Print Chủ Nhật, 27/01/2019 00:23

Hiện nay, lực lượng lao động nông thôn trong độ tuổi thanh niên, trung niên hầu hết đều đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp dẫn đến thiếu lao động nông nghiệp, nhiều gia đình bỏ ruộng gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Về làng chỉ gặp người già, con trẻ

Đó là thực trạng chung tại nhiều huyện ngoại thành, nhất là những huyện có các khu công nghiệp lớn như An Dương, An Lão, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo…. Hầu hết người lao động khỏe mạnh đều đi làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Các “ông già bà cả” ngoài 60 tuổi trở thành “trụ cột chính” trong các gia đình nông nghiệp, đảm nhận việc sản xuất. Nhà bà Nguyễn Thị Kim, xã Trường Thành (huyện An Lão) có hơn 6 sào ruộng là tiêu chuẩn được chia cho 4 người vào những năm 1990. Nay các con đã trưởng thành có công việc, gia đình riêng, không ai làm nông nghiệp, ông bà đều ngoài 70 tuổi không còn sức để cấy cày nên chỉ giữ lại mảnh đất gần 1 sào ở cánh đồng gần nhà thuận tiện về nước để cấy 2 vụ lúa mỗi năm. Hơn 5 sào còn lại, ông bà tiếc đất bỏ hoang “nói khéo” với vợ chồng người hàng xóm cho cấy nhưng cũng chỉ được vài vụ thì người hàng xóm trả lại “vì không có người làm”. Chi phí thuê mượn người cấy cày, thu hoạch đắt hơn đi mua thóc nên ông bà đành bỏ ruộng hoang. Ở xã Trường Thành, trường hợp bỏ ruộng như ông bà Kim không ít, toàn xã hiện có 40 ha đất nông nghiệp người dân bỏ không cấy, trồng.

Cần khuyến khích lao động nông nghiệp nhiều tuổi còn bám đất, bám ruộng sản xuất.

Trong ảnh: Chăm sóc rau màu tại huyện Kiến Thụy. Ảnh: Trung Kiên

 

Theo Bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo Phạm Quốc Ka, tình trạng nông dân bỏ ruộng đã đến mức đáng lo ngại. Hiện một số huyện có “truyền thống” sản xuất nông nghiệp như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão… nhưng diện tích bỏ hoang có xu hướng ngày càng gia tăng. Riêng huyện An Lão, năm 2018 có 485 ha ruộng nông dân bỏ hoang. Có 16/17 xã, thị trấn có nông dân bỏ ruộng. Trong đó một số xã có diện tích bỏ hoang nhiều như xã An Tiến 76 ha; Tân Dân 70 ha; An Thọ 66 ha; Trường Thọ 62 ha. Huyện An Dương cũng có 522 ha đất nông dân bỏ không canh tác. Trên toàn thành phố năm 2016, có 2.070 ha (hai vụ) bỏ hoang, chiếm 2,03% diện tích đất nông nghiệp. Năm 2017, con số diện tích bỏ hoang là 2265 ha,  tăng 195 ha. Dự báo diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

“Trung niên 40-50 tuổi còn đi làm công ty thì lấy đâu ra lao động mà sản xuất”, bà Kim cho hay. Bên cạnh đó còn nguyên nhân thu nhập từ sản xuất nông nghiệp quá thấp. Người nông dân  sau khi trừ chi phí máy cày đất, thuê người cấy, thu hoạch rồi phân bón, thuốc trừ sâu… phần còn lại không được bao nhiêu, năm được mùa cũng chưa bằng nửa tháng lương đi làm công nhân nên người dân không thiết tha với đồng  ruộng. “Bây giờ hầu như nhà nào cũng có người đi làm công nhân, thậm chí thuê được người cấy gặt đúng vụ còn khó khăn. Gần chục năm nay người dân quê tôi gần như không còn nhà nào trồng rau màu vụ đông nữa”, bà Kim buồn bã. Tình trạng thiếu lao động nông nghiệp nếu không có phương án “ứng phó” sớm có thể một số vùng diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang sẽ tăng nhanh hơn dự báo.

Khuyến khích lao động bám ruộng

Xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa là tất yếu và sẽ còn diễn ra tại nhiều khu vực ngoại thành trong thời gian tới. Trước thực trạng thiếu lao động sản xuất nông nghiệp, thành phố, các địa phương sớm có giải pháp tránh lãng phí tài nguyên đất đai. Về tổng thể, UBND thành phố đang chỉ đạo ngành nông nghiệp và các huyện nghiên cứu theo hướng dồn đổi diện tích đất của các hộ dân không có nhu cầu sản xuất vào khu vực có quy hoạch để phát triển tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có thể đền bù người dân bỏ ruộng và giao đất cho doanh nghiệp để phát triển công nghiệp hoặc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo Phạm Quốc Ka đề xuất, nên tạo điều kiện tốt nhất để người dân mạnh dạn tích tụ đất với diện tích lớn để tiện đầu tư. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tập trung, nuôi trồng thủy sản, phát triển trồng cây, con có chất lượng cho giá trị kinh tế cao. Có thể dồn đổi ruộng đất, quy hoạch diện tích đất bỏ hoang thành vùng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp. Hiện nay mô hình hợp tác xã nông nghiệp xã Tân Tiến (huyện An Dương) tập trung diện tích đất bỏ hoang của nông dân, tổ chức lao động nông nghiệp còn gắn bó với nghề để trồng đậu tương xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.

Về lực lượng lao động, cũng cần khuyến khích những lao động bám đất, bám ruộng bằng những chính sách ưu đãi về nông nghiệp như đầu tư hỗ trợ, cải tạo hệ thống thủy lợi (bị phá vỡ do làm đường giao thông, khu công nghiệp); hỗ trợ giống vốn, cây, con chất lượng, làm đường giao thông nội đồng, tìm đầu ra bao tiêu cho sản phẩm nông nghiệp. Với những lao động nông nghiệp, nên linh hoạt trong việc tập huấn, đào tạo, dạy nghề với những người trên 60 tuổi nhưng còn sức khỏe, còn trực tiếp sản xuất. Các địa phương thành lập tổ sản xuất cơ giới hóa đưa máy móc vào đồng ruộng để giảm sức người, giảm chi phí nhân công.  Quan trọng nhất phải khuyến khích lực lượng còn làm nông nghiệp yêu đất, gắn bó với ruộng đồng để tìm cách sử dụng tài nguyên đất tốt nhất mà không để hoang hóa, lãng phí.


Huyền Chi – Báo Hải Phòng 17/12/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tình trạng thiếu lao động nông nghiệp:  Tài nguyên đất đai lãng phí càng tăng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác