Print Thứ bảy, 26/01/2019 17:30

Theo quy định, dược sĩ đại học phải trực tiếp đứng bán thuốc chữa bệnh ở nhà thuốc mà mình đăng ký kinh doanh. Khi dược sĩ vắng mặt phải ủy quyền hoặc cử người được thay thế theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng dược sĩ vắng mặt ở nhà thuốc đang diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố.

 

Nhà thuốc vắng mặt dược sĩ diễn ra phổ biến trên địa bàn thành phố (ảnh chụp các nhà thuốc ở khu vực cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt -Tiệp).

 

Quá nửa nhà thuốc vắng mặt dược sĩ


“Chiều một ngày cuối tháng 7, khi tôi đến mua thuốc tại một nhà thuốc ở phố Hai Bà Trưng (quận Lê Chân) chỉ thấy toàn nhân viên còn rất trẻ đứng quầy bán thuốc. Nhà thuốc gần bệnh viện, nên người mua thuốc khá đông. Sau một lúc đợi, tôi đưa đơn thuốc để mua, một nhân viên trẻ lúng túng một lúc vì không luận được đơn thuốc phải nhờ nhân viên khác có kinh nghiệm hơn mới đọc rõ tên thuốc. Trường hợp của tôi không phải hi hữu, vì bạn bè của tôi đều cho biết họ thường gặp tình cảnh như vậy khi đến các nhà thuốc”. Đây là phản ánh của chị Nguyễn Thị Minh, phố Lê Lợi (quận Ngô Quyền) về việc mua thuốc không được người đại diện chuyên môn của nhà thuốc bán và hướng dẫn sử dụng thuốc. Để tiếp tục tìm hiểu về việc này, phóng viên Báo Hải Phòng trong vai người mua thuốc đến một số nhà thuốc trên phố Trần Quang Khải (quận Hồng Bàng) gần Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng nhận thấy có nhà thuốc có mặt người dại diện chuyên môn, có nhà thuốc vắng mặt dược sĩ.


Đây không còn là phản ánh của người dân, kết quả thanh tra của Sở Y tế trong tháng 5-6 vừa qua là minh chứng cho lỗi vi phạm vắng mặt dược sĩ tốt nghiệp trình độ đại học phổ biến tại các nhà thuốc hiện nay. Theo Sở Y tế, trong 22 nhà thuốc bị xử lý hành chính thì có quá nửa với 13 nhà thuốc vi phạm lỗi “Người quản lý chuyên môn vắng mặt, nhưng không thực hiện ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật”. Với lỗi vi phạm trên, mỗi nhà thuốc bị phạt 3 triệu đồng và đều phải tạm thời đóng cửa dừng bán thuốc do bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược của dược sĩ đại học trong thời hạn 1 tháng từ ngày 15-6 đến ngày 15-7-2018.


Theo quy định, kinh doanh dược nói chung, mở nhà thuốc bán lẻ thuốc chữa bệnh nói riêng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để mở nhà thuốc, người đứng ra xin phép phải có bằng dược sĩ đại học – là người phụ trách chuyên môn. Những người đứng ra bán thuốc tại nhà thuốc có thể là những người có bằng cao đẳng, trung cấp, sơ cấp dược. Song, dược sĩ phải có mặt tại nhà thuốc để trực tiếp bán thuốc hoặc giám sát việc bán thuốc. Vì vậy, việc dược sĩ vắng mặt khi nhà thuốc mở cửa sẽ gây thiệt thòi cho người bệnh vì không có dược sĩ tư vấn chuyên môn sử dụng thuốc, tương tác thuốc… khi nhà thuốc bán thuốc cho người bệnh. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chữa bệnh và sức khỏe của người bệnh, nếu việc bán thuốc không đúng liều, lượng.

Mức xử lý chưa đủ sức răn đe


Việc dược sĩ vắng mặt khi nhà thuốc đang hoạt động tiềm ẩn tình trạng một số người “thuê, mượn” bằng dược sĩ để mở nhà thuốc trên địa bàn thành phố. Chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đình Trình cho rằng, việc chứng minh nhà thuốc “thuê, mượn” bằng dược sĩ là vô cùng khó. Bởi, dược sĩ có quyền vắng mặt khi ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định. Nếu bị thanh tra thì họ viện cớ vắng mặt và chịu phạt là xong. Trong khi đó, mức phạt lỗi vi phạm này còn quá nhẹ, từ 3 đến 10 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời gian  từ 1 đến 3 tháng cũng chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra của ngành còn mỏng, mỗi năm chỉ kiểm tra hoạt động của các nhà thuốc được 1 lần.


Như vậy, mức phạt hiện nay đối với lỗi dược sĩ vắng mặt khi nhà thuốc mở cửa chỉ như “gãi ngứa” so với lợi nhuận của việc kinh doanh nhà thuốc. Luật sư Đào Văn Bẩy, Công ty TNHH MTV Thái Thành phân tích: Theo quy định, dược sĩ, kể cả người đang làm việc tại các cơ sở, đơn vị, được đứng tên mở nhà thuốc ở bất cứ đâu. Quy định này là kẽ hở, bất kỳ ai muốn mở nhà thuốc, nếu không phải là dược sĩ có thể “thuê, mượn” dược sĩ đứng tên “người quản lý chuyên môn về dược” trong hồ sơ để đáp ứng yêu cầu theo quy định. Còn lại việc trực tiếp đứng bán thuốc thì ai cũng có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, dược sĩ có quyền vắng mặt từ 3 đến 180 ngày sau khi ủy quyền hoặc cử người thay thế, đồng thời báo cáo và được sự chấp thuận của cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Quy định này tiếp tục gây khó khăn cho công tác quản lý kinh doanh các nhà thuốc. Để hạn chế lỗi vi phạm này, cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định mở nhà thuốc cho phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, tăng chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm, cần quy định rõ vi phạm bao nhiêu lần thì tước vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề dược.


Thiết nghĩ, nếu các nhà thuốc thường xuyên vắng mặt dược sĩ, việc bán thuốc giao lại cho những người không đủ trình độ chuyên môn hoặc bán thuốc tùy tiện, không theo đơn của bác sĩ kê sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, Sở Y tế tiếp tục tăng cường phối hợp với chính quyền các quận, huyện đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động của các nhà thuốc, triển khai cơ chế hậu kiểm, giao cho Hội Y dược học thành phố giám sát hoạt động nhà thuốc, khắc phục lực lượng quản lý kinh doanh dược còn mỏng như hiện nay. Mặt khác, ngành Y tế từng bước nâng cao công tác đào tạo đội ngũ dược sĩ làm việc tại quầy, hiệu thuốc, tức đẩy mặt bằng chung về trình độ từ dược sĩ trung học lên dược sĩ đại học. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng dược sĩ vắng mặt khi nhà thuốc đang mở cửa bán hàng. Từ đó, các nhà thuốc bảo đảm bán thuốc đúng liều, lượng, góp phần chữa bệnh cho người dân với chi phí thấp nhất, đạt hiệu quả cao nhất. 

Mạnh Quang – Báo Hải Phòng 26/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tình trạng nhà thuốc vắng mặt dược sĩ: Khi chế tài xử lý còn lỏng lẻo
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác