Sáng 7-9, tại trụ sở Báo Hải Phòng, Sở Y tế phối hợp Báo Hải Phòng tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Tự chủ tài chính tại bệnh viện công để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”.
Chủ trì tọa đàm có đồng chí Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế; nhà báo Lê Trọng Nghĩa, Tổng biên tập Báo Hải Phòng.
Tọa đàm phát trực tuyến trên website www.baohaiphong.com.vn.
Trong thời gian diễn ra tọa đàm, Báo Hải Phòng tiếp nhận câu hỏi, thắc mắc liên quan đến nội dung trên tại địa chỉ email: phongdientubhp@gmail.com và nhận cuộc gọi, tin nhắn qua số điện thoại đường dây nóng 088.6404404; Fanpage Đất Cảng và nhóm công khai Báo Hải Phòng trên Facebook.
Mở đầu tọa đàm, Tổng biên tập Báo Hải Phòng Lê Trọng Nghĩa cho biết, thực hiện Nghị định số 16/2015 quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành Y tế Hải Phòng triển khai tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố. Hiện nay, ngành Y tế Hải Phòng có 5 bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, trong đó có 1 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính nhóm 1; 4 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2. Trong quá trình thực hiện, một số bệnh viện đã tạo nên những đổi thay mạnh mẽ về cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như đời sống của đội ngũ nhân viên y tế, khẳng định tự chủ tài chính là quá trình chuyển đổi mang tính đột phá nhưng tất yếu, khi đòi hỏi các bệnh viện công phải tự chuyển mình để thu hút người bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là vấn đề mới nên không ít bệnh viện lo lắng, băn khoăn, khi “bầu sữa” ngân sách bị cắt và các bệnh viện phải loay hoay tìm lối đi riêng để tồn tại. Người bệnh lo khi tự chủ tài chính, bệnh viện công sẽ tận thu người bệnh… Đây cũng là những vấn đề dư luận, các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm, phản ánh, chia sẻ với nhiều góc độ khác nhau trong thời gian qua. Để làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm, định hướng thông tin kịp thời, góp phần cùng các bệnh viện thực hiện tốt cơ chế tự chủ,nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân thành phố, Báo Hải phòng phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội nghị Tọa đàm trực tuyến “Tự chủ tài chính để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.
Ban biên tập Báo Hải Phòng, Ban Giám đốc Sở Y tế mong muốn nhận được sự tham gia, chia sẻ của các vị đại biểu đang trực tiếp thực hiện, liên quan đến việc thực hiện tự chủ tài chính tại các bệnh viện công, từ đó có những giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm mới trong thực hiện. Đây cũng là dịp để bạn đọc gần xa hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện tự chủ tài chính của bệnh viện, giúp bệnh viện đổi mới, nâng cao chất lượng, người bệnh được hưởng lợi khi khám, chữa bệnh. Đây cũng là dịp để ngành Y tế và các bệnh viện chung tay với các cơ quan báo chí phối hợp tuyên truyền đúng-trúng-hiệu quả về tự chủ tài chính, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa 12) về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Tự chủ tài chính giúp các bệnh viện công tinh giản bộ máy hiệu quả, nhanh gọn
Bạn đọc Thanh Mai ở địa chỉ thanhmaihp95@yahoo.com hỏi: “Các đồng chí cho biết kết quả bước đầu và lộ trình tự chủ tài chính đối với các đơn vị bệnh viện công của Hải Phòng?”
Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh cho biết, hiện Hải Phòng có 5 bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, trong đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thực hiện tự chủ nhóm I – đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ tháng 4-2018. Trước đó, bệnh viện thực hiện tự chủ nhóm II – đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên từ tháng 1-2017. Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Trẻ em thực hiện tự chủ nhóm II từ tháng 9-2017. Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Kiến An thực hiện tự chủ nhóm II từ tháng 1-2018. Các bệnh viện còn lại năm 2018 giảm cấp ngân sách nhà nước chi thường xuyên từ 10-85% do đưa yếu tố tiền lương vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tổng số giảm cấp ngân sách nhà nước chi thường xuyên hai năm 2017, 2018 các đơn vị khám chữa bệnh là 234.836 triệu đồng, trong đó giảm cấp ngân sách nhà nước năm 2017 là 63.722 triệu đồng, năm 2018 là 171.114 triệu đồng. Các bệnh viện tuyến huyện giảm cấp ngân sách nhà nước chi thường xuyên cao là Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên giảm 19.000 triệu đồng (giảm 86%), bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Bảo giảm 12.880 triệu đồng (giảm 82%). Giảm cấp ngân sách nhà nước chi thường xuyên hai năm theo tuyến: bệnh viện tuyến tỉnh giảm 151.163 triệu đồng; bệnh viện tuyến huyện giảm: 83.673 triệu đồng. Các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính bước đầu có nhiều cố gắng trong việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy, nhân sự theo hướng tinh giản, hiệu quả. Năm 2017, toàn thành phố tinh giản hơn 4.000 biên chế, riêng 5 bệnh viện tự chủ tài chính tinh giản hơn 3.600 biên chế. Cụ thể: – Tăng số bàn khám, điều tiết tăng nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sỹ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. – Tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định, tăng cường công tác chăm sóc, chống nhiễm khuẩn để giảm số ngày điều trị nội trú. – Ưu tiên Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định để sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh, mua sắm, bổ sung bàn khám, các bộ dụng cụ khám bệnh, tăng cường và hợp đồng thêm hoặc điều chỉnh nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám không để người bệnh chờ lâu. Mua sắm bổ sung bàn, ghế, giường, tủ, các trang thiết bị của các buồng bệnh, thay thế các trang thiết bị cũ, cải thiện các điều kiện phục vụ người bệnh. Nhờ đó, các bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, phức tạp như: chuyên khoa ung bướu, tim mạch, thần kinh… – Cải tiến khu vực đón tiếp, có bộ phận và nhân viên hướng dẫn bệnh nhân và người nhà làm các thủ tục khám, chữa bệnh. Cải tạo, nâng cấp khu vệ sinh, bảo đảm nhà vệ sinh xanh, sạch, đẹp, đáp ứng đủ điện nước và các điều kiện sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh.
Liên quan đến nội dung này, một bạn đọc khác tại địa chỉ vuthanhan111@yahoo.com.vn có câu hỏi: “ Trong quá trình tự chủ tài chính, các bệnh viện của Hải Phòng sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?”
Kính chuyển đồng chí Phạm Thu Xanh trả lời câu hỏi này:
Những năm qua ngành y tế được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, nhiều bệnh viện đã được xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng tương đối khang trang. Một số bệnh viện trên địa bàn thành phố đều được đầu tư, nâng cấp các tòa nhà phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; hệ thống y tế từng bước được hoàn thiện và phát triển; bảo hiểm y tế được chú trọng. Đội ngũ y bác sĩ trong các bệnh viện công lập Hải Phòng, đặc biệt là các bệnh viện tuyến thành phố có trình độ chuyên môn tương đối cao, tiến sĩ, thạc sĩ y học, bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I chiếm tỷ lệ tương đối cao.
Về khó khăn, một số bệnh viện chưa được đẩu tư tương xứng, trang thiết bị chưa đồng bộ. Cơ chế quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công chưa được đổi mới đồng bộ dẫn đến chất lượng và hiệu quả cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế. Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của từng lĩnh vực sự nghiệp chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Một số đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong quản lý tài chính chưa đảm bảo theo các nguyên tắc hạch toán kinh tế đầy đủ. Quy chế chi tiêu nội bộ, phân phối thu nhập còn mang tính bình quân, chưa thật sự khuyến khích người lao động. Một số đơn vị dịch vụ sự nghiệp công khi mở rộng hoạt động dịch vụ còn chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu.
Mặt khác, Số lượng nhân lực y tế hàng năm có tăng nhưng chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của hệ thống y tế; kinh phí phân bổ cho ngành Y tế còn rất thấp so với yêu cầu nhiệm vụ và thấp hơn so với các tỉnh lân cận; viện trợ nước ngoài cho y tế thành phố, nhất là trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, lao,… liên tục bị cắt giảm. Công tác chi từ quỹ bảo hiểm y tế cho y tế còn thấp; việc vượt trần, vượt quỹ BHYT đến cuối năm sau mới được BHXH Việt Nam xem xét dẫn đến các bệnh viện thiếu kinh phí để chi hoạt động.
Đưa nhiều công nghệ mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu vào khám, chữa bệnh
Bạn đọc Nguyễn Hùng Thắng hỏi: “Đồng chí cho biết kết quả bước đầu của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp trong thực hiện tự chủ tài chính?”
Là bệnh viện đầu tiên cả nước thực hiện tự chủ nhóm 1, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp Nguyễn Văn Tập cho biết, qua 1,5 năm thực hiện, bệnh viện đạt một số kết quả nổi bật. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng nâng lên. Hầu hết các chỉ tiêu khám, chữa bệnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra (107%-166%). Bệnh viện đưa các công nghệ mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, như: can thiệp mạch não, phẫu thuật cắt u gan, đốt u gan bằng vi sóng… trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, quản lý chặt chẽ một số nguồn thu ngoài dịch vụ y tế như: nhà thuốc bệnh viện, trông giữ xe (miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân), căn tin, nhà ăn và các hoạt động dịch vụ khác để tăng nguồn thu. Trong công tác tổ chức bộ máy và nhân lực, bệnh viện tổ chức, sắp xếp các khoa, phòng theo hướng tinh gọn, hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; sát nhập Khoa Y học hạt nhân vào Trung tâm Ung bướu; sát nhập phòng Bảo vệ vào Phòng Quản trị; tổ chức sắp xếp lại nhân sự, vị trí việc làm; bố trí công việc một cách khoa học, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Về tài chính, bệnh viện xây dựng mới quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng hưởng theo hiệu quả công việc (tăng chế độ cho bác sỹ trực tiếp điều trị bệnh: 2 triệu/người/tháng); xây dựng mới quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài chính để có chênh lệch thu chi, chi trả thu nhập tăng thêm, trích lập các quỹ để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị để mở rộng và phát triển đơn vị. Bệnh viện chủ động vay vốn của các ngân hàng thương mại (vay gần 100 tỷ mua máy xạ trị gia tốc; vay 96 tỷ đồng đấu thầu mua thiết bị MRI 3.0 tesla, CT 768 lát, 20 tỷ đồng mua các máy thở, nội soi), thực hiện liên doanh liên kết để đầu tư trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật mới; tăng số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân (người nghèo cũng được hưởng lợi vì nhiều thiết bị xã hội hóa dùng chung cho toàn bệnh viện). Với việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là tính lương vào giá đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ y tế; tinh thần, thái độ làm việc và phục vụ bệnh nhân của cán bộ y tế được nâng cao, tỉ lệ hài lòng của người bệnh tăng (năm 2018, tỷ lệ bệnh nhân được hỏi hài lòng là 95%, cao hơn so với năm 2016 chỉ là 70%). Bệnh viện cân đối thu chi tài chính, đời sống người lao động được cải thiện, xây dựng quỹ thu chi nội bộ.
Vẫn là một nội dung liên quan đến Bệnh viện Việt Tiệp của một bạn đọc khác gửi câu hỏi từ địa chỉnguyenlananh1905@gmail.com với nội dung: “ Là đơn vị đi đầu trong cả nước thực hiện tự chủ tài chính toàn phần, bệnh viện có những khó khăn gì trong thực hiện và tháo gỡ khó khăn này như thế nào?”
Bác sĩ Nguyễn Văn Tập tiếp tục có phần trả lời với bạn đọc:
Theo quy định hiện nay, giá dịch vụ gồm 4 yếu tố cấu thành: chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý, chi phí đầu tư. Hiện tại, giá viện phí chỉ bao gồm 2 yếu tố đó là: chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương. Tuy nhiên, tiền lương trong cơ cấu giá viện phí vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng (Theo quy định tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ). Bệnh viện phải chi bù lương lên hệ số 1.390.000 đồng/hệ số. Dự kiến mỗi năm, Bệnh viện phải chi bù lương là 15,264 tỷ đồng. Mặt khác, 2 yếu tố chi phí là quản lý và chi phí đầu tư chưa đưa vào giá viện phí. Vì vậy, bệnh viện khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Trong thực hiện xã hội hóa, khi vay vốn, trách nhiệm của bệnh viện đối với việc trả nợ là rất lớn; lãi suất khá cao, thời gian phải trả vốn vay ngắn nên rất khó cân đối nguồn để trả, trong khi đó cơ chế giá dịch vụ do BHYT chi trả chưa có khấu hao để có nguồn chi trả lãi và gốc vốn vay, người bệnh phải trả phần chênh lệch này. Ngoài ra, tỷ lệ người bệnh tham gia bảo hiểm cũng như người bệnh khám, chữa bệnh tăng. Theo dự toán 2018 giao quỹ khám, chữa bệnh BHYT giao cho bệnh viện là gần 570 tỷ giảm 11% so với số thực hiện năm 2017 là 627 tỷ đồng; khó khăn cho công tác tài chính bệnh viện.
Nỗ lực vượt khó, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Bạn đọc Trần Ngọc Mai (phố Tô Hiệu, quận Lê Chân) đặt câu hỏi: “Trong điều kiện đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, việc thực hiện tự chủ tài chính mức 2 của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đang gặp khó khăn gì? Đề nghị đồng chí cho biết giải pháp tháo gỡ khó khăn?”
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng Vũ Văn Tâm: Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng thành lập cách đây 40 năm, tiền thân là khoa Sản Bệnh viện Việt Tiệp, với diện tích mặt bằng 8.000m2, cơ sở vật chất hầu hết là các toà nhà xây dựng cách đây trên 60 năm xuống cấp nghiêm trọng trở thành những toà nhà nguy hiểm. Khó khăn về cơ sở vật chất càng thực sự trở thành gánh nặng hơn khi năm 2016, triển khai xây Trung tâm sơ sinh, khi đó Bệnh viện bị thu hẹp trên 1/3 không gian tương đương với 200 giường bệnh. Trước cơ sở vật chất vừa xuống cấp nghiêm trọng vừa thu hẹp không gian đồng thời bệnh viện phải cạnh tranh với các cơ sở sản phụ khoa tư nhân vượt trội về cơ sở vật chất so với bệnh viện. Bệnh viên gặp một số khó khăn, sự chán nản của nhân viên y tế khi phải làm việc trong hoàn cảnh khó khăn thu nhập thấp. Tinh thần và thái độ đối với công việc và bệnh nhân không tốt. Họ sẵn sàng bỏ bệnh viện chuyển chỗ làm tốt hơn. Bệnh viện bị giảm sức thu hút đối với người bệnh do nhu cầu ngày càng cao của người dân thành phố. Gánh nặng về chi trả lương cho cán bộ nhân viên, trước đây mỗi năm, bệnh viện được thành phố cấp 23 tỷ để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Hiện nay, bệnh viện phải bù số tiền trên để trả lương cho cán bộ, nhân viên. Gánh nặng về tài chính cho việc sửa chữa cơ sở hạ tầng xuống cấp, đầu tư trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học kĩ thuật, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên. Trước tình hình đó, tập thể lãnh đạo bệnh viện đoàn kết, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân viên, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngắn hạn và dài hạn, thay đổi chính sách tài chính theo hướng tích cực với những người có nhiều đóng góp công sức. Tập trung làm tốt công tác y đức và y thuật hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Phát triển và củng cố kĩ thuật chuyên sâu thu hút bệnh nhân trong và ngoài thành phố. Tăng cường liên doanh liên kết tạo sức mạnh đầu tư phát triển, tiết kiệm nguồn lực, sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực đang có, phát triển các nguồn lực tiềm năng. Triển khai các dịch vụ đáp ứng nhu cầu người bệnh.
Bạn đọc ở địa chỉ vumaihuong2011@gmail.com vừa gửi đến tọa đàm câu hỏi muốn được chuyển tới lãnh đạo Bệnh viện Mắt thành phố. Nội dung câu hỏi như sau: “ Trong quá trình tự chủ tài chính, bệnh viện làm gì để vượt qua thách thức không nhỏ do tư duy bao cấp kéo dài, kiến thức quản lý bệnh viện theo xu hướng hiện đại còn hạn chế nên một số cán bộ, nhân viên không dễ dàng ủng hộ việc tự chủ tài chính?”
