Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:06

Điều 3 của Quyết định số 2050 của UBND thành phố quy định không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ hoạt động bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố vẫn đang “học ngày cày đêm” tại các lớp dạy thêm trái quy định.

 

Thay đổi nhận thức từ cha mẹ là một trong những giải pháp hạn chế việc dạy thêm, học thêm bậc tiểu học. (ảnh minh họa) 

 

“Có cầu ắt có cung”


Chị Trần Thanh Mai (ở phường Quán Trữ, quận Kiến An) tá hỏa khi thấy cậu con trai đang học lớp 1 tiếp thu chậm so với các bạn. Chị cho biết, vì muốn con có nhiều thời gian vui chơi nên chị để cháu tự học ở nhà dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Nhưng với kết quả học “lẹt đẹt” như này, chị Mai lo lắng con không theo kịp các bạn, ảnh hưởng đến sức học khi lên lớp trên. Do đó, chị đang gấp rút tìm lớp cho con học thêm để “cứu vãn tình thế”.


Còn chị Nguyễn Thị Hương (ở phố Lán Bè, quận Lê Chân) ngay đầu năm học cho cô con gái đang học lớp 5 Trường tiểu học T.H.Đ học thêm tiếng Anh của thầy giáo công tác tại trường tiểu học thuộc quận Ngô Quyền. Mỗi tuần, cháu học từ 19 giờ 30 đến 21 giờ thứ 3, 5 và 7. Chị Hương lý giải: Kiến thức cuối cấp nhiều, cháu không thể tiếp thu ngay trên lớp, mà cha mẹ “mù tịt” ngoại ngữ nên không thể kèm cặp được con. Chị đành nhờ cậy các lớp học thêm dù mỗi tháng phải bỏ ra 1,8 triệu đồng, nhưng vẫn “cắn răng” vì lo cho tương lai của con.

 

Suy nghĩ của chị Mai, chị Hương cũng là tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ có con học tiểu học. Với tình trạng “có cầu ắt có cung” dẫn đến việc dạy thêm, học thêm bậc tiểu học trái phép ngày càng tràn lan. Theo Thanh tra Sở Giáo dục-Đào tạo, qua kiểm tra thực tế phát hiện không ít giáo viên tiểu học tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường dưới nhiều hình thức như: giáo viên trường này dạy thêm học sinh trường khác mà không phải học sinh của mình; thỏa thuận “ngầm” với phụ huynh nhận phụ đạo con em người thân tại nhà; thuê địa điểm dạy thêm tại các cơ sở giáo dục…, khiến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Phó trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngô Quyền Trần Thị Hồng Hiệp cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ công tác quản lý còn lỏng lẻo giữa chính quyền địa phương cũng như ngành Giáo dục-Đào tạo và các cơ sở giáo dục có giáo viên tổ chức dạy thêm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc dạy thêm, học thêm còn xuất phát từ sự “tiếp tay” của gia đình học sinh, mong muốn và tin tưởng vào sự tiến bộ của con em sau thời gian đi học thêm. Không ít bậc cha mẹ có tư tưởng ỷ lại và phó mặc việc học thêm của con em mình để giải quyết việc cá nhân. Do mải mê công việc cả ngày nên họ đưa con đến nhà thầy, cô không chỉ để học thêm, mà còn trông con giúp, thậm chí đua theo trào lưu thuê thầy, cô giỏi dạy thêm cho con em mà không biết học thêm để làm gì, học như thế nào cho hiệu quả.

 

Xử lý mạnh tay, không bao che, dung túng

Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Vũ Văn Trà thừa nhận, Ban quản lý dạy thêm, học thêm của các trường tiểu học chưa quản lý chặt chẽ giáo viên trường mình, thậm chí còn bao che, để giáo viên tự tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Không những vậy, một số giáo viên gợi ý, thậm chí ép buộc học sinh phải học thêm môn mình dạy dưới nhiều hình thức; nếu học sinh nào không học thêm sẽ nhận sự đối xử khác biệt. Cá biệt có thầy, cô trong buổi học thêm dạy kiến thức mới và đưa gần như 100% nội dung đó vào bài kiểm tra 15 phút, 45 phút hay kiểm tra học kỳ hoặc đầu giờ giao bài học sinh, rồi bỏ đi khỏi lớp đến cuối giờ quay về chữa bài.


Chủ tịch UBND phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền) Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, phường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân sinh sống trên địa bàn kịp thời phát hiện, tố giác việc tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định tại khu dân cư. Song đến nay, phường chưa nhận được bất cứ đơn kiến nghị nào từ phía người dân.

 

Để khắc phục hiện tình trạng này, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Lê Chân) Thái Thị Bích Vân cho rằng, Ban quản lý dạy thêm, học thêm cần tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, tuyệt đối không cho phép dạy thêm học thêm sau 19 giờ 30 và ngày cuối tuần. Nếu phát hiện vi phạm, tuyệt đối không bao che, dung túng và có hình thức xử phạt thích đáng. Như vậy, các em không phải căng mình học thêm như hiện nay, tránh gây ách tắc giao thông sau giờ học, hạn chế tai nạn giao thông và rủi ro trên đường đi học thêm.


Theo TS. Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Trưởng Khoa Tâm lý-Giáo dục học, Trường đại học Hải Phòng, bên cạnh việc siết chặt quản lý dạy thêm học thêm ngoài nhà trường, cần tăng cường tuyên truyền đến các bậc cha mẹ tác hại tiêu cực của học thêm đối với sự phát triển ở lứa tuổi tiểu học. Cha mẹ cần hiểu rằng, việc học thêm quá nhiều, không đúng cách khiến con em mình mất cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá thế giới chung quanh, không được tiếp xúc với các tầng lớp xã hội, không được vui chơi, giải trí khiến các em phát triển lệch lạc. Không phải đứa trẻ nào cũng học giỏi các môn văn hóa mà mỗi em lại có trí thông minh đối với một số lĩnh vực nhất định như ngôn ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, vận động, không gian… Vì vậy, thay vì dành thời gian học thêm, phụ huynh nên đăng ký cho con tham gia các lớp năng khiếu, rèn kỹ năng sống hoặc vui chơi đơn thuần để các em không đánh mất tuổi thơ.


NGUYÊN NGUYÊN – Báo Hải Phòng
 22/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tình trạng dạy thêm, học thêm bậc tiểu học: Thay đổi nhận thức từ cha mẹ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác