Print Thứ Bảy, 26/01/2019 23:26

Tính đến nay, toàn thành phố còn 8.760 việc thi hành án dân sự (THADS) tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước dồn lại, trong đó có tới 6.350 việc không có điều kiện thi hành án (tương đương khoảng gần 3 nghìn tỷ đồng). Đây là áp lực lớn đối với ngành THADS khi giải quyết các việc tồn đọng.

 

Chấp hành viên của Chi cục THADS quận Ngô Quyền rà soát, kiểm tra hồ sơ các vụ việc không có điều kiện thi hành án.

 

Án “treo” gần 20 năm


Từ năm 1999, Chi cục THADS quận Ngô Quyền ra quyết định thi hành án (THA) đối với Nguyễn Chí Hiếu, ở nhà số 6/18 phố Võ Thị Sáu phải nộp 50 nghìn đồng án phí và 20 triệu đồng tiền phạt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 20 năm, đơn vị không thi hành được vụ việc vì người phải THA và gia đình không còn sinh sống ở địa phương, không xác định được nơi ở mới. Năm 2015, vụ này được chuyển thành việc không có điều kiện THA.


Tương tự, năm 2016, Chi cục đưa việc THADS vụ Vũ Văn Luân, ở số nhà 38 phố Lê Lợi vào hồ sơ không có điều kiện THADS cũng do không xác định được nơi ở của người phải THA, mặc dù có quyết định THA từ năm 2011. Lý do là, bị án Luân đang chấp hành án tại trại giam Chí Hòa (thành phố Hồ Chí Minh) và không có tài sản gì. Đây là 2/107 việc không có điều kiện THA, tồn đọng mà Phó Chi cục THADS quận Ngô Quyền Kiều Thị Hạnh Nguyên đang phụ trách giải quyết. Còn đối với cả Chi cục THADS quận Ngô Quyền, hiện nay, trong 900 việc không có điều kiện THA, có đến 600 việc do không xác định được địa chỉ của người phải THA như trên. Các vụ việc này có mức tiền phải THADS từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, thậm chí có việc THADS lên đến 4 tỷ đồng như vụ Hoàng Văn Khánh, Nguyễn Tuấn Anh. Mới nhất, từ tháng 9-2018, chi cục đưa việc của Công ty Đầu tư vận tải Trường Thành vào sổ theo dõi việc không có điều kiện THA với số tiền phải thi hành hơn 2,3 tỷ đồng.

 


Theo lãnh đạo Cục THADS thành phố, số việc tồn đọng, không có điều kiện thi hành lên đến gần 9 nghìn việc, nhưng đến hết tháng 9-2018, toàn ngành mới có 86 việc được miễn, giảm tiền THADS. Nguyên nhân các việc tồn đọng, kéo dài do tổ chức, cá nhân phải THA khó khăn về kinh tế, trong đó tập trong vào các việc dân sự trong án hình sự chiếm tỷ lệ lớn. Hầu hết các đối tượng THADS có thời gian chấp hành hình phạt tù, nhiều đối tượng mắc tệ nạn xã hội, không có tài sản, không có việc làm ổn định, gia đình các đối tượng không có trách nhiệm. Do đó, các đối tượng này không có khả năng THADS. Trong khi đó, để được xét miễn, giảm, người phải THADS cần đủ điều kiện về thời gian chấp hành hình phạt tù và chấp hành được 1/50 đối với nghĩa vụ phải thi hành. Ngoài ra, do sự bất cập của Luật THADS, chưa có quy định về việc miễn, giảm đối với trường hợp người phải THDS khi họ bỏ địa chỉ cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú; trường hợp người phải THADS là doanh nghiệp, tổ chức không còn hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không còn tài sản ở địa phương, nhưng chưa bị tuyên bố phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật. Riêng đối với loại việc không có điều kiện thi hành chưa có cơ chế để xử lý dứt điểm. Bởi theo quy định, sau 2 năm, cơ quan THADS xác minh thấy việc không có điều kiện sẽ đưa vào sổ theo dõi việc không có điều kiện THADS, đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời. Tuy nhiên, những việc này vẫn để án tồn đọng trong thống kê, báo cáo hằng năm, nên không phản ánh thực chất kết quả hoạt động của ngành THADS. Thực tế, có những việc không có điều kiện kéo dài từ 5 đến hơn 20 năm. Nếu không có cơ chế xử lý khả thi, theo thời gian loại việc này còn tăng.


Sớm bổ sung quy định phù hợp thực tế


Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ngô Quyền Đỗ Văn Thịnh cho rằng: Bản án, quyết định do tòa án ban hành được nhân danh nhà nước và có hiệu lực thi hành bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhưng đến giai đoạn THADS mà tồn đọng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tư pháp, tính nghiêm minh của pháp luật. Không chỉ vậy, còn gây tốn kém tiền của nhà nước, công sức của ngành THADS trong việc theo dõi, bảo quản hồ sơ THADS. Việc này còn ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân được THADS và gây tâm lý dè chừng đối với doanh nghiệp khi cân nhắc đầu tư vào địa phương, ảnh hưởng tới việc thu hút nguồn vốn, phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.


Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hải Phòng có những đóng góp, kiến nghị cụ thể với Bộ Tư pháp để điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật về miễn, giảm thi hành đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, rõ ràng về điều kiện; thủ tục xét miễn, giảm THADS trên cơ sở phù hợp thực tiễn, nhất là đối với những vụ xác định chưa có điều kiện THADS đối với việc dân sự trong án hình sự. Từ đó, quy định rõ việc xét, miễn giảm THADS đối với khoản tiền phải thu nộp ngân sách trong bản án, quyết định của tòa, không cộng gộp khoản tiền lãi chậm thi hành vào khoản tiền thu nộp ngân sách để xét điều kiện miễn giảm. Ngoài ra, để quy định thống kê đúng kết quả THADS, tránh sự chồng chéo, nên hoàn thiện chế độ về báo cáo thống kê theo hướng không đưa các vụ việc chưa có điều kiện THADS đưa vào sổ theo dõi vào báo cáo thống kê hằng năm. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế quản lý, theo dõi đối với những vụ việc THADS chưa có điều kiện thi hành để chuyển sổ theo dõi riêng. Đồng thời, khôi phục lại quy định về trả đơn yêu cầu đối với việc THADS theo đơn yêu cầu khi việc không có điều kiện thi hành. Trên cơ sở đó, các cơ quan THADS có điều kiện tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả THA đối với những việc có điều kiện THA, góp phần bảo vệ quyền lợi ích của nhà nước, xã hội, tổ chức, lợi ích hợp pháp của cá nhân và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.


BÙI HƯƠNG – Báo Hải Phòng 13/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tồn đọng số lượng lớn vụ, việc không có điều kiện thi hành án  Áp lực đối với ngành Thi hành án dân sự
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác