Trung bình có khoảng 750 ngàn người mỗi năm quyết định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để trang trải cuộc sống cá nhân. Cơ quan bảo hiểm cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại nhưng không ít người cho rằng đây là việc cần thiết.
1001 lý do xin rút bảo hiểm 1 lần
3,7 triệu người rời khỏi hệ thống bảo hiểm trong 5 năm trở lại đây. Đáng lưu ý là gần đây số người rút bảo hiểm càng tăng.
“Tôi hơn 40 tuổi, chị Nguyễn Kim Hoa ở Hà Nội nói, Tôi vừa bị mất việc vì COVID-19 và tự nguyện đóng bảo hiểm thì cao, thu nhập lại bấp bênh, tôi cũng không thể chờ đến độ tuổi nghỉ hưu để nhận lương hưu. Vì thế tôi rút bảo hiểm để lo hiện tại đã, tương lai tính sau“.
Làn sóng COVID-19 tác động đến hàng triệu lao động, khiến họ mất việc, thu nhập giảm sút được cho là nguyên nhân. Ngoài ra, theo Luật Lao động mới, tuổi hưu tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc thời gian để chờ lương hưu lâu hơn và khả năng hưởng lương lưu ngắn hơn.
“Ví dụ, tôi 65 tuổi mới nghỉ hưu mà 70 tuổi đã đi gặp tổ tiên thì chỉ hưởng có 5 năm lương hưu trong khi phải mất hơn 35 năm đóng bảo hiểm“, anh Quang Hào 42 tuổi ở Hưng Yên nêu ý kiến.
“Tôi cần tiền ngay lúc này, đơn giản thế thôi, ông Phan Đình Học nói, Nếu tôi rút một cục bây giờ cũng gần được nửa cái ôtô, thêm tiền vào để thoả cái ước mơ cả đời là có xe hơi, rồi thì về già có thể chạy xe công nghệ kiếm thêm. Hai vợ chồng tôi tính thế, thấy có lợi nên rút luôn“.
Sướng trước khổ sau
Trái ngược với các ý kiến trên, anh Phạm Cường, 45 tuổi, ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng: “Việc nhiều người muốn rút báo hiểm một lần chẳng qua là vì tâm lý thích hưởng thụ của một bộ phận, ngoài ra còn là tâm lý dựa dẫm vào con cháu khi về già“.
“Nhiều người nhận BHXH một lần hôm nay chắc chắn sẽ hối tiếc về sau này, sướng trước khổ sau đến khi khổ mới thật khổ“, chị Việt Nga, nhân viên Văn phòng ở Thái Bình nêu ý kiến.
Cũng có ý kiến cho rằng, các quy định hiện nay không cấm rút BHXH một lần nhưng nếu trở thành một “trào lưu” thì rất nguy hiểm.
Theo các chuyên gia lao động, tình trạng rút bảo hiểm một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế-xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh.
Đơn cử, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014
Ngoài ra, nhận bảo hiểm 1 lần thì người lao động không được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT vì người được hưởng hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian được hưởng lương hưu.
Giải pháp nào?
Để đảm bảo tính bền vững của hệ thống bảo hiểm cũng như quyền lợi của người có nhu cầu rút BHXH một cách chính đáng, có nhiều giải pháp đưa ra.
Đầu tiên, Bộ LĐTBXH dự kiến điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Mặt khác, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Một giải pháp khác cũng được cho là cân bằng đó là tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Cụ thể là khi rút BHXH một lần chỉ được rút 8% trong tổng số 22% quỹ lương đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần.
BẰNG LINH