Bác sĩ Trần Mạnh Đô, Giám đốc Bệnh viện Mắt trả lời: Tự chủ tài chính đặt ra nhiều thách thức đối với bệnh viện, do đó, để vượt qua những khó khăn trước mắt, ban giám đốc bệnh viện đề ra những bước đi cụ thể. Trước hết, Ban giám đốc bệnh viện thẳng thắn nhìn nhận, xác định những hạn chế của tư duy bao cấp trong hoạt động của bệnh viện như: Tính chuyên nghiệp trong công việc chưa cao, trách nhiệm, kỷ luật lao động, thái độ phục vụ… thậm trí còn tư tưởng ỉ nại; chưa phát huy hết khả năng trong công việc; tinh thần học hỏi nâng cao trình độ còn hạn chế; hạch toán kinh tế y tế kém; phê bình, khen thưởng, kỷ luật mang nhiều tính hình thức; các chế tài trong điều hành hoạt động của BV chưa đủ mạnh.
Từ những hạn chế trên, bệnh viện quyết liệt trong thực hiện việc thay đổi nhận thức, tư tưởng và coi đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần kíp. Bệnh viện quán triệt đến các y, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên đây là chủ trương của Đảng, chính phủ về đổi mới mà cần phải thực hiện; phân tích, nêu rõ những vấn đề chính bệnh viện cần tự chủ là gì?. Mặt khác, trên cơ sở phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, Ban giám đốc động viên cán bộ, công viên chức phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, tạo sức mạnh nội bộ, quyết tâm xóa bỏ hạn chế tư duy bao cấp, vì sự phát triển vững mạnh của bệnh viện.
Quản lý chặt chẽ một số nguồn thu ngoài dịch vụ y tế
Bạn đọc Phùng Hữu Sơn (phố Trần Tất Văn, quận Kiến An) hỏi: “Là Bệnh viện đa khoa khu vực chịu trách nhiệm khám chữa bệnh cho 5 quận, huyện phía tây nam của thành phố, nhiệm vụ rất nằng nề, trong bối cảnh cơ sở vật chất xuống cấp, trần khám chữa bệnh BHYT thấp bằng ½ Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, hệ số lương cơ bản tăng, giá viện phí chưa cấu thành đủ chi phí. Bệnh viện đa khoa Kiến An có giải pháp gì để thực hiện tốt việc tự chủ?”
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Kiến An Hoàng Tuấn Anh: Để thực hiện tốt việc tự chủ nhóm 2, Bệnh viện đa khoa Kiến An đề xuất một số giải pháp như: Tổ chức sắp xếp lại nhân sự, vị trí việc làm trong đơn vị, bố trí công việc một cách khoa học, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực (giảm bớt biên chế, viên chức để thực hiện chế độ hợp đồng lao động tăng hiệu quả lao động, tăng tính trách nhiệm của người lao động). Xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài chính để có chênh lệch thu chi, chi trả thu nhập tăng thêm, trích lập các quỹ để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị để mở rộng và phát triển đơn vị. Phát huy được tính năng động, sáng tạo của các khoa, phòng và đội ngũ cán bộ y tế trong việc chủ động quyết định các biện pháp, giải pháp để thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thúc đẩy xã hội hóa, vay vốn của các ngân hàng thương mại; Đầu tư theo hình thức đối tác liên doanh, liên kết. Triển khai các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội, quản lý chặt chẽ một số nguồn thu ngoài dịch vụ y tế như nhà thuốc bệnh viện, trông giữ xe, căn tin, nhà ăn; tham gia cung ứng các dịch vụ ngoài đơn vị và các hoạt động dịch vụ khác để tăng nguồn thu.
Cũng vấn đề này, bạn đọc hoangkhalam@gmail.com hỏi: “Bệnh viện đa khoa Kiến An có nhiều người bệnh nghèo, người bệnh ở khu vực ngoại thành nên bệnh viện khó có thể tăng thu từ việc mở các gói dịch vụ theo yêu cầu. Việc này có ảnh hưởng nhiều đến bệnh viện khi đang phải tự chủ tài chính?”
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Kiến An Hoàng Tuấn Anh: Hiện nay, bệnh viện thực hiện mở các gói dịch vụ theo yêu cầu nhưng số lượng chưa nhiều chủ yếu là các gói giường bệnh theo yêu cầu, khám bệnh theo yêu cầu với mức giá phù hợp với thu nhập của người bệnh tại khu vực. Do vậy, việc tăng thu từ các dịch vụ này sau khi trừ đi các chi phí chỉ bảo đảm một phần chi lương, phụ cấp lương cho cán bộ, nhân viên bệnh viện.
Chị Nguyễn Thị Nam, phóng viên Báo Hải Phòng hỏi: “Tự chủ tài chính là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị bệnh viện công trong bối cảnh bội chi và chủ trương giảm chi thường xuyên, nhưng do là vấn đề mới nên việc thực hiện có nhiều lúng túng cần sự đi trước của công tác tuyên truyền. Vậy thời gian tới Sở Y tế và các bệnh viện sẽ phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí như thế nào để việc truyền thông hiệu quả”?
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: Thời gian qua, trong sự thành công của ngành y tế công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Trong thời điểm tự chủ tài chính, ngành y tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, do đó, công tác phối hợp truyền thông phải chặt chẽ hơn nữa.
Thời gian tới, Ngành y tế xác định tuyên truyền tập trung vào một số nội dung chính: Tuyên truyền đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo thành phố xác định để bệnh viện tự chủ song không thể để các bệnh viện tự loay hoay, tự thích ứng với cơ chế thị trường; thành phố cần quan tâm đến tạo cơ chế, chính sách thực hiện chế độ ưu đãi trong ngành y tế, ưu đãi đặc thù, thu hút các bác sĩ về bệnh viện tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đồng thời, tuyên truyền tới hệ thống các bệnh viện đã, đang và sắp tự chủ, phải xác định tự chủ trước mắt nhiều khó khăn, thách thức nhưng tạo tính chủ động, tạo có cơ chế chính sách cho việc phát triển bệnh viện; nâng cao chất lượng chuyên môn; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ ngành y tế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, chất lượng chuyên môn, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; xác định vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có trách nhiệm rà soát kỹ, chặt chẽ các nguồn thu, giảm chi, cân đối thu chi; bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế.
Tăng cường tuyên truyền đến người dân, giúp người dân hiểu được quyền lợi khi bệnh viện thực hiện tự chủ, chất lượng công tác khám, chữa được nâng cao, khẳng định thương hiệu của bệnh viện.
Tuyên truyền về tự chủ tài chính y tế phải đi trước một bước
Phóng viên Tuyết Mai (Phòng Điện tử) hỏi: “Do là vấn đề mới nên trong quá trình tự chủ tài chính, các bệnh viện còn lúng túng trong cách làm, người dân hiểu chưa đúng về hoạt động của bệnh viện khi thực hiện tự chủ. Việc này, cần công tác tuyên truyền đi trước một bước. Theo các đồng chí, phải làm gì để báo chí và các bệnh viện thực hiện tự chủ có tiếng nói chung? Báo Hải Phòng sẽ chủ động phối hợp, hỗ trợ ngành y tế và các bệnh viện trong công tác tuyên truyền tự chủ tài chính như thế nào để đạt hiệu quả cao?”
Tổng biên tập Báo Hải Phòng Lê Trọng Nghĩa trả lời: Nhiều bệnh viện tự chủ tài chính còn e ngại cung cấp thông tin cho báo chí, thông tin không đầy đủ, phản ánh không đúng sự việc, dẫn đến rủi ro ngoài ý muốn, nhiều thông tin tràn lan trên báo mạng sai sự thật. Trên báo Hải Phòng cuối tuần có chuyên mục sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng, phòng mạch miễn phí nhưng chưa nhận được sự hợp tác nhiệt tình từ các bác sĩ giỏi của thành phố. Đây là hạn chế trong quá trình trao đổi thông tin giữa Báo Hải Phòng và Sở Y tế. Báo Hải Phòng là cơ quan ngôn luận đại diện cho tiếng nói Đảng bộ và nhân dân thành phố Cảng, là lực lượng xung kích kết nối các cơ quan báo chí trung ương và địa phương với ngành y tế thành phố, góp phần định hướng dư luận rộng rãi trên cả 3 ấn phẩm: Hải Phòng hằng ngày, Hải Phòng cuối tuần và Hải Phòng điện tử. Để bảo đảm cho việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí đầy đủ, đúng, trúng, đề nghị các sở, ngành y tế thực hiện giao ban định kỳ theo quý, thông tin với báo chí để cơ quan báo chí định hướng đúng dư luận, tránh khủng hoảng truyền thông trong công tác tuyên truyền tự chủ tài chính. Trên báo Hải Phòng điện tử có đường dây nóng 0936.550.000, giúp bạn đọc dễ dàng thông tin đến các cơ quan báo chí những vấn đề nóng về y tế, trong đó có vấn đề tự chủ tài chính y tế. Báo Hải Phòng mong muốn nhận được sự hợp tác của cán bộ y tế và người dân trong việc cung cấp thông tin về chất lượng, dịch vụ y tế cũng như phản ánh những vấn đề nóng về tự chủ tài chính tại bệnh viện công trên địa bàn thành phố.
Bạn đọc Hoàng Thu Hà, ở xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo) có câu hỏi gửi tới lãnh đạo Bệnh viện Vĩnh Bảo như sau:“Được biết các bệnh viện huyện hiện nay chưa được giao tự chủ, xong kinh phí chi thường xuyên hầu hết bị cắt giảm đến 80%. Điển hình là bệnh viện Vĩnh Bảo là BV hạng 2 tuyến huyện, là 1 huyện xa trung tâm thành phố, khó thu hút Bác sĩ về làm việc, cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị rất khó khăn, bệnh viện chưa có quyết định tự chủ chi thường xuyên (Mức 2), xong thực tế kinh phí cấp chi thường xuyên cho bệnh viện năm 2018 chỉ bằng 17% năm 2017 (2,9 tỷ) trong khi thông tuyến BHYT, giá viện phí giảm theo Thông tư 15 (84 dịch vụ); hệ số lương cơ bản tăng thêm 240.000 đ/ 1 hệ số. Trước thực trạng như vậy bệnh viện có giải pháp gì để ổn định bệnh viện và nâng cao chất lượng, đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh? Trước những khó khăn như vậy bệnh viện có đề xuất gì với thành phố và với ngành y tế”?
Bác sĩ Lâm Thị Huyền, Giám đốc Bệnh viện Vĩnh Bảo cho biết: Hiện nay, bệnh viện đang gặp một số khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và công tác tài chính. Nguồn nhân lực của bệnh viện còn thiếu về cả số lượng và chất lượng, thiếu bác sĩ, cử nhân xét nghiệm. Hiện trạng bệnh viện có nhiều cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm phục vụ khám chữa bệnh. Khu phòng khám đang xây dựng nên các phòng khám đang bố trí dồn ép, chật chội. Về trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, bệnh viện còn thiếu hệ thống lấy số tự động, máy chụp CT Scan, máy phẫu thuật nội soi, máy xét nghiệm đông máu, miễn dịch. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm, năm 2018 chỉ còn bằng 17% năm 2017. Ước tính mỗi tháng bệnh viện giảm thu: 400.000.000 triệu đồng/ tháng.
Những khó khăn trên là thách thức rất lớn đối với bệnh viện. Ban giám đốc bệnh viện bàn bạc, thống nhất một số giải pháp sau: Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, cử cán bộ đào tạo cho đủ các chuyên khoa; mở rộng thêm dịch vụ kỹ thuật: nội soi dạ dày có test HP, nội soi trực tràng, siêu âm Doppler tim, Doppler thai…; đổi mới phong cách thái độ phục vụ, tăng cường đón tiếp phục vụ người bệnh; triển khai dịch vụ phòng yêu cầu ở tất cả các khoa. Để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh, Bệnh viện Vĩnh Bảo kính đề nghị UBND thành phố, Sở Y tế, Sở Tài chính quan tâm giúp đỡ: Cấp kinh phí cho tu sửa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho bệnh viện; Trang bị thêm máy móc hiện đại: máy lấy số tự động, máy phẫu thuật nội soi, máy xét nghiệm đông máu, miễn dịch; Cấp bổ sung kinh phí chi thường xuyên để bù vào phần giảm giá dịch vụ và tăng lương.
Bạn đọc nguyenhoanganh1212@gmail.com hỏi: “Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, người bệnh là trẻ em dưới 6 tuổi chiếm một phần lớn. Trong khi, đối tượng này đang được áp dụng quy định khám chữa bệnh miễn phí. Việc này ảnh hưởng gì đến quá trình tự chủ của bệnh viện? Đề nghị đồng chí cho biết bệnh viện làm gì để bảo đảm người bệnh được hưởng các dịch vụ điều trị tốt nhất với giá thành phù hợp mà lại đủ chi để duy trì hoạt động?”
Phó giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng Phạm Văn Dương: Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 từ ngày 1-9-2017. Với tỷ lệ người bệnh là trẻ em dưới 6 tuổi chiếm phần lớn, trong khi đối tượng này được khám chữa bệnh miễn phí ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của bệnh viện. Mặt khác, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư 15/2018 chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành như: tiền khấu hao máy móc, trang thiết bị, nhà cửa, chi phí đào tạo, chi phí nghiên cứu khoa học. Kể cả chi phí tiền lương cấu thành trong đơn giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT cũng chỉ tính mức lương cơ sở là 1.150.000đ, trong khi chi phí mức tiền lương cơ sở hiện tại bệnh viện đang trả cho cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng là 1.390.000đ. Khi bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ thì chính sách tiền lương của nhà nước thay đổi (tăng tiền lương tối thiểu), ngân sách nhà nước không bảo đảm nguồn tăng lương này. Bệnh viện phải cân đối các nguồn thu để bảo đảm số tăng chi tiền lương và các chế độ tăng lương trong khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa theo kịp giá các loại như: tiền lương tối thiểu tăng, tiền điện, nước, xăng, dầu, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, vệ sinh công nghiệp, văn phòng phẩm… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của bệnh viện.
Hiện có nhiều phòng khám nhi, bệnh viện tư khám chữa bệnh trẻ em. Khi bệnh nhân đến Bệnh viện Trẻ em phần lớn là bệnh nhân nặng, có diễn biến xấu vì trước đó đã khám, chữa bệnh tại phòng khám tư nhân hoặc bệnh viện tuyến dưới chưa khỏi bệnh hoặc chưa xử lý dứt điểm bệnh tật, khiến kéo dài thời gian điều trị. Hơn nữa, 1 bệnh nhân nằm điều trị có thể có 2-3 người nhà phục vụ dẫn đến chi phí điện, nước, vệ sinh tăng.
Để vừa bảo đảm duy trì hoạt động bệnh viện trong thực hiện cơ chế tự chủ vừa bảo đảm quyền lợi bệnh nhân được hưởng các dịch vụ điều trị tốt nhất, bệnh viện triển khai nhiều giải pháp: Giám sát, quản lý chặt chẽ các khoản thu của bệnh viện, đặc biệt là các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Do nguồn kinh phí tự chủ hoạt động của bệnh viện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Vì vậy, bệnh viện tập trung làm tốt các khâu từ đăng ký khám chữa bệnh BHYT đến thanh toán BHYT, hạn chế sai sót dẫn đến việc BHXH xuất toán và từ chối thanh toán gây tổn thất kinh phí cho bệnh viện. Quản lý chặt chẽ các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn như tiền thuốc, vật tư, hóa chất và tính định mức các khoản chi hóa chất, vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm, xăng xe ô tô, các khoản chi văn phòng phẩm. Tiết kiệm chi phí sử dụng điện, nước sinh hoạt. Tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn mức giá hiệu quả nhất như: đấu thầu mua văn phòng phẩm; vệ sinh công nghiệp; may quần áo bác sĩ, điều dưỡng, quần áo bệnh nhân, đồ vải; dịch vụ căng tin, siêu thị; dịch vụ bảo vệ. Thời gian qua, bệnh viện tập trung vào cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nhà cửa, buồng bệnh ngày càng sạch đẹp hơn đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, cải thiện về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, cảnh quan bệnh viện tạo môi trường thân thiện, phấn đấu trở thành bệnh viện xanh. Là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viện cử đội ngũ y bác sĩ học tập theo hình thức cầm tay chỉ việc và được Bệnh viện Nhi trung ương chuyển giao nhiều kỹ thuật cao, như: Phẫu thuật tim kín, tim hở/ bệnh nhân tim bẩm sinh triển khai tại bệnh viện từ tháng 4-2012. Kỹ thuật can thiệp tim mạch triển khai từ tháng 10-2016 được đánh giá rất cao, từng bước đưa bệnh viện trở thành Bệnh viện Nhi khu vực vùng Duyên hải Bắc Bộ. Bệnh viện đầu tư, mua sắm mới trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại để người bệnh được thừa hưởng các dịch vụ được tốt nhất, tránh tình trạng người bệnh chuyển tuyến trung ương, góp phần giảm chi phí điều trị, chi phí đi lại, ăn, ở của người nhà bệnh nhân nếu phải điều trị tại tuyến trung ương. Công tác tổ chức nhân sự, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Bên cạnh đó, còn có sự thay đổi tích cực về tinh thần, thái độ làm việc và phục vụ bệnh nhân của cán bộ công nhân viên; cải thiện về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân.
Với việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, bệnh viện đa dạng hóa các hoạt động sự nghiệp, chủ động phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu thông qua các hoạt động của Đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh. Thực hiện tự chủ về tài chính đồng nghĩa với việc bệnh viện phải hoạt động như một doanh nghiệp, tự thu, tự chi và tự cân đối. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chính là giải pháp hàng đầu để các bệnh viện tạo được niềm tin đối với người bệnh.
Bạn đọc Hoàng Thị Phương Thoa, ở phường Cát Dài ( quận Lê Chân) hỏi: “Người dân băn khoăn việc bệnh viện còn tình trạng quá tải, người bệnh phải nằm hành lang khá phổ biến tại bệnh viện nhưng vẫn phải mở các khoa, phòng dịch vụ theo yêu cầu để phục vụ người bệnh, đặc biệt là việc kê thêm quá nhiều giường bệnh, để tăng nguồn thu trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính. Bệnh viện có giải pháp gì để hài hòa giữa quyền lợi người bệnh và tự chủ tài chính”.
Thông tin tới bạn đọc về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Tập, Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp cho biết: Thực trạng quá tải, người bệnh nằm ngoài hành lang ở thời điểm hiện tại thấp hơn nhiều so với thời điểm năm 2017. Nguyên nhân chính gây quá tải do diễn biến phức tạp của mô hình bệnh tật. Tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh, các bệnh phải điều trị kéo dài. Cơ sở hạ tầng bệnh viện còn chưa đồng bộ, một số khoa, phòng, trung tâm xuống cấp; diện tích sàn/giường bệnh thấp chưa chưa đáp ứng được nhu cầu…
Nhằm khắc phục khó khăn trên, bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng các dịch vụ kỹ thuật cao nhằm rút ngắn ngày điều trị trung bình; tăng cường điều trị ngoại trú, nhất là đối với những bệnh mãn tính, chỉ định nhập viện hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp các khối nhà điều trị đưa thêm buồng bệnh vào sử dụng. Bệnh viện xây dựng và đưa khối nhà khám bệnh đa khoa vào sử dụng; cải tạo lại khối nhà khám bệnh yêu cầu, khối nhà nội khoa, khối nhà ngoại khoa, khối nhà Trung tâm Ung bướu… Tổ chức lại không gian tại các khoa điều trị; kê thêm 450 giường bệnh phục vụ người bệnh (không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép).
Việc mở các khoa, phòng dịch vụ, kê thêm giường bệnh để tăng thêm nguồn thu trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, bệnh viện sẽ chú trọng điều chỉnh để hài hòa giữa quyền lợi người bệnh và tự chủ tài chính. Theo đó, việc thực hiện thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật; các khoa, phòng yêu cầu được triển khai trên cơ sở xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp các không gian, bộ phận hành chính của cán bộ viên chức bệnh viện. Phần kinh phí cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị các phòng yêu cầu từ vốn vay ngân hàng và cán bộ viên chức bệnh viện; kinh phí thu từ các nguồn giường bệnh theo yêu cầu chủ yếu đầu tư cho phát triển bệnh viện (trên 50%).
Kiểm soát chặt chẽ chỉ định dịch vụ kỹ thuật
Bạn đọc của Báo Hải Phòng vừa gửi câu hỏi tới tọa đàm từ địa chỉ bandochaiphong1234@gmail.com như sau: “ Người dân lo ngại, khi tự chủ tài chính sẽ xuất hiện hiện tượng như bệnh viện tìm mọi cách thu thêm của người bệnh để tăng nguồn thu, tăng lợi nhuận. Vậy việc quản lý sẽ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?”
