Theo chân N.T.N (31 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM), một người nghiện ma túy đã “hoàn lương”, tôi lân la vào một con hẻm nhiều xóm trọ lụp xụp ở Q.8. Gần chục năm nghiện ma túy, không khó để N. hẹn được một vài “bạn nghiện” thân thiết ngày xưa làm chầu cà phê. Từng ngồi tù vì tội trộm cắp tài sản để có tiền chơi heroin, N. giờ đây đã gác lại tất cả quá khứ ngày trước, để trở thành một giáo viên Anh ngữ tại các trung tâm và là thành viên của nhiều câu lạc bộ thiện nguyện.
“Chơi (sử dụng ma túy – PV) thì dễ, chứ bỏ thì khó hơn lên trời! Đã đến 2 lần mình muốn dứt luôn, nhưng cả 2 lần đều chích trở lại từ những cuộc cà phê như thế này. Nhìn tụi nó chơi, mình không nhịn được. Mãi cho đến lần ngồi tù cách đây 3 năm, mẹ mất mà mình không về được… mình mới quyết phải làm lại cuộc đời”, N. bộc bạch, trong lúc chờ những người bạn kia tới.
Hai thanh niên lái xe máy thắng gấp trước cửa quán cà phê vỉa hè, bước vào chỗ tôi và N. đang ngồi. Một người gầy gò tên L. cười hô hố, vỗ vai N. rồi nói nhỏ: “Chào thằng bạn! Không “chơi” vài năm nhìn sáng sủa hẳn nhỉ?”. Người tên M. cũng pha trò: “Chắc lại đến khuyên tụi mình bỏ chứ gì! Thôi làm một điếu rồi nói gì nói, người anh em”.
Vừa nói, M. vừa đưa N. điếu thuốc, đồng thời quay sang nhìn tôi với ánh mắt dò xét. Biết chắc trong điếu thuốc là gì, N. từ chối thẳng rồi nhanh nhảu nói: “Thôi, cho tao xin. Bỏ là bỏ. Này là thằng em tao, dưới quê lên ở trọ chung, nay dắt nó đi cà phê cho biết Sài Gòn. Không sao đâu”. M. lắc đầu rồi đưa điếu thuốc cho tôi: “Vậy phải làm điếu để biết Sài Gòn chứ”.
Trước đó, N. đã cho tôi biết, anh cùng L. và M. từng là bạn chung nhóm với nhau, với những cuộc chơi sa đọa bằng heroin. N. rút chân ra được, còn L. và M. thì không, ngày càng chìm trong thế giới của thứ chất trắng chết người.
Hạ giọng xuống thật nhỏ vì sợ những bàn kế bên nghe thấy, M. rủ rê N.: “Mày bỏ là phí lắm, thiệt! Đá (ma túy đá – PV), cỏ (một loại ma túy – PV) bây giờ đầy ra. Ba cái đồ “pha” (ma túy pha tạp chất – PV) giá rẻ rề, mua không khó như hồi xưa đâu. Mà bao “phê”. Miễn đừng quá liều, dễ bị biết”. Nói chưa hết câu, M. đã ngáp ngắn ngáp dài. N. giả vờ khơi chuyện: “Nghe hay nhỉ. Đừng để bữa nào tao thấy tụi bây cởi đồ leo cột điện trên báo nha”.
M. cười khẩy, chỉ tay vào L. nói: “Mày nói nó ấy hả? Bữa tối đó nhậu trong karaoke, nó sung lên dứt cho dữ, rồi mở cửa đi vệ sinh, xong trần truồng xông ra đường, la hét um sùm. May tụi tao ra chụp lại kịp, không thôi bị hốt cả lũ. Mà công nhận bữa đó phê, thằng T. mang “hàng” (ma túy – PV) ở đâu về mà chất lượng cực”.
Bị cuốn vào câu chuyện hút chích rợn người, bấy giờ tôi mới nhìn sang L. Anh ta chỉ nói được một hai câu lúc vào bằng giọng rất chậm chạp. Còn nãy giờ cứ ngồi lướt điện thoại, mũi sụt sịt, mắt đờ đẫn, chẳng để ý gì xung quanh.
Kể chuyện chán chê, M. chốt hạ bằng một câu rủ rê N. tối nay ở quán karaoke cũ. N. lắc đầu. M. buông một câu: “Mày chán ngắt! Tưởng kêu ra chơi lại!”, rồi cùng N. lên xe đi mất.
N. tiếp tục dẫn tôi đến một căn nhà trong khu trọ dưới một gầm cầu, cũng ở gần đó. “Đây là nhà của bác P., có thằng con nghiện ma túy. Mình biết trong một lần làm tình nguyện. Thằng này chuyên chơi đá, nặng lắm rồi. Nó quậy riết mà mẹ nó bán nhà ở Bình Dương để trốn lên đây luôn”, N. nói.
Thấy tôi chần chừ vì sợ sẽ gặp con nghiện này, N. trấn an: “Nó bỏ nhà đi bụi suốt, lâu lắm mới về đây xin tiền. Mình qua thăm mẹ nó hoài, vì bà bệnh còn sống một mình, tội lắm”.
