Từ 0 giờ ngày 1-4-2019, cùng cả nước, thành phố Hải Phòng tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở. Đây là cuộc tổng điều tra có quy mô rất lớn, liên quan đến từng người dân, phạm vi trải rộng, đối tượng và đơn vị điều tra nhiều…Bởi vậy, ngay từ cuối năm 2018, Hải Phòng có sự chuẩn bị về mọi mặt để sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trao đổi với ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thành phố Hải Phòng về những điểm mới và cách thức tiến hành điều tra.
– Ý nghĩa, mục đích của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là gì, thưa ông?
– Đây là lần thứ 5, nước ta tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê thực hiện theo quy trình 10 năm một lần trên phạm vi toàn quốc. Tổng điều tra nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số.
Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ tập trung đánh giá và điều tra thống kê ở 10 nội dung chính: thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư…
– So với các cuộc tổng điều tra trước, lần này có gì mới?
– Mặc dù đây là cuộc điều tra thống kê về dân số và nhà ở định kỳ nhưng Chính phủ, Quốc hội và thành phố rất quan tâm, đặc biệt coi trọng về mặt chất lượng để qua đó đánh giá chất lượng dân số, chất lượng về điều kiện sống và nhà ở, chứ không đơn thuần chỉ là chỉ tiêu về mặt số lượng; hướng tới chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát số lượng dân số sang chất lượng, gắn vấn đề dân số với phát triển bền vững và thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đây cũng là khác biệt lớn nhất của cuộc tổng điều tra lần này, vì vậy, yêu cầu của Chính phủ là dữ liệu đầu ra phải bảo đảm đầy đủ nhất, chính xác nhất, chi phí tiết kiệm nhất, thời gian thực hiện nhanh nhất. Thống kê không chính xác sẽ dẫn đến các quyết sách rất bị động.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có một số nét mới so với 10 năm trước là để đáp ứng yêu cầu thông tin phân tích chuyên sâu, đối với điều tra mẫu, quy mô mẫu nhỏ hơn (tương ứng khoảng 10% và 15% dân số) nhưng tính đại diện sẽ rộng hơn, phủ tới 40% số lượng địa bàn được chọn; ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong thu thập, xử lý số liệu và công bố kết quả giúp nâng cao chất lượng thông tin; minh bạch trong xử lý thông tin; rút ngắn quá trình xử lý thông tin, công bố sớm kết quả tổng điều tra.
– Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc Tổng điều tra năm 2019 sẽ có những ứng dụng cụ thể như thế nào?
– Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc của Tổng điều tra. Theo đó, việc thu thập thông tin được cải tiến với hai hình thức mới gồm: phiếu điện tử trên thiết bị điện tử di động (CAPI), phiếu trực tuyến sử dụng internet (webform). Đây là một trong những đột phá của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 khi lần đầu tiên Tổng cục Thống kê sử dụng hình thức CAPI và webform trong một cuộc điều tra thống kê quốc gia. Việc cải tiến này sẽ đem lại nhiều lợi ích, tạo thuận lợi hơn cho điều tra viên khi sử dụng CAPI; các hộ dân cư có thể đăng ký tự cung cấp thông tin qua internet.
– Với ý nghĩa quan trọng như vậy, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra ở Trung ương và thành phố Hải Phòng được thực hiện như thế nào?
– Để thực hiện cuộc Tổng điều tra, từ ngày 6-12-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 44 và nhiều nội dung cho công tác Tổng điều tra cũng được thực hiện từ năm 2017. Tháng 6-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019. Ngay sau đó, BCĐ Trung ương về Tổng điều tra dân số và nhà ở được thành lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban. Tại Hải Phòng, ngày 14-9-2018, UBND thành phố ban hành quyết định số 2418 thành lập BCĐ thành phố do đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng Ban; Cục trưởng Cục Thống kê thành phố làm Phó ban Thường trực cùng sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị. BCĐ thành lập Văn phòng giúp việc và xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện. Thời gian qua, theo hướng dẫn của BCĐ thành phố, BCĐ cấp huyện, cấp xã tuyển chọn cán bộ vẽ sơ đồ nền xã/phường/thị trấn và tiến hành rà soát, phân định ranh giới lãnh thổ hành chính giữa các xã/phường; nắm số lượng các thôn/tổ dân phố/khu dân cư để chuẩn bị cho khâu lập bảng kê danh sách hộ tổng điều tra. Đồng thời làm tốt công tác lập bảng kê số nhà, số hộ, số người của địa bàn làm cơ sở giúp điều tra viên tiếp cận các hộ được điều tra một cách nhanh chóng chính xác. Tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng tổ điều tra là người có khả năng thực hiện công việc, có tinh thần trách nhiệm cao và có kết quả tốt trong tham gia tập huấn tổng điều tra. Tiếp nhận, in và phân phối các tài liệu của tổng điều tra kịp thời; mở các cuộc tập huấn điều tra. Bố trí và phân bổ kịp thời, đầy đủ kinh phí điều tra cho BCĐ các cấp từ cấp huyện, cấp xã và hướng dẫn quản lý, sử dụng, quyết toán chi tiêu theo đúng quy định hiện hành. Đặc biệt, BCĐ tổng điều tra các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng để đăng tải các bài viết, hình ảnh, khẩu hiệu tuyên truyền; phổ biến các tài liệu hỏi và đáp về Tổng điều tra… Từ đó, người dân nhận thức rõ mục đích, yêu cầu của cuộc Tổng điều tra, thấy hết được nghĩa vụ và quyền lợi, cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin thuộc nội dung điều tra. Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực, chủ động đó, tôi tin tưởng Hải Phòng sẽ thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn thành phố, góp phần vào kết quả chung của cả nước và phục vụ đắc lực cho việc xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021- 2030 của thành phố.
– Kết quả điều tra được công bố vào thời điểm nào?
– Thời gian thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 1-4-2019. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7- 2019; kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý 4- 2019; kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý 2 năm 2020; các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý 4 năm 2020.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Thanh – Báo Hải Phòng