộc vào thành công của người khác.
Flex đang bị lạm dụng
Bà Đỗ Thị Hải Đăng, Tổng Giám đốc Công ty Le Bros, giảng viên khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, “flex” xuất hiện không chỉ ở trong giới trẻ mà còn ở những người tầm tuổi trung niên, đặc biệt trong cộng đồng ngành sale, marketing hay KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội)…
Nói về mặt tốt, bà Hải Đăng cho rằng, “flex” có hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ. Mạng xã hội là nơi nhiều doanh nghiệp sử dụng trào lưu này để truyền thông, quảng bá mà ít gặp phản ứng tiêu cực của khách hàng; còn cá nhân cũng có thể làm hình ảnh theo hướng tích cực, tạo cảm hứng tốt cho xã hội.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận flex đang bị lạm dụng, nhiều người biến tướng trào lưu này bằng việc sử dụng thông tin, hình ảnh không đúng sự thật. Họ lợi dụng flex để tung thông tin giả, ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Thậm chí, nhiều đối tượng còn giả mạo hình ảnh của người khác để lừa đảo.
“Trước khi trào lưu này nổi lên, một số người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh bản thân một cách thậm xưng. Cả mặt tích cực và tiêu cực của trào lưu đều có ảnh hưởng đến người dùng mạng xã hội đặc biệt là người trẻ, học sinh, sinh viên. Đây là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin trên mạng xã hội bởi bộ lọc thông tin tốt-xấu của họ còn hạn chế”, bà Đăng nhận định.
Vị tổng giám đốc cho rằng, flex cũng giống như nhiều trào lưu khác trên mạng xã hội. Sau khi hết “hot”, trào lưu này sẽ lại sớm biến mất khi đã thực hiện xong chức năng của nó. Quan trọng là người dùng mạng xã hội phải biết sàng lọc thông tin, đánh giá để không bị ảnh hưởng cực đoan do trào lưu này.
Lương Hạnh