GDP hiện hành trong các năm qua sẽ được tính lại một cách hệ thống theo thời gian cùng với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu có liên quan.
Việc tính lại sẽ làm cho quy mô tổng GDP và GDP bình quân đầu người lớn lên cùng với sự tăng lên về thứ bậc của Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên chưa thể chủ quan với các nguy cơ và bẫy hiện nay.
Sau tính lại, quy mô GDP tăng lên bao nhiêu?
GDP giá thực tế do Tổng cục Thống kê (TCTK) tính lâu nay được gọi là GDP hiện hành. Trong khi chờ đợi Tổng cục Thống kê tính và công bố các chỉ tiêu, tạm tính một số chỉ tiêu đầu tiên: Tổng GDP, GDP bình quân đầu người năm 2018, dự báo năm 2019.
Tổng GDP tính bằng VND theo GDP tính lại được tính bằng cách lấy GDP hiện hành theo công bố của TCTK trong Niên giám thống kê (5,54 triệu tỷ đồng) nhân với tỷ lệ tăng 125,4%, tức là GDP tính lại năm 2018 đạt 6,95 triệu tỷ đồng.
Dự báo năm 2019 được xác định như sau: GDP tính theo giá so sánh dự báo 2019 tăng 6,8% (tăng về lượng); nếu giá tăng khoảng 3,5%, thì GDP 2019 tính theo giá thực tế tăng khoảng 10,54%. Theo đó, GDP tính bằng VND theo giá thực tế (theo GDP tính lại) sẽ đạt khoảng 7,68 triệu tỷ đồng.
Ngoài việc tính theo nội tệ, GDP còn được tính theo ngoại tệ (USD) để tính GDP bình quân đầu người và để so sánh quốc tế. GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái (GDP hiện hành) tính bằng cách lấy GDP tính bằng VND (GDP hiện hành) chia cho tỷ giá VND/USD – tỷ giá hối đoái bình quân. Tỷ giá này của năm 2018 là 22.605 VND/USD. Theo đó, GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái (GDP hiện hành) năm 2018 đạt 245,2 tỷ USD; GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2018 (GDP tính lại) đạt 333 tỷ USD.
GDP bình quân đầu người tính bằng VND (GDP hiện hành) đạt 58,5 triệu đồng, GDP bình quân đầu người tính bằng VND (GDP tính lại) được tính bằng cách chia GDP tính bằng VND (GDP giá hiện hành) cho dân số năm 2018 (94.666 nghìn người), thành 73,4 triệu đồng. GDP bình quân đầu người tính bằng USD (GDP hiện hành) được tính bằng cách chia GDP tính bằng VND (giá hiện hành) cho tỷ giá 22.605 VND/USD, thành 2.590 USD. GDP bình quân đầu người tính bằng USD (GDP tính lại) được tính bằng cách chia GDP tính bằng USD (GDP tính lại – tức 307,5 tỷ USD) cho dân số sẽ thành 3.247 USD/người. Đó là tính theo tỷ giá hối đoái.
GDP bình quân đầu người tính bằng USD còn được tính theo tỷ giá sức mua đương đương (PPP) để so sánh quốc tế chính xác hơn. Tỷ giá PPP phải được tính cho tất cả các nước và thường nhiều năm mới xác định được. Do vậy có thể tính gián tiếp.
Điều này có thể thực hiện được bằng cách lấy GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái nhân với hệ số chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái với tỷ giá PPP. Hệ số chênh lệch này được xác định gián tiếp bằng cách chia GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá PPP chia cho GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái.
Quan trọng phải giữ tốc độ tăng trưởng cao
Theo công bố của TCTK trên Niên giám thống kê năm 2019, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá PPP đạt 6.750 USD; GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đạt 2.590 USD. Hệ số chênh lệch tỷ giá sẽ là 2,83 lần (6750/2590) (cần nói thêm về hệ số này: hệ số này chứng tỏ 1 USD tại Việt Nam có sức mua lớn gấp 2,83 lần 1 USD tại Mỹ – chủ yếu do giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với giá nhân công ở Mỹ).
Điều này có hàm ý về hai mặt. Một mặt, các nước đang phát triển thường xuất siêu về hàng hóa, nhập siêu về dịch vụ; các nước phát triển mang vốn đến đầu tư ở những nước đang phát triển với nhiều mục tiêu trong đó có mục tiêu nhắm tới là giá nhân công rẻ. Mặt khác, không ít chuyên gia không nghĩ tới chênh lệch này, nên thường cho rằng VND lên giá, đã kiến nghị cần phải phá giá VND.
Rất may là Ngân hàng Nhà nước đã không làm theo kiến nghị này, mà giữ tỷ giá cơ bản ổn định trong mấy năm qua. Theo đó, GDP tính bằng USD theo tỷ giá PPP năm 2018 (GDP tính lại) sẽ là 9.189 USD/người; dự báo cho năm 2019 sẽ là 9.809 USD/người.
Như vậy, việc tính lại GDP đã làm cho quy mô tổng GDP và GDP bình quân đầu người lớn lên cùng với sự tăng lên về thứ bậc của Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên chưa thể chủ quan với các nguy cơ và bẫy hiện nay (tụt hậu xa hơn, sập bẫy thu nhập trung bình, chưa giàu đã già, bẫy nhân công giá rẻ, bẫy gia công lắp ráp, bẫy thiên đường rác thải…).
Để tăng GDP tính bằng USD, có nhiều giải pháp, trong đó có hai nhóm giải pháp quan trọng. Trước hết là giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn các nước, trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao tỷ lệ đào tạo để nâng cao mức năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Tiếp đến là ổn định tỷ giá, trên cơ sở kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, thu hút lượng ngoại tệ từ các nguồn (đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam,…), tăng dự trữ ngoại hối và quan trọng hơn là làm giảm thiểu tâm lý găm giữ ngoại tệ trong dân cư…