Print Thứ năm, 07/10/2021 14:20 Gốc

Ban Chấp hành Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất, yêu cầu xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào kế hoạch năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ

Đề cập đến nội dung về kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2021-2022 trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện các vấn đề, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thành công của Đại hội đã tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau Đại hội Đảng, Trung ương đã tổ chức tốt 3 hội nghị Trung ương, lãnh đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, sớm kiện toàn các cơ quan và nhân sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tổ chức thành công nhiều hội nghị toàn quốc và sự kiện chính trị quan trọng khác, đồng thời đã chỉ đạo khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu xây dựng và tích cực tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 và 5 năm 2021-2025, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt”, hoặc “sống chung” với dịch bệnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kế thừa, phát huy tốt những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và đời sống nhân dân, chăm lo việc học hành của học sinh, sinh viên…

Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, truyền thống đoàn kết, yêu nước, “thương người như thể thương thân“, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc ta lại tiếp tục được phát huy cao độ. Nhờ đó, đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ 3; kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá, ở mức 5,64%, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tổng thu ngân sách đạt 80,2% dự toán. Thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán cơ bản ổn định. Xuất khẩu hàng hóa tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Đặc biệt là đã kịp thời ứng phó và thực hiện các chính sách hỗ trợ để khắc phục, giải quyết khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng các doanh nghiệp cả nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian qua.

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương chia sẻ sâu sắc những tổn thất, mất mát về người và của mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; ghi công, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã dũng cảm hy sinh quên mình vì sinh mệnh, sức khỏe và cuộc sống yên bình của nhân dân.

Mặt khác, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung ương cũng đã tập trung phân tích những ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm và bàn về những chủ trương, chính sách đúng đắn, tổng thể, căn cơ, bài bản hơn để quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, định hướng phục hồi, phát triển KTXH trong thời gian tới.

Hội nghị thống nhất nhận định: Do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ra, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 năm 2021 chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).

KTXH đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính-tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh.

Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021.

Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất. Còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển KTXH.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đổi mới tư duy, nhận thức về phòng, chống dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi kinh tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển KTXH.

Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển KTXH.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối. Do đó, cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt”, hoặc “sống chung” với dịch bệnh.

Vì vậy, Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển KTXH, tài chính-ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Trên cơ sở Kế hoạch KTXH năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính-tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển KTXH. Tập trung ưu tiên bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, như thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch… để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi.

Có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới, cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu COVID-19“, các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu COVID-19”, các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để sót, lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ. Kịp thời đề xuất khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia tuyến đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục; chỉ đạo, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học bình thường của học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với tinh thần nêu trên đây, Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.

Đồng thời yêu cầu tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hóa lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển KTXH trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tập trung ưu tiên thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời xử lý những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công; cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý vấn đề các dự án thua lỗ lớn, chậm tiến độ kéo dài; các ngân hàng thương mại mua bắt buộc 0 đồng…

Tăng cường các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo. Bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới. Tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân cùng chia sẻ, khắc phục những khó khăn chung của đất nước.

Nguyễn Hoàng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta đã bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác