Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vai trò trung tâm kinh tế – xã hội lớn của Hải Phòng đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định. Tuy vậy, để chỉ đạo, điều hành hoạt động của một đô thị lớn, mô hình quản lý hiện nay chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của thành phố trong giai đoạn mới…
Kỳ 1: Yêu cầu cần thiết, cấp bách
Thực tiễn đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong các cấp chính quyền thành phố, để nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện tại chưa phù hợp
Đánh giá cao những quyết tâm, nỗ lực, những thành tựu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45, song Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cũng thẳng thắn nêu rõ: Trong quá trình phát triển, Hải Phòng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình; định hướng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, vai trò động lực phát triển vùng Bắc bộ và cả nước chưa thực sự rõ nét. Một trong những nguyên nhân là việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền của thành phố hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị loại 1, việc phân cấp, phân quyền chưa thực sự mạnh mẽ.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Đặc điểm, tính chất tập trung, thống nhất cao của đô thị về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, về không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, cũng như về các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống dân cư đô thị… đòi hỏi mỗi đô thị phải được quản lý thống nhất theo quy hoạch phát triển chung của toàn đô thị mà không bị giới hạn bởi ranh giới địa lý và không gian của từng đơn vị hành chính nội bộ (quận, phường). Như vậy, đối với các khu vực nội thành, nội thị, việc quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền thành phố về các lĩnh vực chủ yếu như quy hoạch, đầu tư, ngân sách, tổ chức, cán bộ, quản lý kết cấu hạ tầng đô thị… mới phù hợp với đặc điểm tính chất của quản lý nhà nước ở đô thị. Hiện nay, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND quận, phường còn có những việc không phải đích thực là của chính quyền ở khu vực đô thị hoặc những việc không thể thực hiện được (như vấn đề về quy hoạch, đầu tư, tài chính – ngân sách, quản lý, chỉnh trang đô thị…). Điều đó lý giải vì sao HĐND cấp dưới không thể quyết định được những vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng của địa phương, mà chủ yếu phải do HĐND thành phố quyết định, dẫn tới tính linh hoạt, chủ động có lúc chưa cao, chậm trễ trong triển khai các dự án phát triển. Mặt khác, đặc điểm của dân cư đô thị đòi hỏi nhu cầu về dân chủ trực tiếp cao hơn nhiều so với dân cư vùng nông thôn, không nhất thiết phải có nhiều cơ quan đại diện của người dân (HĐND) ở các cấp hành chính khác nhau trong một đô thị.
Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền của thành phố chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị. Hiện nay, việc phân cấp quản lý giữa chính quyền thành phố với chính quyền các quận, huyện, cũng như giữa các quận, huyện với xã, phường, thị trấn về cơ bản giống nhau, trong khi đặc điểm, tính chất của mỗi loại hình đơn vị hành chính này có sự khác nhau nhất định. Sự không phù hợp về phân cấp quản lý này gây ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền quận, cũng như cả với các sở, ngành và UBND thành phố; mặt khác làm phá vỡ tính chỉnh thể thống nhất về không gian đô thị. Do đó, để khắc phục những hạn chế, để tập trung, huy động tối đa nguồn lực, đáp ứng yêu cầu quản lý đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả cao, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.
Ngày 13-9-2024, Bộ Chính trị họp cho ý kiến Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị khóa 12 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định việc thực hiện nhiệm vụ phát triển thành phố Hải Phòng theo mục tiêu được đề ra là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng. Để phục vụ nhiệm vụ này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu cần nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội mang tính đột phá phù hợp với thực tiễn phát triển của Hải Phòng, trong đó có tổ chức bộ máy.
Rõ định hướng, đầy đủ cơ sở
Việc đề xuất tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng không chỉ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố trong thời gian tới, mà còn là cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.
Theo đó, Nghị quyết xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Hải Phòng xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 108/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ mục tiêu, yêu cầu: “Giai đoạn từ nay đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại 1… Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh”.
Đồng thời, năm 2019, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “Chính quyền địa phương ở quận là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương” và “Chính quyền địa phương ở phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương”. Do đó, việc đề xuất thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội ban hành các luật, nghị quyết để thực hiện chính thức, đạt những kết quả tích cực. Như vậy, việc tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng rõ định hướng, đầy đủ cơ sở về pháp lý và thực tiễn.
Kỳ 2: Hướng tới tinh gọn, phát huy cao tính tự chủ
NHÓM PHÓNG VIÊN