Ngày 20/3, tại Hà Nội, Văn phòng Bộ Tư pháp phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 và một số vấn đề pháp lý đặt ra”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc của độc giả liên quan đến các quy định phòng, chống dịch bệnh gồm các hành vi bị nghiêm cấm, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm, chính sách đối với những người bị cách ly… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Theo bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp), bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tức là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người tại Điều 240. Theo đó, 3 nhóm hành vi cấu thành tội phạm gồm: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Liên quan đến nhóm “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” thì pháp luật hình sự hiện chưa có quy định cụ thể; vì vậy, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình xử lý các vụ việc cụ thể vẫn cần có sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bà Lê Thị Vân Anh cho biết thêm với hành vi thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch bệnh COVID-19, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), nêu rõ: Nội dung này chủ yếu được quy định trong hai văn bản là Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Đối với một số nhóm hành vi mà người dân vô tình hoặc cố ý phạm phải, như có hành vi khai báo gian dối, trốn khỏi nơi cách ly, không thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly, không đeo khẩu trang… đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 176.
Cụ thể, khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm bị phạt từ 100.000-300.000 đồng; hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt từ 2-5 triệu đồng…
Đối với hành vi không đeo khẩu trang, nếu trong phạm vi cơ sở y tế thì có thể bị xử phạt về hành vi không tuân thủ chỉ định, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm của thầy thuốc, nhân viên y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc không bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, người bệnh và người nhà bệnh nhân. Nếu hành vi này xảy ra ngoài phạm vi cơ sở y tế thì coi như họ đã chủ động từ chối quyền bảo vệ sức khỏe của mình.
Một vấn đề được nhiều độc giả quan tâm là cơ chế, chính sách đối với những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người mắc (F1, F2, F3…) như thế nào khi họ đang là nhân viên, người lao động ở các cơ quan, doanh nghiệp.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), nhấn mạnh, pháp luật hiện hành đã quy định các chế độ, trong đó có quy định về thực hiện cách ly.
Quy định này được nêu tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, Thông tư 32 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý sử dụng kinh phí đối với người thực hiện cách ly y tế.
Người phải cách ly y tế được cấp miễn phí nước, bàn chải, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang… Kinh phí cho việc xác định dương tính hay âm tính với virus cũng do ngân sách nhà nước chi trả.
“Còn việc các đối tượng F2, F3 đang là người lao động bị cách ly có được đền bù ngày công hay không thì chưa có chế độ chính sách quy định. Theo tôi, trường hợp này không ai mong muốn, tất cả cần chung tay chia sẻ, cách ly để đảm bảo an toàn cho người được cách ly, gia đình và toàn xã hội. Nếu người phải cách ly rơi vào tình trạng thất nghiệp thì được hưởng bảo hiểm thất nghiệp”, ông Lê Đại Hải cho biết./.
Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More