23h ngày 25/4, bệnh nhân nam 22 tuổi đang ngủ thì thấy buồn ở tai. Giật mình tỉnh dậy phát hiện có con côn trùng chui vào tai. Bệnh nhân cố dốc tai để con côn trùng ra nhưng không được, tiếp tục tự lấy que tăm bông và nhíp để gắp nhưng càng làm con vật chui sâu hơn.
00h10’ ngày 26/4, bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng với tình trạng mệt đau, môi nhợt nhạt, tai chảy nhiều máu. Nhanh chóng, bác sĩ Tai mũi họng đã tiến hành nội soi tai thấy ống tai chít hẹp 80%, nhiều máu tươi đọng và có con gián đất đang rúc vào trong tai. Bác sĩ đã gắp dị vật khỏi tai thành công, dị vật gắp ra là con gián đất dài khoảng 1,5cm.
Theo PGS.TS Vũ Văn Sản, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khi phát hiện có con côn trùng (kiến, gián đất, bọ…) chui vào tai, mọi người tuyệt đối không nên tự ý tìm cách gắp bỏ vì có thể sẽ khiến con vật còn sống sẽ rúc vào sâu hơn, giãy giụa hoặc cắm chặt chân bám vào màng nhĩ gây thủng màng nhĩ, nhiễm trùng, viêm tai… rất nguy hiểm. Vì vậy ngay khi phát hiện dị vật vào tai, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai mũi họng gần nhất để bác sĩ lấy dị vật ra ngoài bằng phương pháp chuyên môn an toàn. Để sơ cứu ban đầu tránh đau và nguy cơ tổn thương tai, chúng ta có thể dùng nước sạch đổ đầy lỗ tai để nhằm làm côn trùng chết ngạt. Sau 10-15 phút, côn trùng đã chết sẽ được gắp ra. Các bác sĩ sau đó vệ sinh tai và bôi thuốc mỡ điều trị nhiễm trùng, dị ứng…
Để ngăn ngừa nguy cơ côn trùng chui vào tai, mũi, người dân chú ý trước khi đi ngủ cần mắc màn và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và chăn màn, chiếu; chủ động phun các thuốc diệt muỗi, côn trùng quanh khu vực sinh sống.