Công tác thu hút nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) của thành phố Hải Phòng gần đây luôn đạt hiệu quả cao với mức trung bình 4 triệu USD/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tại địa bàn thành phố Hải Phòng có 34 tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ 45 dự án và phi dự án với tổng giá trị cam kết tài trợ cả năm 2018 là 4,317,784 USD tương đương với 99,3 tỷ đồng.
Dự án “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại thành phố Hải Phòng, Việt Nam” do Quỹ Prudence thuộc Tập đoàn Prudential châu Á tài trợ thông qua Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) là một trong những dự án tiêu biểu cho công tác thu hút nguồn lực PCPNN tại Hải Phòng trong năm 2017. Dự án đem lại những hiệu quả tích cực trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại các địa phương, góp phần quan trọng trong sự phát triển bền vững của thành phố. Là một trong những phường triển khai dự án, Chủ tịch UBND phường Nam Hải (quận Hải An) Phạm Văn Lập cho biết: “Phường Nam Hải là 1 trong những địa phương ven biển, hàng năm phải gánh chịu nhiều cơn bão. Dự án Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại thành phố Hải Phòng hỗ trợ địa phương một cách tích cực. Những buổi tập huấn, diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân trong những tình huống cụ thể vận dụng được bài học kinh nghiệm, sẵn sàng phòng, chống hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro thiên tai”.
Diễn tập cứu trợ nhân dân tại khu vực sơ tán (phường Nam Hải) trong dự án phi chính phủ nước ngoài “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại thành phố Hải Phòng, Việt Nam”.
Hiểu rõ hiệu quả tích cực từ các dự án PCPNN đem lại, Sở Ngoại vụ thành phố là đầu mối cùng các sở, ban, ngành luôn chủ động vận động, triển khai các dự án PCPNN. Theo Phó giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Nguyễn Thị Bích Dung, công tác xúc tiến, vận động viện trợ của thành phố Hải Phòng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Giá trị viện trợ trong những năm qua duy trì ở mức cao so với bình quân cả nước với 4 triệu USD/năm. Phần lớn các dự án đều tập trung vào các mục tiêu hoạt động nhân đạo, hỗ trợ cộng đồng, chú trọng tới trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường hoặc xây dựng và nâng cao năng lực cho các cán bộ và đối tác địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai. Các dự án phát huy hiệu quả cao, góp phần thiết thực cho công cuộc giảm nghèo, phát triển bền vững phù hợp với các mục tiêu ưu tiên, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Để có kết quả này, là các cấp, ngành đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN vào địa bàn tìm hiểu, khảo sát nhu cầu viện trợ trong các lĩnh vực ưu tiên, các vùng, địa phương đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chủ động thực hiện công tác vận động viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài và đa dạng hoá các kênh vận động.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCPNN còn một số những khó khăn nhất định. Tại một số địa bàn hoạt động của dự án đời sống của người dân còn nghèo; năng lực tiếp nhận và quản lý dự án của cán bộ địa phương yếu, trình độ dân trí thấp, nguồn vốn đối ứng của địa phương còn hạn hẹp gây khó khăn trong việc triển khai các dự án. Nếu tính từ năm 2015 đến nay, tại Hải Phòng, số lượng dự án viện trợ PCPNN giảm (85 dự án năm 2015, 44 dự án năm 2018) do một số tổ chức PCPNN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ. Việc giữ được số vốn viện trợ duy trì trung bình ở mức 4 triệu USD/năm là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các sở, ban, ngành thành phố.
Các tổ chức PCPNN hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến từ nhiều quốc gia, châu lục gồm châu Âu: 21 tổ chức; châu Mỹ: 19 tổ chức; châu Á- Thái Bình Dương: 6 tổ chức. Các chương trình/dự án phi chính phủ nước ngoài tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2012-2017 duy trì mức trung bình khoảng 4 triệu USD/năm, cao nhất vào năm 2013 với 6,43 triệu USD viện trợ. Các dự án viện trợ PCPNN chưa được triển khai đồng đều tại các địa bàn của thành phố; nhiều địa bàn có ít dự án như các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Kiến An, huyện Kiến Thụy, An Lão…, trong khi một số địa bàn có nhiều dự án được triển khai như quận Ngô Quyền, Hải An, huyện Tiên Lãng, Cát Hải…
Để làm tốt hơn nữa công tác thu hút nguồn lực từ các tổ chức PCPNN tới thành phố, theo lãnh đạo Sở Ngoại vụ cho biết, ngành tiếp tục làm vai trò cầu nối thiết lập quan hệ viện trợ với các tổ chức PCPNN chưa hoạt động tại thành phố, các tổ chức được phép hoạt động tại thành phố nhưng chưa có dự án tài trợ. Trong bối cảnh việc kêu gọi viện trợ ngày càng khó khăn, Sở xác định đẩy mạnh và tranh thủ vận động viện trợ PCPNN thông qua các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các Quỹ thuộc Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp các nước, các tổ chức quốc tế, công ty, tập đoàn nước ngoài và trong nước đang hoạt động tại Việt Nam; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; thúc đầy hợp tác công-tư trong lĩnh vực viện trợ nhân đạo. Ngoài ra, tăng cường các mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa thành phố và các địa phương của các nước trên thế giới, tăng cường tham gia các mạng lưới liên kết giữa các đô thị, địa phương, chủ động tham gia vào các diễn đàn đa phương liên quan để tranh thủ nguồn viện trợ; mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân.
Anh Tuấn – Báo Hải Phòng 13/10/2018