Không thể mãi đổ lỗi cho tình trạng phức tạp tại các vùng giáp ranh, thiếu phương tiện và nhân lực, không đủ thẩm quyền, chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan huyện Vĩnh Bảo cần thẳng thắn, xác định trách nhiệm, mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Luộc.
Kỳ cuối:
Không để “quả bóng trách nhiệm” bị đá qua, đẩy lại
Tàu hút cát qua lại trên sông Luộc.
Thiếu “rắn mặt” địa phương e ngại?
Đưa chúng tôi ra khu vực sạt lở do hoạt động khai thác cát trái phép, vị lãnh đạo một xã ở huyện Vĩnh Bảo ghé tai nói nhỏ: “Không “rắn mặt”, không làm gì được “bọn chúng” đâu. Thời gian tôi mới nhậm chức, các đối tượng khai thác cát trái phép nhắn tin, gọi điện thoại đề nghị “ủng hộ” cá nhân tôi cũng như một số lãnh đạo chủ chốt xã một khoản tiền. Khi bị từ chối, chúng quay sang đe dọa sẽ không để gia đình, vợ con tôi yên ổn. Tuy nhiên, khi tôi chỉ đạo anh em làm quyết liệt đến cùng, chúng cũng chỉ nhắn tin đe dọa”. Trên thực tế, các đối tượng “cát tặc” nhiều khi manh động chứ không chỉ “đe dọa suông”. Đầu năm 2013, khi lực lượng công an xã Thắng Thủy tổ chức bắt giữ tàu khai thác cát trái phép, công an viên Phạm Văn Nho bị hành hung. Vụ việc sau đó được bàn giao cho Công an huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) giải quyết. Tuy nhiên, các đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Trọng Nhưỡng cho biết, trước tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan, từ đầu năm 2018, UBND huyện chỉ đạo các lực lượng và cơ quan chức năng, cụ thể là Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện và các xã, phối hợp với Công an thành phố, liên tục tổ chức ra quân ngăn chặn. Theo Công an huyện Vĩnh Bảo, đến hết tháng 9-2018, huyện bắt giữ và xử lý quả tang 7 tàu khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, khi bị bắt quả tang, trên 7 tàu chỉ có 7-10 m3 cát. Theo quy định của pháp luật, không thể xử lý hình sự hay thu giữ phương tiện, mà chỉ xử phạt hành chính 4 triệu đồng/tàu. Số tiền chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát trái phép thu được. Việc không đủ căn cứ xử lý hình sự càng khiến các đối tượng “cát tặc” liều lĩnh, lộng hành hơn.
Ngoài khó khăn trong việc xử lý hình sự các đối tượng “cát tặc”, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo còn lúng túng trong việc xử lý các bãi tập kết vật liệu xây dựng tự phát. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại có hàng chục bãi bên bờ sông. Cả đầu vào lẫn đầu ra không được kiểm soát, quản lý, người kinh doanh các bãi vật liệu tự phát ngang nhiên tiêu thụ lượng cát khai thác trái phép. Ngoài ra, việc một số người dân tự ý cho tàu đi hút bùn cát hay mua của các đối tượng “cát tặc” để san lấp ao, vườn cũng không được theo dõi, quản lý chặt chẽ. Từ đó dấy lên thông tin, có sự “bảo kê” của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đối với hoạt động khai thác cát trái phép.
Phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị
Theo Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy Nguyễn Văn Cường, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, tháng 1-2018, Công an huyện Vĩnh Bảo phối hợp lực lượng công an, chính quyền địa phương các xã, trong đó có xã Thắng Thủy, thành lập các tổ công tác thường xuyên tuần tra, kiểm soát, mật phục vào ban đêm nhằm bắt quả tang các đối tượng khai thác cát trái phép trong gần 2 tháng. Nhờ vậy, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn giảm hẳn. Tuy nhiên, sau khi các tổ công tác rút đi, mọi chuyện lập tức “đâu vào đấy”. Đêm đêm, thậm chí có lúc cả ban ngày, trên sông Luộc lại vang lên tiếng máy tàu, tiếng máy hút cát. “Chính quyền, lực lượng công an xã, huyện còn rất nhiều việc phải giải quyết, không thể quanh năm suốt tháng canh “cát tặc” được. Hơn nữa, do không có phương tiện, lực lượng chức năng chủ yếu chỉ xua đuổi khi thấy tàu của “cát tặc”. Nếu thuê tàu, thuyền của ngư dân đuổi theo, khi đến nơi, các đối tượng đã cho tàu nhổ neo đi mất.
Theo giải thích của chính quyền địa phương, các cơ quan, lực lượng chức năng của huyện Vĩnh Bảo, ngoài khó khăn về con người và phương tiện, đoạn sông Luộc chảy qua địa bàn còn là nơi giáp ranh với huyện Tiên Lãng và huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương). Các đối tượng bị xua đuổi, truy quét ở địa bàn bàn này, chúng cho tàu nhổ neo chạy sang địa bàn khác, nên việc bắt giữ, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Bấy lâu nay diễn ra tình trạng mạnh địa phương nào, địa phương nấy làm, tạo kẽ hở cho “cát tặc” lộng hành.
Trước tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan trên sông Luộc, một vị lãnh đạo xã bức xúc: “Việc phối hợp các địa phương, huyện không làm được, đề xuất thành phố, thành phố không làm được, đề xuất trung ương. Các địa phương cần nhanh chóng xem xét cùng nhau tổ chức đội tuần tra, kiểm soát chung. Ngoài ra, kiên quyết đóng cửa các bãi tập kết vật liệu xây dựng tự phát, kiểm soát chặt các bãi có giấy phép kinh doanh, kết hợp quản lý, kiểm soát các tàu chở cát qua lại khu vực cùng với xử lý nghiêm các đối tượng “cát tặc”, nhất là xử lý hình sự nếu có đủ chứng cứ. Không thể cứ đá qua, đẩy lại “quả bóng trách nhiệm” và đổ lỗi cho nguyên nhân, điều kiện khách quan như hiện nay. Để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, phải xác định rõ ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm đến đâu và như thế nào. Có như vậy mới giải quyết tận gốc, triệt để tình trạng khai thác cát trái phép không những trên sông Luộc mà nhiều con sông khác trên địa bàn thành phố và cả nước”.
…………………
Xem từ số báo ra ngày 5-10-2018
Công Tráng – Báo Hải Phòng 08/10/2018
Ngày 9 và 10/01, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng (LGDVH) phối…
Sáng 13.1, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tiến hành…
Năm Ất Tỵ 2025 có đến hai tháng 6 và dài tổng cộng 384 ngày.…
Tháng 10/2024, Đội An ninh năng lượng, tài nguyên và môi trường thuộc Phòng An…
Trong tình hình giá bất động sản liên tục biến động, không ít người mua…
Sáng 12-1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) thành phố tổ chức hội nghị tổng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More