Kinh tế-xã hội cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng 6 tháng đầu năm 2021 gặp nhiều thuận lợi nhưng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát với 2 đợt dịch vào cuối tháng 01 và cuối tháng 4/2021 tại nhiều tỉnh, thành với số ca nhiễm lớn hơn nhiều so với các đợt dịch năm 2020. Thành phố Hải Phòng là một trong các tỉnh, thành phố chịu tác động của dịch bệnh khi trong 6 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận một vài ca mắc mới trong cộng đồng, song, với sự tập trung vào cuộc, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, Hải Phòng đã tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế thành phố tiếp tục đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kinh tế-xã hội thành phố vẫn còn không ít tồn tại, thách thức, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa bám sát tiến độ kế hoạch đề ra, thu hút khách du lịch giảm so với cùng kỳ; tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án trọng điểm triển khai chậm… Kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2021 như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Sáu tháng đầu năm 2021 kinh tế thành phố Hải Phòng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 13,52% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 10,87% của 6 tháng đầu năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Hải Phòng vẫn giữ được mức tăng trưởng cao so với các tỉnh, thành phố trên cả nước (đứng thứ 4 cả nước, thứ 2 vùng trọng điểm Bắc Bộ) cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo thành phố và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế“.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực công nghiệp-xây dựng ước tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 9,67 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong đó ngành công nghiệp vẫn giữ vai trò chủ lực với mức tăng trưởng 20,02% so với cùng kỳ, đóng góp 9,27 điểm % mức tăng chung; ngành xây dựng tăng 6,89% so với cùng kỳ, đóng góp 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng toàn thành phố.
Khu vực dịch vụ ước tăng 8,92% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 3,33 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 7,68% so với cùng kỳ, đóng góp 0,47% điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung toàn thành phố.
Cơ cấu kinh tế trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 4,59%, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 52,48%; khu vực dịch vụ chiếm 37,26%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,67%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, công tác gieo trồng được thực hiện đảm bảo theo khung thời vụ và kế hoạch đã đề ra; công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chú trọng triển khai thực hiện. Cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi; đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng và khai thác thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
a) Nông nghiệp
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân năm 2021 toàn thành phố ước đạt 43.363,4 ha, bằng 98,92% so với vụ Đông xuân năm trước. Diện tích gieo trồng cây hàng năm có xu hướng giảm, trong đó cây lúa có mức giảm nhiều nhất, điều này thể hiện sự tái cơ cấu trong sản xuất ngành nông nghiệp và xu hướng đô thị hóa khu vực nông thôn.
Diện tích gieo trồng cây lúa ước đạt 28.442,0 ha, bằng 98,12% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa bình quân toàn thành phố ước đạt 70,16 tạ/ha, bằng 100,68% so cùng kỳ năm trước và đây là mức năng suất bình quân cao nhất từ trước đến nay của thành phố.
Diện tích nhóm cây hàng năm khác vụ Đông xuân năm 2021 ước đạt 14.921,4 ha, bằng 100,50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cây thuốc lào ước đạt 1.862,2 ha (bằng 100,80%), cây đậu tương ước đạt 152,7 ha (bằng 106,43%), nhóm cây rau các loại ước đạt 8.951,1 ha (bằng 99,14%).
Diện tích cây lâu năm trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 8.218,9 ha, bằng 100,51% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, cơ cấu các nhóm cây trồng lâu năm giữ được sự ổn định so với năm trước: diện tích nhóm cây ăn quả ước đạt 6.735,9 ha, chiếm 82% tổng diện tích cây lâu năm; cây lấy quả chứa dầu ước đạt 251,8 ha, chiếm 3%; cây gia vị, dược liệu ước đạt 31 ha…
Ước tính tháng 6 năm 2021, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4,01 nghìn con, giảm 11,29% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 9,45 nghìn con, giảm 7,48%; tổng đàn lợn hiện có ước đạt 124,32 nghìn con, tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn gia cầm hiện có ước đạt 8.629,9 nghìn con, giảm 4,25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 6.487,4 nghìn con, giảm 4,47%.
Sản lượng xuất chuồng thịt lợn hơi ước đạt 11,57 nghìn tấn, bằng 103,98% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 304,4 tấn, bằng 82,53%; sản lượng thịt bò ước đạt 514,5 tấn, bằng 90,88%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 34,15 nghìn tấn, bằng 99,75%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 159,2 triệu quả, bằng 87,93%.
b) Lâm nghiệp
Sáu tháng đầu năm 2021, tình hình sản xuất ngành lâm nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ở mức ổn định với sản lượng gỗ khai thác ước đạt 789,8 m³, bằng 92,50% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi đạt 19.339 ste, bằng 93,75%. Công tác bảo vệ chăm sóc rừng tiếp tục được các cấp các ngành quan tâm, diện tích rừng được chăm sóc ước đạt 103,57 ha; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh ước đạt 450 ha; số lượng ươm giống cây lâm nghiệp ước đạt 1,02 triệu cây; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ xấp xỉ 13 nghìn ha.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, không có vụ cháy và chặt phá rừng nào xảy ra trên diện tích rừng của thành phố. Công tác bảo vệ, phòng chống cháy và chặt phá rừng luôn được các cấp, ngành quan tâm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng.
c) Thủy sản
Sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 95.272,8 tấn, tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng/2021 ước đạt 10.058,4 ha, tăng 1,67%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 37.423,9 tấn, tăng 1,28%, chia ra: cá các loại đạt 22.891,0 tấn, tăng 1,72%; tôm các loại đạt 3.200,8 tấn, tăng 0,10%; thủy sản khác đạt 11.332,1 tấn, tăng 0,73%.
Sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố ước đạt 57.848,9 tấn, tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 34.693,6 tấn, tăng 5,04%; tôm các loại đạt 4.631,9 tấn, tăng 2,36%; thủy sản khác đạt 18.523,4 tấn, tăng 3,60%.
Sản lượng khai thác biển tiếp tục chiếm đa số (tỷ trọng 95,90% tổng sản lượng khai thác) với 55.474,4 tấn, tăng 4,61% so với cùng kỳ năm trước.
3. Sản xuất công nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thành phố Hải Phòng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, việc làm của các doanh nghiệp. Sản suất công nghiệp tháng 6/2021 ước giảm so với tháng 5, tuy nhiên ngành công nghiệp vẫn giữ được vai trò “đầu tàu” của nền kinh tế thành phố khi sản xuất công nghiệp ước 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, đây tiếp tục là mức tăng trưởng thuộc tốp cao nhất trong các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn của cả nước, qua đó tiếp tục khẳng định sản xuất công nghiệp là một trong những trụ cột chính, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng chung của kinh tế thành phố.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước 6 tháng/2021 tăng 21,41% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tại thời điểm 30/6/2021 tăng 4,46% so với tháng trước và giảm 7,77% so với cùng thời điểm năm trước.
Số lao động làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp ước tại thời điểm 01/6/2021 tăng 2,86% so với tháng trước và tăng 7,06% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 3,22%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,74%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,45%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Phân bón đạt 145,7 nghìn tấn, tăng 94,78%; bộ dây đánh lửa đạt 18.492,47 nghìn bộ, tăng 63,27%; màn hình tivi đạt 1.675,05 nghìn cái, tăng 91,45%… Một số sản phẩm ước giảm so với cùng kỳ: Điện sản xuất đạt 3.368,4 triệu Kwh, giảm 16,8%; bia các loại giảm 14,11%; sắt thép các loại đạt 674,6 nghìn tấn, giảm 5,4%; nước mắm đạt 2.971,09 nghìn lít, giảm 6,36%; xi măng Portland đen đạt 2.108,44 nghìn tấn, giảm 4,55%; ….
4. Hoạt động của doanh nghiệp
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục gặp không ít khó khăn, việc đảm bảo sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, ngành và của các doanh nghiệp.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, toàn thành phố có 1.460 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký ước đạt 15.021,6 tỷ đồng, tăng 5,87% về số DN và tăng 39,88% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh dự kiến thành lập mới là 712 cơ sở, tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 1.151 DN và 268 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 30,42% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2021, số DN dự kiến thực hiện thủ tục giải thể là 128 và đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh là 300 cơ sở.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 171 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 70,76% số DN đánh giá tổng thể chung về tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 là tốt lên và giữ ổn định (38,60% DN đánh giá tốt lên và 32,16% DN đánh giá giữ ổn định); 29,24% số DN còn lại cho rằng tình hình khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực DN nhà nước lạc quan nhất với 100% DN nhận định tốt lên và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN ngoài nhà nước cho kết quả lần lượt là 71,88% và 66,32%.
5. Thương mại và dịch vụ
Tháng 6/2021, hoạt động thương mại, dịch vụ đã có nhiều khởi sắc do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố được kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động thương mại trong 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra cơ bản bình thường, ổn định; hoạt động du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống chịu tác động lớn hơn khi doanh thu những ngành này 6 tháng/2021 đều ước giảm so với cùng kỳ. Số lượt khách du lịch đến với thành phố giảm mạnh, đặc biệt là khách du lịch theo tour. Hoạt động vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm duy trì ổn định, tuy nhiên hoạt động vận tải hành khách giảm mạnh do nhu cầu đi lại giảm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh…
* Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 6 tháng đầu năm 2021 đạt 74.083,2 tỷ đồng, tăng 10,33% so với cùng kỳ năm trước, bằng 46,13% kế hoạch (kế hoạch năm 2021 đạt 160.608 tỷ đồng).
Xét theo ngành hoạt động: 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 61.429,6 tỷ đồng, tăng 11,21% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 614,8 tỷ đồng, giảm 13,63% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 7.837,3 tỷ đồng, tăng 6,72% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 46,4 tỷ đồng, giảm 36,06% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.155,1 tỷ đồng, tăng 9,95% so với cùng kỳ năm 2020.
* Vận tải và viễn thông
Sáu tháng đầu năm 2021, vận chuyển hàng hóa ước đạt 115,4 triệu tấn, tăng 16,84% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hàng hóa ước đạt 50.036,1 triệu tấn.km, giảm 0,71% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách 6 tháng/2021 ước đạt 21,9 triệu lượt, giảm 10,78% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách ước đạt 882,7 triệu Hk.km, giảm 10,05% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước do tình hình sản xuất kinh doanh đã đi vào ổn định, nguồn hàng hóa vận chuyển dồi dào hơn. Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa luân chuyển 6 tháng giảm so với cùng kỳ, chủ yếu tác động bởi khối vận tải hàng hóa biển, do lượng hàng hóa vận tải đường xa khan hiếm nên các doanh nghiệp vận tải biển chủ yếu hoạt động các tuyến gần, có cự ly ngắn làm giảm khối lượng luân chuyển. Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển 6 tháng/2021 giảm so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên nhu cầu đi lại giảm mạnh.
Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt gần 713,31 tỷ đồng, giảm 6,43% so với cùng kỳ năm trước. Số thuê bao điện thoại phát triển mới ước đạt 950 thuê bao, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Số thuê bao Internet phát triển mới ước đạt 14.902 thuê bao, giảm 12,56% so với cùng kỳ năm trước.
* Hoạt động du lịch
Ngành du lịch là ngành bị thiệt hại nhất trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Sáu tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 2.339,7 nghìn lượt, giảm 32,08% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách quốc tế ước đạt 36,1 nghìn lượt, giảm 83,05% so với cùng kỳ.
* Hoạt động xuất, nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 11.743,2 triệu USD, tăng 31,31% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng năm 2021 ước đạt 11.661,7 triệu USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ.
* Sản lượng hàng qua cảng: Sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố ước đạt đạt 70.149,5 nghìn tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu cảng biển 6 tháng/2021 ước đạt 2.927 tỷ đồng, tăng 13,16% so với cùng kỳ.
6. Tài chính và ngân hàng
Sáu tháng đầu năm 2021, Hải Phòng tiếp tục duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có tăng trưởng thu cao nhất cả nước, để đạt được kết quả này là do thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách một cách hiệu quả.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng/2021 ước đạt 45.010,45 tỷ đồng, bằng 124,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa ước đạt 15.916,82 tỷ đồng, bằng 133,4%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 28.099,96 tỷ đồng, bằng 120,8%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước 6 tháng năm 2021 đạt 10.977,04 tỷ đồng, bằng 132,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 5.130,56 tỷ đồng; chi thường xuyên ước đạt 5.045,87 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/6/2021 đạt 249.665 tỷ đồng, bằng 112,25% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng dư nợ cho vay đến 30/6/2021 ước đạt 134.352 tỷ đồng, bằng 105,11% so với cùng kỳ năm trước.
7. Đầu tư xây dựng
Sáu tháng đầu năm 2021, hoạt động đầu tư xây dựng của thành phố gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án trọng điểm triển khai chậm. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng sự đoàn kết, thống nhất của các cấp, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố.
Dự tính vốn đầu tư thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố đạt 72.750,8 tỷ đồng, tăng 0,76% so với cùng kỳ năm trước. Vốn khu vực Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.288,8 tỷ đồng, tăng 16,50% so với cùng kỳ. Khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất (57,5%) trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, ước 6 tháng/2021 đạt 41.877 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài ước 6 tháng/2021 đạt 25.585 tỷ đồng, tăng 14,53% so với cùng kỳ.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 15/6/2021, Hải Phòng có 787 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 20.799,4 triệu USD. Từ đầu năm đến 15/6/2021, toàn thành phố có 30 dự án cấp mới đến từ 09 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 187,34 triệu USD, bằng 49,92% so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 31 dự án, với số vốn tăng là 946,34 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 61 dự án, vốn đầu tư đạt 1.133,68 triệu USD.
Từ đầu năm đến 15/6/2020, có 04 dự án tạm ngừng hoạt động; 19 dự án hết hạn/thu hồi/chấm dứt hoạt động.
8. Chỉ số giá
Sáu tháng đầu năm 2021, mặc dù kinh tế-xã hội thành phố chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên giá cả các mặt hàng tiêu dùng giữ mức ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 6 năm 2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,57% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm có chỉ số giá tháng 6/2021 tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (tăng 1,13%) do giá xăng, dầu tăng; duy nhất nhóm chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,29%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá không thay đổi.
Chỉ số giá vàng tháng 6/2021 tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 10,64% so với cùng tháng năm 2020, giảm 1,22% so với tháng 12/2019. Giá vàng bình quân tháng 6/2021 dao động ở mức 5,34 triệu đồng/chỉ, tăng 55.000 đồng/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2021 giảm 0,23% so với tháng trước, giảm 0,82% so với cùng tháng năm trước, giảm 0,57% so với tháng 12/2019. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 6/2021 dao động ở mức 23.098 đồng/USD, giảm 53 đồng/USD.
9. Một số vấn đề xã hội
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội; ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; các hoạt động ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải tạm dừng… Tuy nhiên, đời sống an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, an ninh chính trị được giữ vững.
a) Lao động và việc làm
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thành phố đã giải quyết việc làm được 27.000 lượt lao động, bằng 101,89% so với cùng kỳ năm trước; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 9.332 người (giảm 11,33% so với cùng kỳ năm 2020), với kinh phí trên 150 tỷ đồng.
b) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thành phố đã tiếp nhận 29 đối tượng đưa vào điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng, số lượng các đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội tổng số là 728 người, bằng 102,3% so với cùng kỳ năm trước. Tập trung được 226 lượt người người lang thang trên địa bàn (tăng 64 lượt người (tăng 39,5%) so với cùng kỳ). Thực hiện chi trả trợ cấp với 78.600 người (tăng 4,78% so với năm 2020); hỗ trợ 97.955 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (bằng 101,6% so với cùng kỳ năm trước).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 1.680 lượt người (bằng 82,88% so với cùng kỳ năm trước). Điều trị Methadone do ngành Lao động-Thương bình và Xã hội quản lý tại 06 cơ sở cho 1.333 người (bằng 102,6% so với cùng kỳ). Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 85 người (bằng 75,22% so với cùng kỳ).
c) Giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao
Tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các ngành giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của thành phố theo kế hoạch đã bắt buộc dừng hoặc tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành giáo dục chuyển sang hình thức học trực tuyến. Ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng dịch, công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện nhanh chóng, khẩn trương nên tình hình dịch bệnh luôn được kiểm soát chặt chẽ.
Công tác giáo dục: từ ngày 07/6/2021 đến 12/6/2021 tổ thức thành công kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông năm 2021-2022. Kết quả học sinh giỏi quốc gia năm 2021 có 96 thí sinh đạt giải (trong đó Nhất 02, Nhì 23, Ba 35, Khuyến khích 36), đứng thứ 2/63 toàn quốc về số lượng giải.
Công tác y tế dự phòng: Tính đến thời điểm 6 giờ sáng ngày 29/6/2021 trên địa bàn thành phố ghi nhận 18 ca dương tính với Covid-19. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND về việc tiêm vắc xin Covid-19 cho các nhóm đối tượng ưu tiên đợt 3 năm 2021 trên địa bàn thành phố. Số mũi tiêm đợt 3 đạt 100 mũi. Tổng tích lũy từ đầu năm đến nay thành phố đã tiên được 20.999 mũi, phấn đấu hoàn thành tiêm vắc xin đợt 3 trước ngày 30/6/2021.
* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong 6 tháng đầu năm 2021, thành phố tiến hành 10 đợt kiểm tra an toàn thực phẩm: trong đó 03 đợt kiểm tra định kỳ: Tết liên ngành, bếp ăn tập thể, tháng hành động và 07 đợt kiểm tra đột xuất với tổng cộng 223 cơ sở. Trong đó, 22 cơ sở sản xuất thực phẩm; 12 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 189 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với tổng số tiền phạt là 157 triệu đồng.
Trên địa bàn thành phố, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm không rõ nguyên nhân với 41 người bị ngộ độc tại Khu công nghiệp Đồ Sơn và bếp ăn tự phát Khu công nghiệp An Dương; các ca bệnh không diễn biến nặng và không có ca tử vong; đã xử lý phạt hành chính 30 triệu đồng trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở trên.
* Công tác phòng chống HIV/AIDS: Tính đến 15/6/2021, lũy tích người nhiễm HIV là 11.449 người, số người chuyển sang AIDS là 6.315 người, số người chết do AIDS là 5.342 người, số người nhiễm HIV hiện còn sống là 6.107 người.
Tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone 6 tháng đầu năm là 3.894 người, giảm 50 người so với cùng kỳ, số bệnh nhân mới là 299 người giảm 45 người, bênh nhân ra ngừng điều trị là 307 người không tăng giảm so với cùng kỳ năm 2020.
* Công tác văn hóa-thể thao: Triển khai công tác tuyên truyền Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. Tổ chức ghi hình, phát sóng Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chương trình nghệ thuật chào mừng thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
d) Tai nạn giao thông
Tính đến thời điểm 14/6/2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 32 người và bị thương 20 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 13 vụ (tương ứng tăng 52%), số người chết tăng 09 người và số người bị thương tăng 13 người. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
e) Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Tính đến thời điểm 14/6/2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 45 vụ cháy, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020, làm 01 người chết; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 12,28 ha.
Cục Thống kê thành phố Hải Phòng
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…
Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…
Sáng 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn chung, nhưng…
Cơ quan chức năng đã tạm giữ đối tượng hành hung cảnh sát giao thông…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More