Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng và GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì Tọa đàm. Dự Tọa đàm về phía thành phố có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy nêu rõ: Hải Phòng với vị trí có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước và những tiềm năng, lợi thế về biển, thành phố Hải Phòng được Bộ Chính trị xác định là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng trong chiến lược “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU, ngày 21/11/2014 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phổ biến, quán triệt đến các cấp ủy Đảng nắm vững nguyên tắc, quan điểm cơ bản và triển khai bằng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng Hệ thống chính trị vững mạnh, tạo nền tảng chính trị, tinh thần vững chắc. Phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố vững chắc.
Trong những năm qua, Đảng bộ thành phố luôn coi trọng và làm tốt công tác quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông trong đó nhiều lĩnh vực, dự án có tính lưỡng dụng cao, vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, bảo đảm có thể chuyển sang động viên khi tình huống xảy ra. Công tác xây dựng lực lượng trong khu vực phòng thủ được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức thường xuyên quan tâm. Cùng với đó, thành phố cũng dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cải tạo và xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ thành phố.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tham luận về kinh nghiệm triển khai Nghị quyết trong 10 năm qua, những bài học thành công trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế biển tại thành phố Hải Phòng, đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng và kinh tế gắn với kinh tế biển nói chung trong bối cảnh hiện nay. Đánh giá thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình thành phố kết hợp giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trên biển, đảo, vùng bờ và đại dương theo luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, giai đoạn 2013-2021.
Các đại biểu cũng trao đổi nhiều ý kiến, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc để Hội đồng Lý luận Trung ương có thêm cơ sở thực tiễn, trên cơ sở đó đánh giá toàn diện thực trạng và đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi trong những năm tới.
Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động sâu sắc so với 10 năm trước đây, đặt ra những yêu cầu về tư duy, nhiệm vụ mới trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Hải Phòng là thành phố cảng, cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc, một trong 28 địa phương ven biển của Việt Nam, có vị thế địa chính trị, chiến lược, kinh tế, quốc phòng và an ninh đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Hải Phòng luôn nổi bật với tiềm năng và lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố, Hải Phòng cũng luôn đứng trước yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, đối ngoại, tạo môi trường ổn định cho việc phát triển nhanh, bền vững của thành phố, góp phần xây dựng Hải Phòng thành pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng-an ninh và là trụ cột phát triển quốc phòng an ninh trong cả nước. Do đó, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã quyết định chọn Hải Phòng là một trong các mô hình điển hình để nghiên cứu, tổng kết thực tiễn phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.
Hội đồng Lý luận Trung ương ghi nhận các ý kiến của thành phố, đây là những ý kiến quan trọng giúp Hội đồng có tư liệu sát thực tế để tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, chuẩn bị tổng kết và ra nghị quyết sắp tới.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy trân trọng cảm ơn Hội đồng Lý luận Trung ương đã lựa chọn thành phố Hải Phòng để khảo sát thực tế và tổ chức Tọa đàm phục vụ tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và hy vọng qua Tọa đàm, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, giúp cho việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt hơn.
Hoàng Tùng. Ảnh: Đàm Thanh
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More