Vừa nhác thấy N. bà P. đã thở dài, nói giọng như mếu: “Thằng B. mới về hôm kia đó con! Nó không bỏ được, giờ ốm như bộ xương. Nó lại xin tiền bác nữa, rồi đập bể cái sóng chén ngoài sau”.
Bà P. trông còn khắc khổ hơn so với tuổi ngoài 60 của bà nhiều. Chồng mất sớm, bà và B. nương lấy nhau mà sống. Bà từng làm giáo viên cấp hai, dạy bao nhiêu lứa học trò, nhưng lại chẳng dạy được con trai.
B. bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập từ cuối năm 12, phải bỏ học đi cai. Từ những lần hút bóng cười cùng bè bạn, B. nhanh chóng chuyển sang dùng ma túy đá.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các vụ án liên quan ma túy ngày càng gia tăng. Thứ nhất, vị trí nước ta như một “trạm trung chuyển” ma túy sang các khu vực khác. Thứ hai là do lợi nhuận từ ma túy quá cao. Thứ ba là áp lực của cuộc sống hiện tại khiến người ta dễ tìm đến ma túy. Thứ tư là công tác truyền thông, phổ biến nhận thức chưa hiệu quả” | ||
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy | ||
“Cũng do tôi đi dạy suốt, tối về lại dạy thêm, không có thời gian coi sóc nó. Cứ nghĩ nó biết chỉ còn 2 mẹ con thì phải thương nhau mà sống. Ai ngờ… Mấy lần ngồi ăn cơm, nó nói chuyện trên trời dưới đất, tôi mới nghi nghi, theo dõi thì phát hiện đưa đi cai. Một thời gian sau nó lại có dấu hiệu trầm cảm, rồi bắt đầu nói sảng có người theo dõi nhà mình”, bà xót xa kể.
Cai nghiện không được, thậm chí ngày càng nghiện nặng hơn, B. thường bỏ nhà đi. Hàng xóm cũng dần biết chuyện. Chẳng ai dám đưa con đến học thêm nhà bà P. nữa. Bà cũng nộp đơn xin nghỉ dạy ở trường, rồi tìm việc làm thuê. Bao nhiêu tiền cũng chẳng đủ để B. trộm và mua lại đồ dùng trong nhà bị đập phá.
“Tôi khuyên nó hết lời, nhưng nó “phê” rồi là có nói gì được nữa đâu. Có lần nó “ngáo” lên chém người ta, tôi phải bán nhà đền, rồi bỏ quê lên đây luôn vì không còn mặt mũi nào nhìn hàng xóm nữa…”, bà khóc.
Tuy N. nói với bà P. là dẫn tôi đến tìm hiểu hoàn cảnh xem có giúp gì được bà không, nhưng bà vẫn dặn tôi đừng chụp hình bà lên, chẳng hay ho gì chuyện có người nghiện trong nhà.
Những ngày đầu B. nghiện, lúc còn ở Bình Dương, bà từng bộc bạch chuyện nhà với một nhóm từ thiện, sau đó họ đã đăng bài viết về hoàn cảnh bà để kêu gọi trên mạng xã hội. Nào ngờ bà con trong xóm cũng đọc được, và bắt đầu xa lánh bà vì sợ liên lụy, sợ con bà đã nhiễm HIV, khiến bà càng suy sụp.
“Tôi cũng không cần tiền, tự tôi làm thuê sống qua ngày vẫn được. Mấy cậu có thương thì giúp tôi tìm nó về, đưa nó đi cai nghiện hay làm sao để nó dứt khỏi ma túy, là tôi đội ơn rồi…”, bà P. bất lực nói.
Theo Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM), ma túy đá (nhóm amephetamine) hiện là loại ma túy được người nghiện sử dụng nhiều nhất. Theo thống kê, số học viên sử dụng ma túy đá ngày càng tăng rất cao. Nếu trong năm 2005, trung tâm chỉ tiếp nhận 4 học viên, thì cho đến năm 2018 đã có đến 767 học viên. Số lượng này chiếm 52,03% tổng số học viên tại trại.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM), cho biết: “Đáng sợ hơn, trong số 767 học viên đó, có đến 185 người phải điều trị hóa dược theo điều trị của bệnh viện tâm thần. Một số ít còn phải trực tiếp chuyển sang bệnh viện tâm thần. Loại ma túy này tác động ghê gớm đến hệ thần kinh người nghiện!
“Ngoài các loại ma túy còn lại, trung tâm chúng tôi cũng đã có nhiều ca cha mẹ đưa con vào cai nghiện bóng cười. Tuy nhiên, bóng cười lại không được xác định là ma túy, nên trung tâm không được phép tiếp nhận. Vừa qua, Bộ Công an cho biết đang nghiên cứu và đề xuất đưa bóng cười vào danh mục các chất ma túy. Điều đó là cấp thiết. Bóng cười gây ra trạng thái cười phấn khích, đê mê, rối loạn nhịp tim, đi đứng loạng choạng. Khi sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng thần kinh, làm rối loạn sinh hoạt, tạo ảo giác. Bóng cười là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng ma túy, nên ít nhất phải xếp vào dạng chất cấm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng”.
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More