Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, trong đó có 2 đề xuất được khá nhiều người quan tâm, bàn luận.
Đề xuất thứ nhất, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1.7.2025) không được nhận BHXH một lần trừ một số trường hợp đặc biệt.
Đề xuất thứ hai, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì khi rút bảo hiểm xã hội một lần được tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Với đề xuất đầu tiên, mặc dù chỉ ảnh hưởng đến những lao động tham gia bảo hiểm xã hội sau 1.7.2025 nhưng có không ít người lao động không đồng tình.
Chị Lê Thị Tâm (28 tuổi), nhân viên Marketing tại quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, khi đi làm, người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là nghĩa vụ nên họ cũng phải có quyền lợi được rút chế độ một lần khi nghỉ làm.
Theo chị Tâm, không nên cấm người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Nếu không để người lao động rút chế độ một lần có thể gây ra làn sóng quay lưng với bảo hiểm xã hội, như vậy sẽ vô tình làm mất đi tính an sinh nhân văn của bảo hiểm.
Chị Phạm Thị Thu Hà (21 tuổi, Hà Nội), sinh viên năm 3, Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) lo lắng: “Năm sau tôi ra trường cũng chưa biết có thể kiếm được việc làm ngay không. Nếu sau năm 2025 mới đi làm ổn định, bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội mà không được rút chế độ một lần như đề xuất vậy quá bất công”.
Trao đổi với Lao Động, chị Hà cho biết, nếu không may phải nghỉ việc, chưa tìm được việc làm ngay thì việc rút bảo hiểm xã hội một lần là một trong những cách được nhiều người lao động chọn lựa.
Với đề xuất thứ hai, chỉ một bộ phận người lao động trẻ ủng hộ còn những lao động trung niên hoặc ngoài 50 tuổi lại phản đối.
Anh Trần Ngọc Nguyên (28 tuổi), công nhân ngồi máy tại Nam Định cho biết bản thân luôn có suy nghĩ làm ít nhất 20 năm để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, nếu có việc cần đến tiền anh cũng sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần.
Sở dĩ có suy nghĩ trên vì nam công nhân còn khá trẻ, hiện đã đóng bảo hiểm xã hội được hơn 6 năm. Anh Nguyên chia sẻ nếu bây giờ hoặc vài năm nữa rút bảo hiểm một lần, anh vẫn còn đủ sức khỏe làm tiếp 20 năm sau để hưởng lương hưu khi về già.
Trao đổi về phương án hai của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, anh Nguyên nói: “Nếu được rút 50% giữ lại 50% thì càng có lợi lúc đang cần tiền. Như vậy, các quyền lợi khi đóng bảo hiểm vẫn còn, không phải đóng lại từ đầu. Số năm đóng bảo hiểm để hưởng của tôi cũng cao hơn, về già lương hưu cũng nhiều hơn”.
Ngược lại với anh Nguyên, bà Phạm Thị Liên (48 tuổi), công nhân giày da tại Nam Định cho rằng nên để người lao động tự quyết định số tiền bảo hiểm xã hội của bản thân. Hiện tại, bà Liên đã đóng bảo hiểm xã hội được 6 năm 9 tháng.
Bà Liên phân trần: “Công nhân chúng tôi đi làm cũng chỉ mong nhận được đồng hưu về sau. Bây giờ sức khỏe yếu dần chắc chỉ làm được vài năm nữa là nghỉ. Lúc đó không có tiền phải rút bảo hiểm xã hội 1 lần gửi tiết kiệm lấy lãi ăn hàng tháng coi như nghỉ hưu sớm. Nếu rút một nửa thì chẳng được bao nhiêu”.
Do đó, bà Liên mong muốn Nhà nước nên thay đổi các chính sách thiết thực liên quan đến tuổi nghỉ hưu để người lao động cố gắng chứ không nên thay đổi quyền lợi được hưởng. “Giá mà nghỉ hưu sớm 55 tuổi thì tôi sẽ cố làm thêm 5 năm nữa rồi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, chờ 2 năm sau hưởng lương hưu là vừa đủ”, bà Liên nói.
Mạnh Cường