Tín hiệu vui của xuất khẩu Việt

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 8 tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa ước tính thặng dư lên 5,37 tỷ USD, trong đó riêng kỳ 2 tháng 8 xuất siêu 2,29 tỷ USD. Đây quả là tín hiệu đáng vui khi mà thời gian từ nay đến hết năm 2019 vẫn còn khá dài…

Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2019 (từ ngày 16/8 đến ngày 31/8/2019) đạt 25,52 tỷ USD, tăng 12,4% (tương ứng tăng 2,82 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2019.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 8/2019 này đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng của năm 2019 đạt 337,22 tỷ USD, tăng 8,1%, tương ứng tăng 25,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng với tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 213,16 tỷ USD, tăng 5% (tương ứng tăng 10,11 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 124,06 tỷ USD, tăng 13,8% (tương ứng tăng 15,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện tiếp tục là điểm sáng của Việt Nam

Trong kỳ 2 của tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,29 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng/2019 lên 5,37 tỷ USD.

Cụ thể về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8 đạt 13,91 tỷ USD, tăng 16,4% (tăng 1,96 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 8. Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu đạt được mức tăng lớn gồm hàng dệt may tăng 339 triệu USD, tương ứng tăng 22,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 271 triệu USD, tương ứng tăng 16,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 216 triệu USD, tương ứng tăng 7,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 186 triệu USD, tương ứng tăng 25,7%; hàng thủy sản tăng 90 triệu USD, tương ứng tăng 25%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 90 triệu USD, tương ứng tăng 21,2%… Như vậy, tính đến hết tháng 8 năm 2019, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 171,3 tỷ USD, tăng 8,1%  tương ứng tăng 12,85 tỷ USD so với 8 tháng/2018.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 8/2019 đạt 9,38 tỷ USD, tăng 13,1%, tương ứng tăng 1,09 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 8/2019. Qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2019 của nhóm các doanh nghiệp này lên 117,21 tỷ USD, tăng 5,3% (tương ứng tăng 5,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 68,4% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2019 đạt 11,61 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 861 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2019. Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 8/2019 tăng so với kỳ 1 chủ yếu ở một số nhóm hàng như điện thoại các loại tăng 235 triệu USD, tương ứng tăng 31,8 %; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 127 triệu USD, tương ứng tăng 8,3%; ngô tăng 64 triệu USD, tương ứng tăng 81,8%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 54 triệu USD, tương ứng tăng 33,7%… Như vậy, tính đến hết tháng 8/2019, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 165,92 tỷ USD, tăng 8,0% (tương ứng tăng 12,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Tính chúng đến hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 171,3 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu là 165,9 tỷ USD, như vậy con số xuất siêu của Việt Nam là 5,4 tỷ USD. Điều đáng nói là kết quả xuất nhập khẩu trong tháng 8 và kim ngạch xuất siêu tăng mạnh so với ước tính được các nhà chuyên môn đưa ra là thặng dư thương mại trong tháng 8 chỉ là 1,7 tỷ USD và tính chung trong 8 tháng đầu năm cả nước xuất siêu hơn 3,4 tỷ USD.

Hàng loạt nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng ấn tượng. Trong đó có tới 5 nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Vị trí thứ nhất có thể kế đến là điện thoại và linh kiện với kim ngạch hơn 5,9 tỷ USD, tăng tới 48,1% so với tháng 7 trước đó. Đây được xem là thời điểm có mức tăng trưởng ấn tượng nhất của mặt hàng xuất khẩu chủ lực này kể từ đầu năm 2019. Hết tháng 8, riêng điện thoại và linh kiện đóng góp tới 33,4 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2018.

Các mặt hàng xuất khẩu “tỷ USD” khác trong tháng 8 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 3,6 tỷ USD; dệt may đạt gần 3,4 tỷ USD; giày dép gần 1,6 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng hơn 1,6 tỷ USD. Với tổng kim ngạch hơn 16 tỷ USD, riêng 5 nhóm hàng chủ lực nêu trên chiếm đến khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 8.

Có thể thấy, sau 8 tháng, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 337 tỷ USD. Để cán mốc 500 tỷ USD, 4 tháng cuối, cả nước cần đạt kim ngạch 163 tỷ USD, tương đương gần 41 tỷ USD/tháng. Đây là điều rất khả thi bởi bình quân 8 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 42 tỷ USD/tháng, trong khi theo quy luật những tháng cuối năm kim ngạch xuất nhập khẩu thường đạt cao hơn. Như vậy hoàn toàn có thể hy vọng triển vọng khả quan của kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế. Đây thực sự là tín hiệu rất đáng mừng cho bức tranh kinh tế nước ta trong năm 2019 này.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Nguồn. ANHP

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Cảnh báo trẻ em bị đuối nước vào mùa hè

Đuối nước thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, nguyên…

04/05/2024

Khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ khó khăn trên địa bàn phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân

Sáng 3/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Lê Chân phối hợp với phường Vĩnh…

04/05/2024

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát…

04/05/2024

Huyện Vĩnh Bảo Đưa cầu Lô Đông bắc qua sông Hóa vào sử dụng

Sáng 4-5, UBND huyện Vĩnh Bảo tổ chức thông xe kỹ thuật Dự án xây…

04/05/2024

Triển khai cấp bách các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, chủ động trước các…

04/05/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More