Bà Phùng Kim Quế, Trưởng Phòng Giám định (Bảo hiểm xã hội thành phố) cho biết: Từ năm 2017, chính phủ giao dự toán cho các địa phương căn cứ vào dự tính số chi của các cơ sở khám chữa bệnh, số thu bảo hiểm y tế. Nhằm cân đối thu chi, thực hiện dự toán của chính phủ giao một cách phù hợp, Sở Y tế thành phố cần sự phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố phát triển người tham gia bảo hiểm y tế, tăng nguồn quỹ. Đồng thời, về phía cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế kiểm soát chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật, thuốc, xét nghiệm, vật tư y tế, kéo dài ngày điều trị; các cơ sở y tế coi trọng công tác phân tích số liệu, báo cáo kịp thời phân tích, chỉ ra nguyên nhân vượt quỹ, vượt trần.
Về phía ngành tế, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tuân thủ đúng phác đồ điều trị, thường xuyên kiểm tra giám sát đó là trách nhiệm của các nhân viên y tế, lãnh đạo bệnh viện và cơ quan quản lý ngành. Hiện, Sở Y tế xây dựng kho dữ liệu phác đồ điều trị của riêng ngành y tế Hải Phòng và đây là căn cứ để giám sát, kiểm tra việc các bác sĩ, bệnh viện có tuân thủ đúng phác đồ điều trị hay không, nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị thì không được phép thu thêm của người bệnh do lạm dụng xét nghiệm, chỉ định thuốc đắt tiền…;.tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sai sót chuyên môn…
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Phóng viên Thùy Linh (Báo Hải Phòng) hỏi: “Được biết, tự chủ bệnh viện muốn bền vững thì chất lượng nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Đề nghị đồng chí cho biết hiện nay, bức tranh về nguồn nhân lực của ngành Y tế Hải Phòng, trong đó chất lượng nhân lực về việc quản lý bệnh viện, chất lượng nhân lực về chuyên môn? Ngành Y tế có giải pháp gì để nâng cao chất lượng những nguồn nhân lực trên?”
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế Lê Huy Hoàng trả lời: Năm 2017, được sự quan tâm của thành phố, bảo đảm mức lương tối thiểu theo Thông tư liên tịch số 08; đội ngũ nhân lực nguồn y tế đáp ứng nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt chăm sóc người bệnh. Với việc tự chủ tài chính trao cơ hội để các bệnh viện chủ động tuyển dụng nhân lực, đưa ra chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao trở lại làm việc tại bệnh viện. Từ năm 2017-2018, nhiều cơ chế chính sách mở ra được sự ủng hộ của người dân. Hiện nay, đội ngũ nhân lực về quản lý bệnh viện đều có trình độ trên đại học; chủ yếu là chuyên khoa 2 và thạc sĩ. Năm 2017, ngành y tế chủ động xây dựng tiêu chuẩn cán bộ ở diện Ban cán sự Đảng quản lý. Các cán bộ quản lý bệnh viện đều trưởng thành từ cơ sở, được lựa chọn kỹ, giàu kinh nghiệm. Ngoài chuyên môn còn được đào tạo nhiệm vụ quản lý. Về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành y tế tập trung kiện toàn hệ thống lãnh đạo quản lý đủ tâm, tầm, tài. Xây dựng quy chế làm việc theo quy định, phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Phối hợp tốt giữa các khâu; tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức về thực hiện quy tắc ứng xử trong bệnh viện. Chú trọng đào tạo cán bộ thực sự có chất lượng. Rà soát, bổ sung kịp thời các vị trí về hưởng chế độ.
Hướng tới mục tiêu thêm nhiều người hưởng lợi từ tự chủ tài chính bệnh viện công
Kết thúc tọa đàm, nhà báo Lê Trọng Nghĩa, Tổng biên tập Báo Hải Phòng cho biết, sau gần 3 giờ, tọa đàm trực tuyến “Tự chủ tài chính tại các bệnh viện công để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” nhận được nhiều câu hỏi và quan tâm của bạn đọc gửi đến.
15 câu hỏi được chọn lọc, gửi tới các đồng chí chủ trì tọa đàm và lãnh đạo các bệnh viện liên quan trực tiếp trả lời. Nội dung các câu hỏi tập trung quanh việc thực hiện tự chủ tài chính tại các bệnh viện công trên địa bàn thành phố, trong đó có 5 bệnh viện thực hiện thí điểm đạt được những kết quả bước đầu. Những vấn đề về viện phí, chất lượng dịch vụ, khó khăn của các bệnh viện khi triển khai tự chủ được bạn đọc Báo Hải Phòng nêu ra. Đặc biệt, một số bạn đọc quan tâm tới công tác tuyên truyền có tác động tới chất lượng thực hiện tự chủ tài chính tại các bệnh viện công. Trả lời những câu hỏi này, lãnh đạo Sở Y tế, các bệnh viện thực hiện tự chủ và Báo Hải Phòng cùng đưa ra thực tế và đề xuất giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ việc tự chủ tài chính tại các bệnh viện công trên địa bàn thành phố.
Riêng với Báo Hải Phòng, Báo sẽ tiếp tục tăng cường nội dung tuyên truyền về tự chủ tài chính bệnh viện công cũng như các chuyên trang sức khỏe, y tế, bảo vệ quyền lợi người bệnh trên các ấn phẩm Báo Hải Phòng, góp phần tác động tới chất lượng khám, chữa bệnh nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố. Mục tiêu chính là sẽ có thêm nhiều người được hưởng lợi từ thực hiện tự chủ tài chính tại các bệnh viện công. Và báo chí, trong đó có Báo Hải Phòng sẽ góp phần tích cực từ công tác tuyên truyền trong lĩnh vực y tế, sức khỏe trên địa bàn thành phố.
Báo Hải Phòng 07/09/2018
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More