Ngày 14/12/2023, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4322 về việc xếp hạng Di tích lịch sử đối với Đình Từ Vũ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân.
Theo đó, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố Đình Từ Vũ; dâng hương Kỷ niệm 699 năm Ngày hóa thân của Điện tiền đô chỉ huy sứ, kiêm Chưởng cấm binh Vũ Chí Thắng thành hoàng làng vào ngày 26-27/2/2024 (tức ngày 17 và 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Đình Từ Vũ (số 65 đường Hồ Sen, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân).
Đình Từ Vũ tôn thờ Bản thể Thành hoàng của làng Hàng Kênh là Vũ Chí Thắng. Thần tích về Ngài Vũ Chí Thắng được tóm lược như sau: Vũ Chí Thắng còn gọi là Vũ Vạn Thắng, ông sinh năm sinh năm 1253, mất năm 1325. Ông sinh ra và lớn lên tại thôn Nam, làng Hàng Kênh, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay là phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Thuở nhỏ Vũ Chí Thắng nổi tiếng khôi ngô, tuấn tú, khẳng khái khác thường. Ông là người có chí lớn, ham mê đọc sách, học tập binh pháp. Ông lại có sức khỏe hơn người nên tinh thông cả văn chương lẫn võ nghệ. Ông thường đi khắp nơi trên đất nước vẽ bản đồ, ghi đủ tên núi, tên sông, chú thích cả đường thủy, đường bộ, đường cái, tắt trên bản đồ rồi treo trên tường để hàng ngày nghiên cứu, ghi nhớ.
Năm Thiệu Bảo thứ tư (1282), nghe tin quân Nguyên rục rịch sang xâm lược nước là lần thứ hai, ông bàn với các bạn cùng chí hướng ra gánh việc đời, gìn giữ đất nước: “Lúc này há chẳng phải lúc chúng ta diệt thủ, cứu nước sao?”.
Khi ấy, Trần Quốc Tuấn, Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội, ban hịch chiêu mộ nhân tài giúp nước Vũ Chí Thắng đến ra mắt Hưng Đạo Vương dâng kế phá giặc, được Vương tin dùng. Ông được làm việc bên cạnh Hưng Đạo Vương. Mỗi khi bàn việc quân, ông đều tham gia ý kiến hay, được Hưng Đạo Vương khen ngợi. Vương tiến cử vua Trần, vua hài lòng và phong cho ông chức Chỉ huy sứ, ủy thác cho ông chăm nom, bố trí doanh trại, đồn lũy, trấn giữ vùng ven biển Hải Đông.
Đầu năm 1285, quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ 2, Vũ Chí Thắng trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều trận đánh lớn. Có một lần ông cho quân đóng giả quân Nguyên, ban đêm trà trộn vào trại giặc rồi đốt lớn làm hiệu trong đánh ra, ngoài đánh vào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Vũ Chí Thắng là tướng quân vừa có tài, vừa có đức. Lúc làm việc nơi màn trướng, ông là người tham mưu giỏi. Khi ra trận ông luôn đứng hàng đầu, chiến đấu mưu trí và anh dũng. Ông tham gia nhiều trận phục kích tiêu diệt nhiều quân địch. Vũ Chí Thắng còn lập công lớn trong các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, Vạn Kiếp.
Đầu năm 1288, quân Nguyên lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ ba. Vũ Chí Thắng đã có những dự đoán tài tình về việc di chuyển quân của địch. Ông hiến kế chặn giặc trên sông Giá buộc Ô Mã Nhi phải cho thuyền xuôi dòng Bạch Đằng lọt vào trận địa cọc và mai phục của quân ta. Ô Mã Nhi cùng đội quân xâm lược bị tiêu diệt hoàn toàn. Đất nước thanh bình, ông được vua khen thưởng và phong chức Điện tiền chỉ huy sứ kiêm Chưởng cấm binh và được tham dự triều chính.
Khi tuổi cao về hưu trí nơi quê nhà, ông đã bỏ tiền của để tập hợp, tổ chức lưu dân các nơi đến mở mang, khai khẩn điền địa giúp cho người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc. Ngày 18 tháng Giêng năm 1325, ông mất, hưởng thọ 72 tuổi.
Khi qua đời, ông đã hiển thánh trong lòng nhân dân, được người dân lập đền thờ, suy tôn làm Phúc thần của làng. Trong đạo sắc phong của vua Duy Tân năm thứ ba (1909) có đoạn ghi: “Sắc chỉ cho xã Hàng Kênh, huyện Hải An, tỉnh Hải Phòng… Trước đây đã ban cho Vũ Công, chức Chỉ huy sứ là bậc thần, trải qua các tiết lễ đều có sắc phong ban để phụng thờ…“.
Hoàng Tùng