Print Chủ Nhật, 01/09/2019 09:58

Ngày Quốc khánh 2/9, hầu như ai cũng nhớ đến những câu thơ mô tả Lễ Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhưng ít người nhớ tên quảng trường này được đặt từ khi nào.

Từ đâu có tên Quảng trường Ba Đình?

Ba Đình là tên gọi của một cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do Đinh Công Tráng, Phạm Bành chỉ huy, với căn cứ nằm trọn ba làng là làng Mậu, làng Thượng và làng Mỹ Khê nằm trên địa bàn xã Ba Đình, gần huyện lỵ Nga Sơn, Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa diễn ra trong 2 năm 1886-1887, cho đến khi bị quân Pháp huy động lực lượng đàn áp.

Bác sĩ Trần Văn Lai.

Sau khi nghĩa quân rút lui, quân Pháp đã tàn ác xóa sổ hoàn toàn ba ngôi làng nằm trong căn cứ kháng chiến, nhưng cái tên Ba Đình vẫn còn mãi với phong trào Cần Vương, với lịch sử dân tộc.

Do đó, trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị, tên Ba Đình gần như không được nhắc tới nữa. Cái tên này chỉ được dùng để đặt cho quảng trường sau khi Hà Nội có một Thị trưởng người Việt Nam, đó là bác sĩ Trần Văn Lai.

Khu vực Quảng trường Ba Đình nằm ở phía Tây thành Thăng Long xưa. Năm 1894, sau khi kiểm soát được hoàn toàn Đông Dương, người Pháp đã cho phá dỡ tòa thành, chỉ giữ lại cửa Bắc. Ở góc Tây thành cổ, người Pháp xây dựng dinh Toàn quyền và công viên Bách Thảo.

Phía trước dinh Toàn quyền có một bùng binh hình tròn, nằm ngay trên vị trí mặt đường Hùng Vương hiện nay. Quanh bùng binh xây vườn hoa nhỏ, đặt tên là Vườn hoa Pugininer – tên vị linh mục có công với người Pháp trong công cuộc đánh thành Hà Nội.

Phía ngoài vườn hoa là quảng trường rộng lớn trồng cỏ, với diện tích gần tương tự như Quảng trường Ba Đình ngày nay. Cái tên Vườn hoa Ba Đình chỉ mới được đặt trong thời gian bác sĩ Trần Văn Lai giữ chức Thị trưởng Hà Nội (từ 21/7/1954-19/8/1945).

Ngày nay, nhiều thế hệ thanh niên đã lớn lên với câu thơ của Tố Hữu trong sách giáo khoa: “Hôm nay sáng mồng Hai tháng Chín/Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình”.

Vị thị trưởng duy nhất người Việt của Hà Nội trước cách mạng

Ngày 9/3/1943, Nhật đảo chính Pháp. Ngay sau đó, Vua Bảo Đại đề nghị quân đội Nhật công nhận nền độc lập của nước An Nam để triều đình Huế bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ của thực dân Pháp trước đó. Được sự đồng ý của quân Nhật, Vua Bảo Đại cho thành lập chính phủ do Giáo sư Trần Trọng Kim làm Thủ tướng, với nội các gồm nhiều vị trí thức uy tín và đổi tên chính thể thành Đế quốc Việt Nam.

Nhà vua cũng bổ nhiệm các vị khâm sai thay mặt triều đình giải quyết công việc tại Bắc Bộ (Phan Kế Toại – nguyên Tổng đốc Thái Bình) và Nam Bộ (Nguyễn Văn Sâm – một nhà báo và nhà chính trị nổi tiếng). Triều đình cũng bổ nhiệm Thị trưởng người Việt tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, trong đó, ở Hà Nội, người được lựa chọn là bác sĩ Trần Văn Lai.

Trước bác sĩ Lai, 49 vị Đốc lý Hà Nội từ khi thành phố được người Pháp quản lý năm 1885 theo thỏa thuận với triều đình Huế đều mang quốc tịch Pháp.

Bác sĩ Lai sinh năm 1894 trong một gia đình làm nghề khảm trai có tiếng ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường Y, ông công tác tại Nhà thương Phủ Doãn. Ở nhà riêng của ông trong ngõ Tức Mặc, gần ga Hàng Cỏ, ông cũng lập phòng khám riêng và thường khám, cho thuốc miễn phí cho người dân nghèo.

Là một người điềm đạm, nhân hậu, ông đã đảm nhiệm chức Phó Hội trưởng Hội Tế sinh do bà Cả Mọc thành lập. Do có uy tín trong quần chúng, năm 1938 ông được bầu vào Viện Dân biểu, nhưng ông đã từ chối làm việc vì nhận ra đây chỉ là nghị viện bù nhìn của họ.

