Print Thứ Năm, 19/12/2019 11:25 Gốc

Kiểm soát nguồn thải được coi là biện pháp quan trọng bảo vệ, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước. Nhưng giải pháp này thực hiện chưa hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn khoảng 50% số cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ xả thải không phép.

Hơn 50% số cơ sở sản xuất xả thải không phép

Thời gian qua, việc thực hiện công tác cấp phép xả nước thải vào nguồn nước được Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT), Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn quan tâm, song quá trình thực hiện hạn chế nên chưa đem lại hiệu quả cao trước yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, quản lý nguồn thải, kiểm soát ô nhiễm. Theo quy định, trên địa bàn thành phố có hơn 800 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc diện phải xin cấp giấy phép mới được xả thải, nhưng chỉ gần 400 cơ sở có giấy phép xả thải.

Tình trạng xả nước thải nhưng không xin phép diễn ra khá phổ biến, trong nhiều năm. Theo tổng hợp, điều tra của Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TNMT) đối với 32 cơ sở sản xuất phân tán, có hệ thống nước thải đổ ra sông Cấm, sông Lạch Tray trên địa bàn thành phố mới đây cho kết quả đáng lo ngại. Đó là, cả 32 cơ sở trên đều chưa có giấy phép xả thải và xả nước thải trực tiếp, không qua xử lý ra sông, qua hệ thống kênh, mương, hệ thống thoát nước chung. Ngoài cơ sở sản xuất quy mô lớn, trên hệ thống sông của thành phố còn rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề đưa thẳng nước thải ra sông. Trên sông Đa Độ, có khoảng 120 cơ sở công nghiệp, khoảng 50 làng nghề (nấu rượu, nuôi lợn, chế biến rác thải, chế biến lương thực, thực phẩm) không được thu gom, xử lý, chủ yếu đổ thẳng ra lòng sông.

Nhà máy xử lý nước thải của KCN Đình Vũ.

Sở TNMT phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành liên quan đã, đang thực hiện nhiều giải pháp. Từ năm 2016 đến nay, hằng năm, Sở TNMT tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, lập danh sách và đánh giá, phân loại đối tượng phải xin giấy phép xả nước thải; phối hợp với các quận, huyện, cảnh sát môi trường phối hợp kiểm tra, giải quyết các trọng điểm xả thải gây ô nhiễm. Nhưng số lượng cơ sở phát triển nhanh, lực lượng quản lý có hạn, chưa giám sát, kiểm soát kịp thời. Có doanh nghiệp hoạt động 3-4 năm, chưa có đủ hồ sơ môi trường theo quy định, chưa có giấy phép xả thải, nhưng chưa từng bị thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không chủ động lập hồ sơ giấy phép xin xả thải vào nguồn nước. Bởi để được cấp giấy phép xả thải, doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rồi chi phí vận hành hệ thống xử lý. Điều đó kéo chi phí đầu tư, chi phí sản xuất của doanh nghiệp gia tăng. Ngoài ra, chất lượng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu quy định nên không thể được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trong 9 tháng của năm 2019, Sở TNMT tiếp nhận mới 47 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước, trong đó 9 hồ sơ bị trả lại do không đủ điều kiện.

Phối hợp chặt chẽ, làm quyết liệt hơn

Trưởng Phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên – Môi trường – TNMT) Phạm Thanh Hải cho biết: Cấp phép xả nước thải vào nguồn nước là biện pháp quan trong để quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Bởi việc cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quy định trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân được cấp phép phải bảo đảm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định mới được phép xả vào nguồn nước. Bằng cách đó, cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, ngăn chặn việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, hạn chế nạn ô nhiễm nguồn nước.

Thực tế trên cho thấy, cần có những biện pháp đủ mạnh trong cấp phép xả nước thải vào nguồn nước. Sở TNMT cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về tài nguyên nước, môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ buộc ngừng hoạt động với doanh nghiệp không có giấy phép xả nước thải.

Mới đây, UBND thành phố có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương và Công an thành phố về các biện pháp bảo đảm an toàn nguồn nước. Văn bản nêu rõ, Sở TNMT triển khai dự án xác định phạm vi bảo vệ nguồn nước, kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm. Lực lượng công an thành phố tăng cường công tác nắm tình hình chủ động phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các ý đồ, hành động xâm hại nguồn nước. Bên cạnh đó, thành phố xem xét giải pháp công bố công khai các cơ sở xả thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với những giải pháp chặt chẽ, mạnh mẽ mới khiến cơ sở sản xuất nghiêm túc trong việc cấp phép xả thải vào nguồn nước.

Bài: Nguyên Mai – Ảnh: Duy Thính

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tình trạng xả thải không phép chưa được ngăn chặn: Cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt hơn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác