Thành phố đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng mọc lên khiến lượng rác thải xây dựng tăng đột biến. Rác thải xây dựng bị đổ bừa bãi, tràn lan gây bức xúc trong nhân dân, trong khi việc xử lý tình trạng này vừa khó, vừa thiếu chế tài, chưa được ngăn chặn.
Công nhân Công ty Môi trường đô thị dọn rác thải xây dựng tại khu ngã 3 hồ Ông Báo và hồ Lâm Tường.
Thả sức đổ trộm rác thải
Hồ Ông Báo và hồ Lâm Tường trên địa bàn phường Hồ Nam và phường Dư Hàng (quận Lê Chân) mới được thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp sạch đẹp. Tại ngã 3 khu vực giáp ranh giữa hai hồ, người xe đi lại, người dân tập thể dục, đi dạo tấp nập. Nơi đây có biển cấm đổ rác, nhưng ngay dưới tấm biển này, rác thải sinh hoạt lẫn rác thải xây dựng ngày nào cũng chất dài hàng chục mét. Vôi thầu, gạch vỡ đến đồ sành, sứ hỏng… được chủ phương tiện thuê chở đến đổ trộm tràn xuống lòng đường. Ông Hoàng Văn Vị, Phó giám đốc Xí nghiệp Môi trường Lê Chân (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng) cho biết, điểm đổ rác nơi đây phát sinh từ năm 2010 đến nay chưa được giải quyết triệt để. Xí nghiệp không có chức năng thu gom rác thải xây dựng, nhưng vẫn bố trí công nhân dọn 2 lần/tuần, mỗi lần huy động hàng chục công nhân, xe chuyên dùng dọn hàng giờ mới hết rác. Xí nghiệp cũng bố trí lực lượng canh chừng suốt 6 tháng liên tục, nhưng các đối tượng thường đổ trộm rác vào giờ nghỉ trưa, buổi tối hoặc đêm muộn. Ngày 19-3 vừa qua, Xí nghiệp tham mưu với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng bàn giao mặt bằng sạch khu vực trên cho UBND phường Dư Hàng quản lý, xử lý các hành vi đổ trộm vôi thầu gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng ở khu vực trên vẫn tái diễn. Chỉ một, hai ngày sau khu vực này lại đầy rác thải xây dựng.
Phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) đang trở thành điểm nóng, xuất hiện “bãi rác” thải xây dựng ở một số bãi đất trống, ít dân cư sinh sống, ngõ sâu trong các tổ dân phố. Đặc biệt, tại ngõ phụ số 4/81 phố An Đà, người dân khốn khổ vì rác thải xây dựng chất đống tràn ngập hai bên ngõ, có điểm rác chất cao từ 1 đến 2 m. Đây là khu có bãi đất trống rộng hàng nghìn m2 bỏ hoang, thưa thớt dân. Các đối tượng công khai chở rác thải xây dựng vào đổ tại đây. Bà Nguyễn Thị Mai (TDP An Đà Ngoại 1, phường Đằng Giang) bức xúc, bãi rác này tồn tại gần 3 năm với đủ loại rác. Nhiều tối, các đối tượng chở cao su, đệm mút đến bãi này đốt gây khói bụi, ô nhiễm khiến người dân, nhất là trẻ em thường xuyên bị bệnh hô hấp. Người dân khu này phải cắm biển “Nghiêm cấm đổ rác”, nhưng không có tác dụng. Rác tràn ngập ngõ, người dân góp kinh phí hơn 4 triệu đồng thuê dịch vụ xe xúc dồn rác sang hai bên ngõ để lấy lối đi. Đồng thời, mỗi tháng góp 3 triệu đồng thuê bảo vệ trông coi, không cho đối tượng vào đổ rác, nhưng không có hiệu quả. Các hộ dân nhiều lần kiến nghị UBND phường nhưng đến nay, bãi rác ở ngõ trên ngày càng cao lên, ô nhiễm hơn.
Chế tài chưa mạnh, quy trách nhiệm chưa rõ ràng
Thực trạng đổ rác thải xây dựng bừa bãi ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực đô thị đang trong tình trạng báo động. Mỗi ngày, hàng nghìn khối rác thải xây dựng bị đổ trộm ở các bãi đất trống trên địa bàn thành phố gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Vôi thầu, gạch vỡ, bê tông của những công trình cũ được chủ công trình hợp thuê người vận chuyển, đổ đi nơi khác. Tuy nhiên, số rác thải xây dựng đó đổ đi đâu thì không ai quan tâm. UBND các phường có trách nhiệm quản lý, xử lý tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng trên địa bàn. Nhưng chính quyền chưa vào cuộc quản lý, xử lý vi phạm khiến người dân ở các khu vực có bãi rác thải xây dựng rất bức xúc.
Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Lê Ngọc Biên, công ty không được giao thu gom rác xây dựng, nhưng vẫn tổ chức xử lý ở các điểm đổ lẫn rác thải sinh hoạt tại một số tuyến phố, khu công cộng. Tuy nhiên, còn nhiều bãi rác thải xây dựng chưa được thu gom, xử lý. Người dân phải đóng kinh phí dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt hằng tháng nhưng với rác thải xây dựng thì không ai trả tiền. Để giải quyết tình trạng ứ đọng, đổ trộm rác thải xây dựng bừa bãi như hiện nay, Sở Xây dựng cần có giải pháp tổng thể, trước hết là quy hoạch các điểm thu gom, biện pháp xử lý rác thải xây dựng. Trong quy trình cấp giấy phép xây dựng, cải tạo công trình, cần thêm quy định chủ công trình phải ký hợp đồng, đặt cọc kinh phí thu gom rác thải xây dựng với một đơn vị công ích như Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị. Trong quản lý, xử lý rác thải xây dựng cũng cần quy định rõ trách nhiệm cấp xã, phường, quận, huyện và trách nhiệm các cơ quan quản lý, tránh tình trạng nửa vời, không rõ ràng như hiện nay.
Phạm Văn Báo Hải Phòng 07/04/2018
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More