Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:26

Thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn, giải ngân nhanh chóng với số tiền vay không giới hạn. Thế nhưng một khi đã lỡ sa chân vào “tín dụng đen”, chữ ký còn chưa ráo mực thì “thân chủ” đã mặc nhiên trở thành “khổ chủ” của chiếc bẫy tinh vi và tàn độc. Các nạn nhân ngay sau đó sẽ bị “con đỉa tín dụng đen” ký sinh hút máu đến cạn lực vẫn không được buông tha.

Kỳ 1. Nhận diện “vòi bạch tuộc”

Vay dễ “như trở bàn tay”

 Thực ra, tên gọi “tín dụng đen” không phải là khái niệm của ngành ngân hàng. Nó đơn giản xuất phát từ những hoạt động giao dịch tín dụng ngoài xã hội, tiềm ẩn hàng loạt những hệ lụy xấu đến quyền lợi của người vay nên đã được gắn thêm chữ “đen” cho hoạt động “vay vốn” này.

Có thể hiểu “tín dụng đen” là hình thức cho vay vốn với lãi suất cực cao (thường vượt 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước), do cá nhân hoặc một tổ chức nào đó tự cam kết thực hiện với nhau. Do có nhiều thỏa thuận bằng miệng đi kèm nên “tín dụng đen” không có tính pháp lý để bảo vệ người vay và luôn khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.

“Tín dụng đen” hiện hữu nhan nhản trên các tờ rơi dán đầy cột điện, bức tường

Vậy tại sao tín dụng đen vẫn có đất sống dẫu nhiều người biết rằng bản chất của hoạt động này chính là sự bóc lột tinh vi và tàn độc của kẻ cho vay với người vay tiền. Đơn giản là với những người gặp khó khăn về tài chính, họ muốn nhanh chóng có một số tiền mà không phải thực hiện bất cứ một hồ sơ, thủ tục pháp lý nào và cách dễ nhất để thỏa mãn nhu cầu đó là tìm đến kênh vay vốn này.

Nhu cầu thì cấp thiết mà bên cho vay thì lúc nào cũng hiện hữu nhan nhản cùng số điện thoại, địa chỉ trên các tờ rơi dán chằng chịt ở cột điện, bảng tin tại nhiều tuyến phố, khu chợ với những lời đường mật chào mời: “lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, không cần chứng minh nhân dân”… Thậm chỉ chẳng cần mất công đi lại, chỉ cần một cuộc điện thoại hay ngồi ở nhà vào các trang mạng, nhập từ khóa “cho vay nóng” sẽ sổ ra hàng trăm, hàng nghìn ông chủ, bà chủ sẵn sàng chào đón. Ngay trong ngày là đã có “tiền ngay, thóc thật” trao tay.

Chính vì đơn giản như vậy nên đối tượng vay theo hình thức này thường là những người chơi cờ bạc, cá độ, lô đề. Cũng có trường hợp là người muốn vay tạm bên ngoài để đáo hạn hoặc trả nợ ngân hàng trong thời gian ngắn. Một số cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương vì thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; người nghèo không có tài sản thế chấp, người chẳng may ốm đau đột xuất; hoặc do sống ở nông thôn, ít va chạm nên ngại làm các thủ tục để vay ngân hàng… khi có nhu cầu cũng tìm đến nguồn cung từ tín dụng đen này. 

Tuy nhiên, sự đơn giản ấy luôn đi kèm với một cái giá rất đắt. Nhiều người hết năm nọ qua tháng kia è lưng để trả lãi món vay mà tính ra còn lớn gấp trăm, gấp nghìn lần vốn vay ban đầu. Đã có không ít “con nợ” trót dính vào tín dụng đen bị dồn đến chân tường, muốn dứt bỏ cái cùm đã cầu xin được trả hết gốc mà không được buông tha. Hậu quả là không chỉ tán gia, bại sản, thậm chí tính mạng bản thân và người thân trong gia đình bị đánh đổi vẫn chưa hết nợ…

Khó dứt khỏi vòi bạch tuộc

“Vay dễ, khó dứt” là cụm từ để diễn tả những ai đã trót sa chân vào cạm bẫy chết người này. Các đối tượng cho vay lãi theo hình thức này thường có tiền án, tiền sự, cấu kết thành ổ nhóm để hoạt động. Chúng luôn núp bóng, tạo cho mình vỏ bọc hình thức kinh doanh hợp pháp như thành lập cơ sở kinh doanh cầm đồ hoặc tồn tại dưới dạng công ty, doanh nghiệp, dịch vụ hỗ trợ tài chính hay mua bán, trao đổi, cho thuê xe máy, ô tô…

Hành vi, thủ đoạn hoạt động của chúng với nạn nhân thường theo hình thức thỏa thuận ngầm. Việc vay nợ thường được chuyển hóa bằng cách viết giấy nhận tiền để xin việc làm vào các cơ quan nhà nước, thế chấp tài sản có giá trị cao (nhà đất, ô tô) với giá thấp có công chứng hoặc buộc người vay tiền phải làm thủ tục bán tài sản, sau đó thuê lại…

Ổ nhóm đối tượng chuyên hoạt động “tín dụng đen” đến từ Hải Phòng do Hoàng Hữu Nam cầm đầu, bị cơ quan CSĐT – CAQ Hà Đông bắt giữ

 Ngoài ra, hiện còn tình trạng các cơ sở tín dụng đen còn tìm cách móc nối với một số cán bộ ngân hàng biến chất để “cò”, “môi giới” cho vay nặng lãi bằng cách làm trung gian, bỏ vốn phục vụ việc “đáo nợ” cho những người vay ngân hàng đến hạn để hưởng lãi suất cao từ phía người vay. Cá biệt, một số đối tượng có biểu hiện lập dự án để vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, dùng tiền vay được kinh doanh tài chính lấy lãi suất cao…

Một khi đã “vớ” được con mồi, ngay lập tức các vòi bạch tuộc của tín dụng đen bắt đầu vươn những xúc tu quấn chặt lấy nạn nhân. Đến hạn, các chủ nợ bắt người vay nợ phải trả tiền hoặc viết giấy vay nợ tiếp (với số tiền vay nợ lần sau cộng cả số tiền gốc và lãi của lần vay lần trước, rồi trừ luôn số tiền lãi ít nhất của một tháng liền kề tiếp theo…). Đến khi người vay chỉ có thể trả một phần hoặc không trả nợ được, đối tượng trực tiếp hoặc thuê người đòi nợ bằng một số thủ đoạn như: tụ tập trước nhà, ném chất bẩn vào nhà, đe dọa giải quyết theo kiểu “luật rừng” để gây sức ép, khủng bố tinh thần… buộc “con nợ” phải trả tiền. Đồng thời, cùng với thủ đoạn đòi nợ trên, các đối tượng còn làm đơn trình báo cơ quan Công an về việc có đối tượng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của mình (thường là xe máy, ô tô) và yêu cầu tiến hành xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm…

Hoạt động tín dụng đen là mầm mống phát sinh các tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác như giết người, cướp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng. Các đối tượng hoạt động theo ổ nhóm, thực hiện từ cho vay, rải họ, thu họ, đòi nợ… với phạm vi rộng, lúc thì kín đáo, có lúc công khai. Dù số vụ như vậy xảy ra nhiều, nhưng có rất ít bị hại trình báo bởi những lý do tế nhị nào đó, gây ảnh hưởng không ít đến công tác phát hiện, phòng ngừa cũng như điều tra, xử lý tội phạm của cơ quan công an.

Triệu Oanh – An ninh Hải Phòng 07/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tín dụng đen – từ “hiểm họa” đến “thảm họa”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác