Tìm kiếm việc làm liên quan đến lĩnh vực sản xuất nội dung (viết content) là chuyện không mới với sinh viên ngày nay, đặc biệt trong dịp nghỉ hè. Cũng từ đây, các chiêu trò lừa đảo nảy sinh hòng chiếm đoạt tài sản của đối tượng này.
Từ viết content kiếm tiền
Cứ đến dịp nghỉ hè, nhu cầu tìm kiếm việc làm tại nhà của sinh viên lại tăng cao. Đa số sinh viên đều mong muốn tận dụng thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập.
Trên khắp các trang mạng xã hội, không khó để tìm thấy các hội, nhóm việc làm cho đối tượng này. Những người mong muốn viết content có thể dễ dàng tìm việc qua trang, nhóm như: Việc làm content, chợ viết, tuyển content dạo, cùng làm content tại nhà…
Theo ghi nhận của PV, hội, nhóm đăng tin “Người tìm việc-việc tìm người” mọc lên như “nấm sau mưa“. Điểm chung của các nhóm đều có lời mời gọi làm việc không yêu cầu kinh nghiệm, mức lương khá cao, dao động từ 6-18 triệu đồng/tháng.
Chỉ cần gõ từ khóa “Việc làm content“, các bài đăng như: “Tuyển CTV viết bài du lịch“, “CTV viết bài review cuộc sống“, “BTV thể thao“, “tìm content chuẩn SEO“… hiện ra ngay lập tức.
Hơn nữa, các tài khoản cá nhân đăng tin tuyển dụng nhân sự thường là các tài khoản ảo, không có thông tin người đăng rõ ràng. Dưới phần bình luận của bài đăng, ngoài số ít những người tìm việc thật thì hầu hết đều là các tài khoản ảo vào tương tác.
Thông thường, các đối tượng lừa đảo khi trao đổi công việc sẽ có văn mẫu đón đầu “hiện tại vị trí cần tuyển đã đủ” để chuyển hướng ứng viên sang chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi hơn.
Đến suýt bị lừa làm nhân viên chốt đơn
Phản ánh đến Báo Lao Động, chị T.T (Trú tại Hà Đông, Hà Nội) cũng suýt là nạn nhân của chiêu trò trên.
Trước đó, chị T đã cẩn thận né các công việc có yêu cầu không rõ ràng. Bởi vậy, chị T cũng may mắn tránh khỏi những chiêu trò lừa đảo này.
Chị T kể, sau khi ứng tuyển vào một công việc sản xuất nội dung cho Fanpage về du lịch tại Facebook, chị được các đối tượng cho biết, vị trí đó đã đủ người. Thế nhưng, vị trí xử lý đơn hàng online tại nhà vẫn đang tuyển. Chi tiết công việc sẽ được trao đổi qua ứng dụng Telegram.
Công của chị T sẽ là nhân viên chốt đơn hàng. Theo đó, chị T sẽ nhận đơn của khách hàng và gửi đơn. Sau khi hoàn thành, chị sẽ nhận được 15-20% lãi suất mỗi đơn. Bên cạnh đó, chị cũng nhận được tiền lương theo ngày là 300.000 đồng.
Tuy nhiên, để bắt đầu làm việc, chị T phải bỏ ra ít nhất 150.000 đồng làm “phí kích hoạt hệ thống“. Khi lợi nhuận từ các đơn hàng tăng lên, chị T sẽ nhận được về “cả gốc lẫn lãi” theo lời các đối tượng này.
Nghi ngờ về độ tin cậy của công việc, chị T đã rút lui khỏi công việc. Còn với những người rút lui sau thì bị khủng bố tin nhắn từ các tài khoản ảo. Thậm chí, các đối tượng còn vào Facebook, lấy hình ảnh của họ để chỉnh ảnh đòi nợ.
“Những bài tuyển tuyển dụng theo mánh khoé “treo đầu dê, bán thịt chó” như thế này thường thu hút lượng lớn tương tác. Các bạn sinh viên nếu nhẹ dạ cả tin thì rất dễ bị sa bẫy”, chị T cho biết.
Luật sư Nguyễn Đoàn, Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 theo quy định tại Điều 15, NĐ 144/2021/NĐ-CP khi có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất đến chung thân.
Nhóm PV