Print Thứ Sáu, 27/09/2019 08:09

Với trên 3200km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam và biển chiếm ¾ diện tích cả nước, Việt Nam không chỉ có nhiều vịnh, biển đẹp xứng tầm thế giới, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao và tiềm năng du lịch lớn, mà còn có nguồn hải sản phong phú về chủng loại.

Hải sản ở các vùng biển Việt Nam có nhiều loại giống nhau, nhưng tùy theo điều kiện của từng vùng mà hải sản nơi này có thể ngon hơn nơi khác, và cũng tùy theo cách chế biến, sáng tạo của người dân vùng đó, khiến cho hải sản trở thành những món ăn hấp dẫn khó cưỡng đối với du khách khi đặt chân đến mỗi vùng miền của Việt Nam.

Với mục đích quảng bá những đặc sản biển Việt Nam, giúp du khách chọn lựa một món ăn tươi ngon trong chuyến du lịch của mình, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã chính thức công bố 10 đặc sản hải sản Việt Nam trong hành trình tìm kiếm, quảng bá đặc sản và ẩm thực Việt Nam.

1. Sá sùng (Quan Lạn, Quảng Ninh)

Sá sùng khi còn sống có hình dáng rất giống con giun đất, vì thế ở một số nơi, loài vật này còn được gọi với cái tên khác là trùn biển, giun biển hay sâu đất…

Sá sùng ở Quan Lạn là loại sá sùng lớn và có vị ngon, ngọt nhất ở Quảng Ninh. Con sá sùng trông nhỏ bé nhưng lại có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon như xào cần tỏi, xào chua ngọt, chiên, làm gỏi, nướng muối ớt… Đặc biệt sá sùng là một loại gia vị không thể thiếu trong nồi nước dùng phở thơm ngon.

Hiện tại sá sùng ở Quan Lạ có giá là 1,2 – 1,4 triệu/kg, đắt hơn nhiều so với loại sá Sùng ở các vùng miền khác.

2. Bào ngư Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)

Đảo Bạch Long Vỹ là “thiên đường” của loài bào ngư Chín Lỗ (một loài bào ngư chuyên sống trong các lỗ dưới đáy biển). Du khách đến Hải Phòng, sau khi tham quan và chiêm ngưỡng những cảnh đẹp tại đảo Bạch Long Vỹ thường nán lại để thưởng thức món ăn giàu dinh dưỡng và có phần sang chảnh này.

Bào ngư Chín Lỗ là một thứ đặc sản vô cùng sang chảnh và nổi tiếng ở đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng Bào ngư Bạch Long Vỹ được chế biến thành một số món hấp dẫn như bào ngư chấm mù tạt – xì dầu (gỏi), bào ngư nấu cháo toàn tính (thả cả vỏ vào cháo)… Giá một kg bào ngư ở Bạch Long Vỹ dao động trong khoảng 2 – 3 triệu đồng/ kg.

3. “Mực nhảy” Cửa Lò (Nghệ An)

“Mực nhảy”, cái tên gọi tươi nguyên đến mức, khi đưa vào nồi bắc lên bếp con mực còn “nhảy”. Có lẽ cái tên “mực nhảy” cũng bắt nguồn từ đó. Có người gọi là “mực nháy” vì con mực vừa bắt dưới nước lên gặp ánh trăng hoặc ánh đèn, những tia phản quang trên mắt, trên mình nó cứ nháy lên lấp lánh. Hai cách gọi trên tuy diễn tả những trạng thái khác nhau của con mực nhưng đều nói lên mức độ tươi ngon của con mực.

Cách chế biến món mực này rất đơn giản. Mực tươi để nguyên con bỏ vào nồi, giã ít gừng tươi trộn đều, đổ vào ít bia, đậy kín nồi cứ thế đun đến khi bia cạn, cũng là lúc mực chín tới. Con mực căng tròn màu hồng tươi lấm tấm, mùi mực chín hòa quyện vị bia, vị cay của gừng thành thứ mùi hấp dẫn khó tả. Mực được gắp lên đĩa, nước chấm pha sẵn, thêm một ít chanh, gừng, tỏi, ớt… Miếng mực nhai giòn, vị ngọt, bùi, cay… râm ran đầu lưỡi.

4. Cá ngừ đại dương (Phú Yên)

Cá ngừ có mặt ở rất nhiều vùng biển tại Việt Nam, nhưng cá ngừ đại dương ở Phú Yên thì có chất lượng tốt nhất, và có hương vị ngon nhất mà không nơi đâu sánh bằng. Cá ngừ đại dương ở Phú Yên là loài cá ngừ vây vàng. Vào tầm tháng Chạp và tháng Giêng hàng năm, cá ngừ tập trung rất nhiều ở Phú Yên. Đây cũng là thời điểm tốt nhất để bạn đi Phú Yên và thưởng thức món ăn đặc sản cá ngừ đại dương.

Có rất nhiều món ăn được chế biến từ cá ngừ, trong đó ngon nhất phải kể đến hai món đó là gỏi cá ngừ và lẩu cá ngừ. Cá ngừ sau khi vừa được mang vào bờ sẽ được rửa sạch, thái mỏng và giữ lạnh để giữ được độ tươi ngon cho cá. Khi thấy miếng cá có màu đỏ tươi chuyển sang màu hồng hoặc trắng hồng nghĩa là ăn được. Ngoài ra, mắt cá ngừ cũng là một món ăn trứ danh bạn chỉ có cơ hội được thử khi đến Phú Yên. Mắt cá ngừ to bằng chiếc chén uống nước cỡ nhỏ được cho vào hũ cùng gia vị thuốc bắc, sau đó nêm nếm cho vừa miệng rồi đem đi hấp cách thủy. Thành quả sẽ là một món ăn vô cùng giàu dinh dưỡng, thơm nhẹ nhàng và có vị giòn giòn, bùi bùi, ngọt ngọt không thể chối từ.

5. Sò huyết đầm Ô Loan (Phú Yên)

Đầm Ô Loan nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hòa 22km. Đây là một địa danh gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên. Đầm Ô Loan rộng khoảng 1.200 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay.

Ô Loan là một đầm nước lợ, gần như nằm trọn trong đất liền nên đặc sản của vùng đất này phải kể đến món sò huyết. Dân gian có câu rằng: “Chưa ăn sò huyết chưa biết Phú Yên”. Muốn thưởng thức món ngon này, phải chịu khó lên thuyền theo các thợ lặn ra giữa đầm, lênh đênh trên sóng nước, vừa tham quan cảnh lặn bắt sò và “thưởng thức” ngay tại chỗ. Thực khách chỉ ngồi chờ trong chốc lát, người thợ lặn sẽ mang đến những con sò bụ bẫm, no tròn còn tươi roi rói. Du khách sẽ thổi lò than, đặt tấm vỉ và sắp sò lên để nướng.

Có thú nào bằng cảnh ngồi trên khoang thuyền, tự tay mình nướng lấy những chú sò mà mình thích nhất, rồi cho vào miệng. Cảm giác đầu tiên là vị ngọt thơm, béo béo và mịn màng ở đầu lưỡi, sau đó ngấm dần xuống tận cổ.

6. Tôm hùm Bình Ba (Khánh Hòa)

Đảo Bình Ba ở Khánh Hòa vì quá nổi tiếng với những món ăn làm từ tôm hùm nên còn được khách du lịch đặt cho cái tên là “Đảo Tôm Hùm”. Chỉ cần nói tới vậy thôi chắc cũng đủ hiểu, tôm hùm ở Bình Ba ngon và độc đáo như thế nào rồi đúng không nào.

Tôm hùm ở đảo Bình Ba có rất nhiều loại, từ tôm hùm hoa, tôm hùm xanh, tôm hùm đỏ, giá mỗi kg tôm hùm ở đây khoảng từ 1 triệu đồng/ kg tùy loại. Tuy có giá khá cao nhưng tôm hùm ở Bình Ba là tươi ngon nhất. Thịt tôm hùm ở đây có độ dai và giòn khác hẳn so với những nơi khác nên tuy đắt nhưng du khách nào cũng muốn được một lần nếm thử hương vị đậm đà khó quên của thứ đặc sản trứ danh này.

Tôm hùm ở Bình Ba được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như nướng mọi, hấp, lẩu, tiết canh tôm hùm, tôm hùm hấp sa tế, tôm hùm nướng phô mai, tôm hùm sốt bơ tỏi, cháo, súp tôm hùm… Nhưng cách ăn ngon và đơn giản nhất là tôm hùm nướng mọi chấm muối tiêu xanh. Vị ngọt của thịt tôm hòa quyện với vị cay nồng của muối ớt sẽ khiến vị giác của bạn trở nên tê liệt vì quá ngon và hấp dẫn cho mà xem.

7. Mực một nắng Phan Thiết (Bình Thuận)

Mực 1 nắng ở Phan Thiết, Bình Thuận là những chú mực tươi nhất ngon nhất từ những thúng câu ngoài biển mới về bến. Ngay sau khi lấy về, mực được làm sạch, sau đó phơi 1 nắng trong cái nắng đến hanh hao của vùng đất Bình Thuận cho thấm đượm vị đất trời, cuối cùng mới mang đi chế biến thành những món ăn ngon.

Mực 1 nắng Phan Thiết thường được chế biến thành 2 món, đó là gỏi mực trộn với một hỗn hợp gia vị cay xè, cùng với lá xoài non và những lát xoài chua chua, dùng chung với bánh tráng nướng Chợ Lầu khá nổi tiếng tạo nên một món ăn đặc trưng của phố biển.

Món thứ hai là mực 1 nắng nướng mọi. Khi nướng mực trên than hồng, thân mực sẽ chuyển dần sang màu vàng nhạt. Bạn chỉ cần đợi đến khi mùi thơm nức mũi bay lên thì cũng là lúc con mực vừa chín tới, đạt đến độ ngon cực đại. Lúc này, chỉ cần xé miếng mực chấm với chút tương ớt hoặc nước mắm Phan Thiết, nhâm nhi thêm ngụm bia mát lạnh thì quả thực thế gian không còn gì có thể ngon lành và hấp dẫn đến thế.

8. Ốc vú nàng Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Ốc vú nàng là một loài ốc vô cùng đặc biệt, chỉ sinh sống ở những vùng nước biển sâu và có địa hình hiểm trở. Để khai thác được ốc vú nàng, ngư dân phải lặn sâu dưới biển hàng giờ, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng tách thật khéo léo miệng ốc đang dính chặt lên đá để tránh làm ốc bị vỡ. Chính vì khai thác khó khăn nên loài ốc này luôn khan hiếm và trở thành đặc sản ở vùng biển đảo Côn Đảo.

Ốc vú nàng có hình chóp lệch, trên đỉnh có một cái núm nhỏ, vỏ ngoài màu đen xám, mặt trong lấp lánh xà cừ. Thông thường mỗi con ốc vú nàng chỉ to bằng ba ngón tay người lớn, nhưng ốc vú nàng Côn Đảo có con to gần bằng bàn tay. Con ốc vú nàng càng lớn, vỏ có màu hồng càng đậm. Nếu dùng cát xát vào vỏ ốc thì con ốc ánh lên một màu hồng sáng và lấp lánh ánh nhũ.

Ở Côn Đảo, nếu muốn ăn ốc vú nàng, bạn nên đến khu vực Đá Thắm, Bãi Bàng, bãi tắm Ông Đụng và Hàng Cau. Các món ăn ngon được làm từ ốc vú nàng phải kể đến ốc vú nàng luộc, nướng hoặc làm món trộn, làm gỏi.

Ốc vú nàng dù được chế biến theo cách nào thì cũng chỉ cần chấm với muối, hạt tiêu và chanh là sẽ bùng nổ vị tươi giòn sần sật trong miệng. Điều độc đáo của ốc vú nàng luộc là không quá béo như thịt, không quá dai như sò, ngao, không nhỏ như hàu. Nếu được thưởng thức những con ốc vú nàng mới ngậm sữa thì sẽ cảm nhận vị thơm ngậy, không lẫn với bất cứ món ăn đặc sản nào. Nước ốc cũng hấp dẫn vì vừa mặn lại vừa ngọt đậm.

9. Còi Biên mai Phú Quốc (Kiên Giang)

Biên mai là loài nhuyễn thể hai mảnh. Con biên mai có màu nâu thẫm, dạng nan quạt (dẹp, thuôn dài như cây quạt khép hờ), trọng lượng hơn một ký, thịt nhão, không ngon. Chỉ có 2 lớp cơ thịt (to cỡ đồng xu, dày chừng nửa lóng tay) nối liền 2 mảnh vỏ gọi là còi, mọi tinh túy của loài này chỉ tập trung vào bộ phận đó.

Có rất nhiều cách chế biến món còi biên mai: xào chua ngọt, hấp, nấu xúp, lẩu… Khi xào cùng với nấm đông cô, nấm rơm, củ hành cùng cải bẹ xanh. Cái ngọt đậm đà của thứ hải sản lạ hợp cùng cái ngọt nhẹ nhàng của các loại nấm, ngọt hăng của hành pha thêm một chút cay nồng của cải xanh khiến mọi người có thể ăn không biết no.

Tuy nhiên, với người sành ăn muốn thưởng thức hương vị nguyên sơ của biển cả thì không thích món còi biên mai nướng suông hoặc nướng muối ớt. Cả một đĩa còi biên mai được ướp cùng muối hạt to đã được đâm nhuyễn vào đó mấy trái ớt đỏ tươi. Thực khách cứ lấy một vài sống lá dừa xâu chuỗi chúng lại để nướng trên bếp than đỏ rực. Khi còi ngả sang màu vàng thay cho màu sữa lúc còn sống là bắt đầu thưởng thức, nếu nướng quá kỹ, còi sẽ khô không còn giữ được độ giòn, dai. Vị mặn mà của muối, vị cay của ớt khiến cho vị ngọt của còi biên mai thêm thấm, thêm hấp dẫn. Để thưởng thức hết cái vị ngon ngọt của nó, ăn món này chỉ nên chấm chao và ăn cùng với rau húng, diếp cá, xà lách, chuối chát, dưa leo và khóm…

Món cháo còi biên mai cũng rất được lòng du khách. Vị thanh ngọt của còi, vị nồng ấm của hành tiêu, khiến cho người ăn cảm thấy khỏe khoắn hơn sau những mệt mỏi của cuộc hành trình, hay đánh tan cơn rã rời do bia rượu mang đến.

10. Tôm tít (Cà Mau)

Thịt tôm tít vừa ngon, ngọt, hiền lành vừa đậm đà hương biển, khác xa với mùi vị của tôm sú và tôm hùm… Con tôm tít trắng nâu khi luộc hoặc hấp lên sẽ chuyển sang màu đỏ hoặc nâu sậm.

Cách chế biến tôm tít không cầu kỳ lắm, chỉ cần hấp, luộc hoặc nướng, chấm muối tiêu chanh hoặc nước mắm me cũng đủ níu chân khách mọi miền.

Tôm hấp đã chín được nhắc ra, lớp vỏ của chúng lúc này đã chuyển màu vàng gạch, chúng nằm sắp lớp, thân tròn lẵn nung núc, trông thật thích mắt. Bóc lớp vỏ, một súc thịt màu hồng mơ trăng trắng lộ ra. Khác với tôm hấp, tôm tít nướng nước thịt khô săn, dai hơn, tuy mềm nhưng không bở và có vị ngọt đậm hơn. Chấm miếng thịt tôm tít vào chén muối tiêu chanh, cái chất ngọt trong thịt tôm hòa với vị chua mặn cay cay của muối tiêu chanh tạo thành một vị ngọt tổng hòa tươi mới.

Nguồn. Dân Việt

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Top 10 đặc sản hải sản ngon nhất đất Việt được sách Kỷ lục ghi nhận
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác