Sáng 12/4, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Tham dự Hội nghị, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Đinh Văn Thuần, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Về phía lãnh đạo thành phố có các đồng chí: Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Trong suốt 15 năm qua, phương thức lãnh đạo của Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ, cấp uỷ các cấp trên địa bàn thành phố trong việc triển khai, tổ chức Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị có nhiều nét đổi mới, sáng tạo. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Hải Phòng đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Đề án tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật thành phố. Trong đó có một số chủ trương, quyết sách đột phá, mang dấu ấn riêng. Việc đa dạng hoá các hình thức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 23-NQ/TW đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong xây dựng, phát triển văn hoá đối với cán bộ, đảng viên và văn nghệ sĩ thành phố. Cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa, văn nghệ, văn nghệ sỹ đón nhận Nghị quyết với sự đồng tình, phấn khởi, kỳ vọng; xác định đây là cơ hội phát triển, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, sáng tạo cho văn học, nghệ thuật thành phố.
Lực lượng văn nghệ sỹ, hội viên ngày càng đông đảo về số lượng. Hoạt động văn học, nghệ thuật có bước phát triển, mang tính chuyên nghiệp, bài bản hơn; hàng nghìn tác phẩm mới ra đời, trong đó có những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, được công chúng đón nhận. Số lượng các tác phẩm đạt giải thưởng khu vực, quốc gia tăng, có một số tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế; việc giao lưu, trao đổi, tọa đàm được quan tâm. Công tác lý luận, phê bình chuyển biến tích cực; chất lượng tạp chí, phóng sự, chuyên đề về văn học, nghệ thuật từng bước được nâng lên. Các hoạt động phong trào có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông đảo các văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của thành phố, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong nhân dân. Cùng với “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, văn học, nghệ thuật góp phần khôi phục một số phong tục, tập quán tốt đẹp, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, thúc đẩy việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, hình thành nhân cách, lối sống tích cực trong các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, thành phố Hải Phòng đã triển khai một số cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực như: hằng năm, Thường trực Thành uỷ tổ chức chương trình gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo thành phố với các ban, sở, ngành liên quan với văn nghệ sĩ thành phố tiêu biểu để động viên, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của văn nghệ sĩ. Từ đó, việc thể chế, cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá, văn học, nghệ thuật được quan tâm đẩy mạnh hơn với các cơ chế, chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả. Thành uỷ chỉ đạo tạm thời dừng việc triển khai sáp nhập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, trụ sở của một số đoàn nghệ thuật; có cơ chế chính sách đặt hàng các tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu nổi tiếng trong cả nước; chủ trương giữ chân và thu hút tài năng cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn thành phố. Năm 2016-2017, thành phố tổ chức thành công Cuộc thi Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Hải Phòng-Khát vọng vươn lên” với giá trị giải thưởng cao nhất từ trước đến nay, thu hút được 561 tác phẩm của 556 tác giả trong, ngoài nước tham gia; tác giả đạt giải thưởng cao nhất có giá trị 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thành phố triển khai có hiệu quả Đề án Sân khấu Truyền hình Hải Phòng, giao cho Sở Văn hoá và Thể thao thành phố chủ trì tổ chức. Từ tháng 11/2019 đến tháng 03/2023, đã triển khai 43 vở diễn với hình thức phát sóng trực tiếp hoặc ghi hình phát sóng trên truyền hình Hải Phòng với số tiền 120 tỉ đồng. Đề án được sự hưởng ứng tích cực của người yêu văn hoá, nghệ thuật và văn nghệ sĩ thành phố; sự đánh giá cao của Trung ương và các tỉnh, thành bạn; là cơ hội để văn nghệ sĩ, diễn viên thành phố sáng tác, biểu diễn, thoả sức đam mê với nghề và nâng cao trình độ, sức sáng tạo nghệ thuật. Đây là điểm sáng của hoạt động sân khấu cả nước, đặc biệt giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, chương trình vẫn được duy trì đều đặn, trong khi hầu hết hoạt động sân khấu trong cả nước bị tạm dừng và gián đoạn. Các chương trình, vở diễn trong Đề án Sân khấu truyền hình thường xuyên được tổ chức lưu diễn tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố, chú trọng hướng về khu vực nông thôn, hải đảo. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá, nghệ thuật ngày càng phong phú, định hướng thị hiếu thẩm mỹ trong các tầng lớp Nhân dân và rút ngắn khoảng cách thụ hưởng văn hoá giữa khu vực thành thị, nông thôn, hải đảo…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định đây là nội dung Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm, ngay từ khi Nghị quyết số 23-NQ/TW ban hành, Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo các cấp ủy và cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch, tập trung thực hiện các nội dung đã đề ra, sau 15 năm đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đồng chí biểu dương, chúc mừng các tập thể, cá nhân đóng góp tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại, cần khắc phục triệt để trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai nội dung của Nghị quyết, kịp thời giải quyết xử lý những vấn đề phát sinh để tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ, quần chúng nhân dân và các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Cần quyết liệt trong chỉ đạo để nâng cao vai trò lãnh đạo chỉ đạo của Đảng đoàn, của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và tập thể Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố, củng cố tổ chức Hội để làm tốt công tác quy tụ tập hợp và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách để động viên xứng đáng với những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng, đặc biệt là những tài năng trẻ, bảo đảm sự kế thừa trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Tiếp tục nghiên cứu, sơ kết đánh giá mô hình hỗ trợ các đoàn nghệ thuật của thành phố, để kịp thời điều chỉnh bổ sung những vấn đề phát sinh chưa đáp ứng được mục tiêu quan điểm của thành phố. Các cấp ủy địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và cấp mình để nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan tham mưu, gắn với thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.
Nhân dịp này, UBND thành phố tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Hồng Nhung. Ảnh: Đàm Thanh