Khác những giờ học truyền thống với sách giáo khoa, bài giảng điện tử hay bảng, phấn, phương pháp học Lịch sử địa phương tại các di tích, qua các chuyến trải nghiệm thực tế ngày càng được nhiều trường học trên địa bàn thành phố thực hiện. Điều đó không chỉ tạo cho học sinh hứng thú học môn Lịch sử mà còn hiệu quả khi tiếp cận các sự kiện trong quá khứ.
Sau những tiết học trên lớp về vua Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, thầy và trò Trường THCS Nam Hà (quận Kiến An) vừa có buổi trải nghiệm thực tế tại khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang tại huyện Thủy Nguyên. Trong không gian linh thiêng, qua lời kể của hướng dẫn viên, một lần nữa các mốc lịch sử, thế trận đầy cam go, chiến thắng hào hùng của dân tộc được tái hiện rõ nét. Bài học lịch sử trở nên chân thực, sinh động và dễ nhớ hơn rất nhiều.
Em Nguyễn Thanh Mai, học sinh lớp 9, Trường THCS Nam Hà cho biết: “Nếu chỉ qua những tiết học trên lớp, em và các bạn hình dung những chiếc cọc trong trận đánh một cách mơ hồ theo hình vẽ trên sách giáo khoa. Khi được trải nghiệm thực tế, chúng em tận mắt chứng kiến những bãi cọc ấy; mỗi học sinh lại mong muốn tìm hiểu thêm về quá trình tạo ra trận địa chống giặc ngoại xâm và sự mưu trí, lòng quả cảm của ông cha ta. Em thấy phương pháp học lịch sử này không chỉ giúp kiến thức đi vào tâm trí một cách dễ dàng, tự nhiên; mà còn bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước; lý tưởng cách mạng và kỹ năng ứng xử với các di tích lịch sử”.
Cũng chọn phương pháp này, Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) lựa chọn Đình An Biên- ngôi đình cổ thờ Nữ tướng Lê Chân để tổ chức chuyên đề “Trang An Biên- xưa và nay”. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú Lê Thúy Hạnh: không gian sân đình, minh chứng cho truyền thống văn hóa và tín ngưỡng nghìn năm của người Việt được chọn làm địa điểm giáo dục, góp phần làm sinh động bài giảng. Qua đó, các nhóm học sinh dễ hình dung về những chiến công của Nữ tướng Lê Chân; lịch sử từ thời mở đất, lập ấp An Biên đến đất và người Hải Phòng. Điểm thú vị là, chuyên đề không chỉ gói gọn các kiến thức về mảnh đất An Biên, bà nữ tướng Lê Chân, mà ngay tại không gian sân đình cổ kính, trang nghiêm còn thôi thúc các học sinh tìm hiểu nhiều dữ kiện lịch sử khác của dân tộc.
Đánh giá về phương pháp học lịch sử bằng phương pháp trải nghiệm thực tế, Phó giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Đỗ Thị Hòa cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến học sinh không hứng thú với việc học Lịch sử là việc dạy môn học này trong nhà trường còn theo khuôn mẫu, cô đọc, trò chép, thiếu đi sự tương tác. Tuy nhiên, thực hiện chương trình “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”, hiện nay, các trường chú trọng hơn việc ứng dụng các phương pháp dạy học hiện đại, trong đó đưa vào chương trình học Lịch sử hình thức trải nghiệm thực tế; gắn nội dung bài học với lịch sử địa phương; giúp giờ học trở nên hào hứng và học sinh chủ động hơn trong việc tìm hiểu những kiến thức gần gũi, gắn bó với chính mảnh đất các em sinh ra và lớn lên. Đó cũng chính là phương pháp dạy và học phù hợp trong bối cảnh các đề thi lịch sử trong kỳ thi vào lớp 10 hay THPT quốc gia đều hướng tới sự vận dụng kiến thức lịch sử vào thực tiễn, vào lịch sử địa phương.
Bài và ảnh: Phương Linh