Bác sĩ Lai là thành viên Đảng Xã hội Việt Nam và vì tham gia các hoạt động chống Pháp, ông từng bị người Pháp bắt giam cuối năm 1943 tại nhà tù Hỏa Lò, rồi đày lên nhà tù Sơn La, đến đầu năm 1945 mới được thả.

Giữa tháng 7/1945, triều đình Huế mời ông đảm nhiệm chức vụ Thị trưởng Hà Nội và đến ngày 21/7, ông chính thức nhận nhiệm sở, thay người tiền nhiệm là Maruyama. Lúc đó, bác sĩ Lai 51 tuổi.

Xóa bỏ các di sản của thực dân Pháp

Tượng Nữ thần Tự do mà nhân dân thường gọi là tượng “Bà đầm xòe” ở Vườn hoa Cửa Nam.
Tượng Jean Duquis.
Tượng viên toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert bên hông Tòa Thị chính (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ).
Bác sĩ Trần Văn Lai đã cho xóa bỏ hầu hết các tượng đài mang di sản thực dân như để khẳng định tinh thần dân tộc của mình. Trong ảnh là tượng Thống chế Ferdinand Foch.

Chỉ nắm chức Thị trưởng Hà Nội có vỏn vẹn một tháng, nhưng bác sĩ Lai đã làm được nhiều việc để lại danh tiếng mãi đến ngày nay. Đầu tiên, ông cho xóa bỏ hầu hết các tượng đài mang di sản thực dân như để khẳng định tinh thần dân tộc của mình, như tượng Nữ thần Tự do mà nhân dân thường gọi là tượng “Bà đầm xòe” ở Vườn hoa Cửa Nam (vì trên đầu tượng đội vương miện xòe ra xung quanh), tượng viên toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert bên hông Tòa Thị chính (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) với hình ảnh viên quan cai trị này đang giơ bàn tay lên đầu che chở cho một người dân An Nam ngước nhìn lên chịu ơn…

Một bức tượng khác bị tân Thị trưởng Hà Nội cho phá dỡ là tượng đài Tử sĩ ghi nhớ binh lính Pháp và thuộc địa tử trận trong Thế chiến thứ Nhất mà nhân dân thường gọi là “Tượng đài Canh Nông”, vì phía dưới có hình ảnh người nông dân khoác cày, con trâu cùng người dân các ngành nghề khác như nhà nho, người buôn bán, thủ công, mang ý nghĩa lính Pháp bảo vệ cho nhân dân An Nam.

Chưa dừng ở đó, Thị trưởng Trần Văn Lai cũng cho phá bỏ tượng Thống chế Ferdinand Foch – viên tướng Pháp nổi tiếng trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất đặt sau tượng Canh Nông, tượng Jean Duquis – viên lái súng từng buôn bán súng dọc sông Hồng từ Hải Phòng lên Vân Nam (Trung Quốc), mà việc các quan nhà Nguyễn cấm ông này buôn bán đã gây ra vụ đánh thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873. Tượng chân dung ông này và bức phù điêu các chiến hạm Pháp cập bến sông Hồng cũng được dựng lên ở khu vực cảng Quai Clemenceau, mà ngày nay là bến Phà Đen.

Ngoài ra, một bức tượng khác cũng được dỡ bỏ trong đợt này là tượng đài kỷ niệm lính khố xanh, dựng ở sau nhà Cảnh sát trung ương ở phố Hàng Trống (trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm ngày nay). Các bức tượng đều được dỡ hết vào ngày 1/8/1945.

Số đồng thu được từ việc phá dỡ các tượng đài được tập trung vào kho của Sở Lục lộ Hà Nội (Sở Giao thông – Vận tải ngày nay). Năm 1952, làng đúc đồng Ngũ Xã đã xin chính quyền Hà Nội dùng số đồng này để đúc bức tượng Phật A Di Đà nặng tới 12.300kg đặt tại chùa Phúc Long (còn có tên là chùa Thần Quang) ở phố Ngũ Xã, Hà Nội.

Tôn vinh lịch sử dân tộc

Cùng với việc xóa bỏ các di sản của chế độ thực dân ở Thủ đô, Thị trưởng Trần Văn Lai cùng chính quyền Hà Nội đã làm được một việc quan trọng khác, là thay thế các tên đường do người Pháp đặt thành tên các danh nhân và địa danh lịch sử nước nhà. Rất nhiều tên đường được đổi thời đó vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Theo báo Tin mới ngày 31/7/1945, Hội đồng xét đổi tên đường và công viên của thành phố đã hoàn thành danh sách “các danh nhân và liệt sĩ” để đặt tên đường.

Điển hình như đại lộ Gambetta thành phố Trần Hưng Đạo, đường Ganier thành đường Đinh Tiên Hoàng, đại lộ Carnot thành phố Phan Đình Phùng, đường Henri d’Orleans thành Phùng Hưng.

Hội đồng đặt tên đường của Hà Nội thời Thị trưởng Trần Văn Lai cũng thể hiện cách làm việc khoa học, khi quy hoạch cụm tên đường theo sự kiện lịch sử, như khu trung tâm quanh hồ Gươm là tên các vị vua có công xây dựng nền tự chủ của nước ta như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ…

Ở phía bờ sông Hồng, chính quyền thành phố đặt tên các phố ghi nhớ các địa danh lịch sử, danh tướng thời Trần như Vạn Kiếp, Bình Than, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.

Để tôn vinh truyền thống yêu nước, tên các nhà yêu nước, thủ lĩnh và các liệt sĩ trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp cũng được Thị trưởng Trần Văn Lai cho đặt thành tên đường, từ Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Trường Tộ, Đội Cấn, đến Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, thể hiện tinh thần chống Pháp quyết liệt.

Ngoài ra, các phố “Hàng” đã bị đổi sang tên người Pháp đều được đổi về tên cũ như Hàng Trống (thời Pháp Jules Ferry), Hàng Chuối (Beylier), Hàng Hương (Joffre), Hàng Khay (Paul Bert)…

Các phố “Hàng” đã bị người Pháp dịch sang tiếng Pháp cũng được đồng loại đổi tên, như Hàng Đường (trước đó là Rue de Sucre), Hàng Than (Charbon), Hàng Quạt (Éventails), Hàng Đậu (Graines), Hàng Chĩnh (Vases), Hàng Bông (Coton)…

Một loạt vườn hoa, công viên có tên mang tên các viên chức, sĩ quan thực dân cũng được đổi sang những cái tên mang truyền thống hào hùng của dân tộc, như Vườn hoa trước phủ Khâm sai mà nhân dân thường gọi là Vườn hoa Con cóc do có các tượng cóc phun nước, được đổi tên thành Vườn hoa Hồng Đức, Vườn hoa Paul Bert (Vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay) được đổi tên thành vườn hoa Thăng Long và Vườn hoa Puginier được đổi thành Ba Đình, rồi sau đó trở thành địa điểm lịch sử, nơi diễn ra Lễ Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những thành tựu và tinh thần yêu nước, tôn trọng lịch sử mà chính quyền Hà Nội – dù chỉ tồn tại trong một tháng trước Cách mạng tháng Tám – đã làm, vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

Một nhân sĩ yêu nước

Phố Trần Văn Lai.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời mới bổ nhiệm bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thị trưởng Hà Nội.

Tháng 12/1894, ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, thực dân Pháp đã cho bắt bác sĩ Trần Văn Lai cùng nhiều nhân sĩ yêu nước khác như cụ Phạm Khắc Hòe, kỹ sư Đào Trọng Kim, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ và luật sư Vũ Văn Hiền vào giữ tại nhà tù Hỏa Lò với lý do “để đảm bảo an toàn cho các vị”. Dù phía Pháp và cả cựu hoàng Bảo Đại dụ dỗ, mua chuộc, nhưng bác sĩ quyết không ra làm việc cho chúng và khi được thả, ông tuyên bố chỉ là “trí thức trùm chăn”.

Dù ở lại thành, nhưng người con trai duy nhất của ông là bác sĩ quân y Trần Mạnh Chu (1926-1991) đã tham gia kháng chiến, sau là Giáo sư – Tiến sĩ chuyên ngành Tiết niệu của Quân đội.

Đầu năm 1954, khi quân ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Thành ủy Hà Nội đã chủ trương vận động trí thức tiêu biểu ký tên vào bản kiến nghị đòi hòa bình, nhằm tạo lên làn sóng đấu tranh công khai, gây áp lực trên mặt trận ngoại giao. Dù đang ở trong thành Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai vẫn là người góp ý về nội dung bản kiến nghị và là người đầu tiên đặt bút ký tên.

Sau ngày tiếp quản Thủ đô, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Hà Nội, sau đó làm Thứ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội. Ông cũng được bầu làm Ủy viên Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Đại biểu Quốc hội khóa II và III. Ông mất năm 1975.

Ghi nhớ công lao của một vị nhân sĩ, trí thức yêu nước, tháng 12 năm 2011, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên phố Trần Văn Lai ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) tại vị trí số 30 đường Phạm Hùng đến cổng Khu đô thị Mỹ Đình Mễ Trì, dài 830m,rộng 17,5m.

Nguồn. Dân Việt

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tinh thần dân tộc của bác sĩ Trần Văn Lai và những di sản để lại
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác