Sáng 20/8, tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị thành phố, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố tham dự Hội nghị trực tuyến Tổng kết 1 năm thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông do các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan.
Sau 1 năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên (GV) trong việc thực hiện Chương trình, SGK GDPT đối với cấp tiểu học, đặc biệt đối với lớp 1; khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
100% trường tiểu học ưu tiên thực hiện đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học đối với học sinh lớp 1; đảm bảo tỉ lệ GV/lớp và cơ cấu GV để thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình GDPT 2018. 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, kế hoạch giáo dục bảo đảm phân bổ hợp lí giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình.
Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 cho thấy tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành; học sinh mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học cơ bản, đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những tồn tại hạn chế trong việc biên soạn SGK theo chương trình mới từ khâu thiết kế đến tổ chức thực hiện; đặc biệt việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc in ấn, phát hành. Tài liệu giáo dục địa phương do UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ; còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, sau 1 năm triển khai thực hiện, định hướng đổi mới mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra là hoàn toàn đúng đắn. Trong quá trình thực hiện các bộ ngành, tỉnh, thành phố cả nước đã rất quan tâm quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện, Bộ GD-ĐT đã quyết liệt tập trung chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Những nhiệm vụ cơ bản đã hoàn thành tốt, các học sinh mạnh dạn, chủ động hơn, yêu thích đến trường, chứng tỏ sự đổi mới đúng hướng. Chặng đầu tiên cho khối lớp 1 có nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã vượt qua được những thách thức. Bài học quan trọng rút ra là yếu tố quyết tâm, thống nhất, vào cuộc quyết liệt để bảo đảm thành công của đổi mới giáo dục. Việc thông tin đầy đủ, tạo sự đồng thuận, thấu suốt có ý nghĩa quan trọng. Đồng chí lưu ý các vấn đề về quá trình biên soạn, lựa chọn, phản biện, thẩm định, tập huấn giáo viên, khảo sát đánh giá… Trên cơ sở đánh giá chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong thời gian tới để tiếp tục đổi mới ở khối lớp 2, 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiên trì quan điểm đổi mới, bám sát mục tiêu, triết lý đổi mới, từ bị động sang tăng cường sáng tạo của thầy và trò, lấy thực hiện mục tiêu ưu tiên số 1 cho giáo dục phổ thông; tiếp tục rà soát trên phương diện quản lý nhà nước cách thức dạy học, triển khai SGK xã hội hóa; tăng cường thu hút nhà giáo, chuyên gia chuyên môn cao tham gia biên soạn SGK để có bản thảo chất lượng tốt.
Nguyễn Hải