Print Thứ Bảy, 26/01/2019 20:13

Công nghệ viễn thông ngày càng phát triển, các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu vực đông dân cư. Liệu các trạm BTS này có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người – Đó là câu hỏi đặt ra với rất nhiều người dân hiện nay.

Hình ảnh các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS)

Trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Ủy ban quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) là các tổ chức chuyên ngành quốc tế và nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Thuỵ Điển, Canađa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng về ảnh hưởng của sóng di động đến sức khoẻ con người. Tháng 6/2000, Tổ chức Y tế thế giới sau khi nghiên cứu đã tổng hợp và khẳng định trong tài liệu về điện thoại di động và trạm gốc (Electromagnetic fields and public health: mobile telephones and their base stations – WHO Fact sheet No193): “Qua các nghiên cứu cho đến thời điểm này, chưa có bằng chứng nào cho thấy trường RF từ các trạm thu phát sóng thông tin di động có thể gây ảnh hưởng có hại cho con người”. Tháng 5/2006, trong tài liệu WHO Fact sheet No304 May 2006: Electromagnetic fields and public health – Base stations and wireless technologies, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra kết luận: “Xét về các mức phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu được thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy các tín hiệu tần số vô tuyến yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ”.

Ở nước ta, ý kiến lo ngại về ảnh hưởng của các trạm BTS đối với sức khỏe con người sống gần trạm được đưa ra từ cuối 2004 và đến đầu năm 2006 thì xuất hiện nhiều hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quan điểm tuân theo các kết luận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); đồng thời  đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu về vấn đề này. Ngày 28/6/2006, Bộ Thông tin và Truyền thông có Văn bản số 1251/BBCVT-KHCN; ngày 23/3/2006, Bộ Khoa học và Công nghệ có Công văn số 616/BKHCN-KHCN gửi Văn phòng Chính phủ trong đó nêu rõ: “Qua các kết quả nghiên cứu trong nước và nước ngoài về ảnh hưởng của các hệ thống thông tin di động được thống kê đến thời điểm này, có thể kết luận rằng chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các trạm thu phát thông tin di động và các thiết bị điện thoại di động gây ảnh hưởng có hại cho con người”.

Về yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành viễn thông, các doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS phải có: Giấy phép thiết lập mạng, Giấy phép băng tần; Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy thiết bị viễn thông (các thiết bị trạm BTS khi nhập khẩu, phân phối, sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu (ETSI) và tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn này qui định nghiêm ngặt về yêu cầu kỹ thuật máy thu phát của các trạm BTS, bảo đảm không gây những phát xạ có hại tới môi trường xung quanh. Tiêu chuẩn này đã và đang được áp dụng rộng rãi cho các mạng di động của hơn 500 nhà khai thác khác nhau ở 206 nước, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam). Trước khi đưa trạm BTS vào khai thác, hoạt động phải được Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 1 thuộc Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm định và được cấp giấy chứng nhận kiểm định phù hợp với QCVN 08:2011/BTTTT; thực hiện công bố sự phù hợp về tiếp đất, chống sét để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại Hải Phòng, trong quá trình cấp phép xây dựng trạm BTS của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đã xem xét về sự phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành thông tin và truyền thông đối với thiết kế trạm BTS; tăng cường công tác hậu kiểm đối với các trạm BTS. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định chuyên ngành đối với trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn thành phố; xử lý các trạm BTS của doanh nghiệp không tuân thủ quy định về kiểm định trạm BTS, hợp chuẩn, hợp quy thiết bị viễn thông, tiếp đất, chống sét cho trạm để đảm bảo an toàn cho người dân; các doanh nghiệp đã khắc phục xong các sai phạm.

Khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, 100% các trạm BTS trên địa bàn thành phố đều áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, được xây dựng theo quy chuẩn chất lượng, kỹ thuật chuyên ngành và quy hoạch phát triển của tỉnh, công suất phát sóng rất nhỏ, tần số phát sóng ổn định nên không thể gây ra các tác hại như thay đổi công thức máu hay tác động vào hệ thần kinh thực vật. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 1.700 trạm BTS, trong đó trên 700 trạm xây dựng trên các tòa nhà cao tầng; có khoảng 300 trạm có cột ăng ten cồng kềnh loại A2a không phù hợp với quy hoạch (các trạm BTS này đều được xây dựng trước thời điểm ban hành quy hoạch). Theo lộ trình quy hoạch, trong giai đoạn 2018 – 2020, khoảng 300 trạm phải thực hiện chuyển đổi sang cột ăng ten không cồng kềnh có chiều cao tối đa 3m hoặc các cột ăng ten thân thiện với môi trường.

Trong quá trình giải quyết các vụ việc kiến nghị ảnh hưởng của trạm BTS đến sức khỏe tại các quận, huyện như Tiên Lãng, An Lão, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền,… cho thấy, hầu hết các kiến nghị của người dân đều dựa vào nguồn thông tin không chính thống từ các tin bài, đăng trên Internet. Người dân có thể tự kiểm tra trạm BTS đã được kiểm định hay chưa, theo quy định trong vòng 30 ngày kể từ khi trạm BTS đi vào hoạt động, tổ chức hoặc doanh nghiệp phải niêm yết bản sao giấy chứng nhận kiểm định tại địa điểm lắp đặt trạm, mỗi giấy chứng nhận đăng ký có thời hạn 5 năm. Như vậy, người dân có thể hoàn toàn yên tâm, tạo điều kiện để các nhà mạng lắp đặt các trạm thu phát sóng thông tin di động theo đúng quy định, quy chuẩn quốc tế.

 

Đàm Thơm

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Trạm thu phát sóng thông tin di động có ảnh hưởng đến sức khỏe con người?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác