Nếu đứng trong một đám đông người đủ các chủng tộc, tôi tự hào là người châu Á. Nếu đứng trong một đám đông người châu Á, tôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam. Nếu đứng trong một đám đông người Việt Nam, tôi tự hào rằng tôi là người Hải Phòng. Bạn có thế không?
Tôi chưa một lần viết về Hải Phòng – nơi tôi đang sống và làm việc – bởi đơn giản trước đây tôi nghĩ ngày nào cũng ở đất Cảng, có gì lạ đâu mà viết.
Một lần tôi tìm thử trên trang google cụm từ “Người Hải Phòng”, vài giây sau tôi có một danh sách những tên tuổi nổi tiếng trong mọi lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật, đến ca sỹ diễn viên. Có thể điểm qua một vài nhân vật như nhà văn Khái Hưng – đại diện cho dòng văn học hiện thực lãng mạn những năm thập kỷ 30, nhà văn Nguyên Hồng với tác phẩm để đời Bỉ Vỏ, nhạc sỹ gạo cội Đoàn Chuẩn – Từ Linh, nhạc sỹ Ngô Thụy Miên, diễn viên xuất chúng một thời Thẩm Thuý Hằng… và những danh hiệu về sắc đẹp như hoa hậu Phạm Thị Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền…Vì lẽ đó người Hải Phòng có lý do để kiêu hãnh bởi thành phố này đã sinh ra những người con, người em mang lại vinh quang.
Tuy nhiên có vẻ người Hải Phòng đôi khi hay có thói quen tự tôn. Xin được trích nguyên văn một đoạn trong bài viết của người con thành phố đang sống xa quê hương và viết về Hải Phòng: “Nếu đứng trong một đám đông người đủ các chủng tộc, tôi tự hào là người châu Á. Nếu đứng trong một đám đông người châu Á, tôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam. Nếu đứng trong một đám đông người Việt Nam, tôi tự hào rằng tôi là người Hải Phòng. Bạn có thế không? Có chứ, làm sao không tự hào cho được khi được làm công dân của thành phố đầy nhiệt huyết này. Hải Phòng không mang vẻ đẹp đằm thắm kiêu sa của một cô gái thời xưa như Hà Nội mà mang vẻ đẹp của một chàng thanh niên luôn luôn rạo rực, luôn luôn sẵn sàng cống hiến, đặc biệt lòng nhiệt tình lúc nào cũng chảy tràn trong huyết quản”.
Đọc đến đây có lẽ phần tự hào, sự tự tôn của tôi cũng cháy theo từng câu viết. Và tôi quyết định đặt bút viết về Hải Phòng – Thành phố Cảng và là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia, là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam, có vị trí quan trọng về kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước, nơi cửa chính ra biển quan trọng của Việt Nam, là đầu mối giao thông quan trọng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tuy nhiên còn có ít người Việt Nam vẫn nhầm tưởng là… Tỉnh Hải Phòng.
Khi mà thủ đô Hà Nội luôn đối mặt với nạn khói bụi, tắc đường và ngập lụt thì người Hải Phòng lại may mắn hưởng không khí trong lành, tĩnh lặng an nhiên của thành phố nhiều cây xanh và có nhịp sống chậm hơn các đô thị khác. Dường như sự bon chen trong cuộc sống không hiện diện trên khuôn mặt người Hải Phòng, các thế hệ từ trẻ đến già.
Người Hải Phòng đa phần là người bản xứ, ít có dân từ tỉnh khác đến nên văn hoá, phong tục tập quán tương đối đồng nhất với tính cách đặc trưng của người miền biển nhiệt tình, thẳng thắn và rộng rãi. Kinh tế Hải Phòng chưa thật phát triển so với các thành phố khác nhưng thu nhập của người Hải Phòng khá đồng đều, giá sinh hoạt Hải Phòng lại rẻ nên các gia đình sống khá thoải mái ở chính thu nhập của mình.
Lớp thanh niên và trung niên Hải Phòng là những người ham học hỏi, có ý chí, tôi nhận thấy khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng trên khuôn mặt những người trẻ nhưng tuyệt đối không có từ bon chen quyết liệt như các thành phố khác, bởi vậy nên tình người tình làng xóm còn đậm đà ở nơi đây. Tuy Hải Phòng vẫn còn đâu đó tệ nạn, nhưng thiển nghĩ tệ nạn thì ở đâu cũng có kể những thành phố thuộc những nước phát triển.
Muốn viết nhiều và viết dài về Hải Phòng nhưng tôi sợ mình sẽ không khách quan khi viết về thành phố nơi mình đang sống. Những cảm nhận về thành phố Cảng hãy để những người quan tâm về con người và thành phố Hải Phòng cảm nhận, chỉ biết rằng: Tôi đã hơn một lần muốn rời xa thành phố này để đến sống ở nơi khác nhưng đến thời gian này tôi chợt nhận ra tôi không muốn đi khỏi nơi này nữa – Phải chăng tôi đã yêu?
Tác giả: Đoàn Thuỳ Dương – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng.