Cán cân thương mại của Việt Nam từ đầu năm liên tục biến động, từ nhập siêu, xuất siêu rồi tiếp tục quay lại nhập siêu. Lũy kế đến ngày 15/5, nhập siêu đã chạm ngưỡng 1 tỷ USD.
Nhập khẩu thép nguyên liệu tại cảng Hải Phòng.
Nhập siêu tái diễn
Sau khi đạt mức tăng trưởng khả quan trong quý I/2019 với cán cân thương mại duy trì xuất siêu sang nhiều thị trường, từ tháng 4 đến nay, cán cân thương mại đang có nhiều biểu hiện bấp bênh khi nhập siêu xuất hiện trở lại.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 5, cán cân thương mại thâm hụt 1,85 tỷ USD, mức cao nhất từ đầu năm. Lũy kế đến ngày 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 89,9 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 88,9 tỷ USD.
Việc nhập siêu lớn như vậy cho thấy cán cân thương mại của Việt Nam những tháng đầu năm nay liên tục biến động không theo quy luật.
Bằng chứng, trong tháng 1, cả nước xuất siêu 815 triệu USD; tháng 2 nhập siêu 769 triệu USD; tháng 3 quay lại xuất siêu 1,627 tỷ USD, đến tháng 4 lại nhập siêu 700 triệu USD và nửa đầu tháng 5 nhập siêu tiếp tục được nới rộng vượt 1,85 tỷ USD.
Điều đáng chú ý, nửa đầu tháng 5 so với nửa cuối tháng 4/2019, xuất khẩu giảm khá mạnh ở một số mặt hàng vốn mang lại giá trị lớn như: điện thoại các loại và linh kiện (12,4%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (9%); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,4%); gỗ và sản phẩm gỗ (10,5%)…
Ngược lại, nhập khẩu tăng mạnh ở một số nhóm hàng: Nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (17,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (15,5%); thức ăn gia súc các loại (56,6%); chất dẻo nguyên liệu (18,3%)…
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, 4 tháng, nhập khẩu sắt thép các loại cao gấp đôi xuất khẩu về sản lượng, trị giá 3,7 tỷ USD. Xuất khẩu 4 tháng ghi nhận 1,8 tỷ USD. Đáng lưu ý, một số sản phẩm có ưu thế như tôn mạ giảm 15,5%; Ống thép: giảm 16,6%, thì nhập khẩu tăng mạnh, khi thép dài tăng 51%, thép hình tăng đến 23%..
Ngành nông nghiệp, vốn được xem là bệ đỡ của nền kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn do một số mặt hàng xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại….
Theo Bộ Công thương, từ đầu năm tới nay, có 6/9 mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, bởi xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại.
Trong khi đó, mặt hàng ô tô nhập khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 95,6%; trong đó ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN tăng tới 619,3%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU, với các mặt hàng chủ yếu là máy móc, thiết bị, phụ tùng.
Kim ngạch nhập khẩu gia tăng theo làn sóng FDI vào sản xuất
Sau 3 năm kiểm soát tốt nhập khẩu, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp (2016 – 2018), trong năm 2019, ngành công thương đưa ra dự báo về nhập siêu có thể lên tới 3 tỷ USD (dưới 2% so với kim ngạch xuất khẩu).
Ngành công thương lý giải, những thách thức mới nổi từ thị trường, biến động thay đổi nhanh từ tình hình địa chính trị thế giới… là những nguyên nhân chính làm đảo chiều cán cân thương mại từ xuất siêu hơn 7,2 tỷ USD năm 2018 sang nhập siêu trong năm nay.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải thích, năm 2019, nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng dự kiến tăng cao, đặc biệt là những ngành hàng mà Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện, phụ tùng của nước ngoài.
Về nguyên tắc, muốn chấm dứt nhập siêu thì chỉ có cách duy nhất là gia tăng xuất khẩu để kìm hãm nhập khẩu ở mức độ thấp hơn xuất khẩu.
Tuy nhiên, bài toán kiềm chế nhập khẩu sẽ không dễ với nước ta khi nhiều ngành sản xuất còn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, như điện thoại, linh kiện máy tính, dệt may…
Đơn cử, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động sẽ hạn chế nhập khẩu xăng dầu, nhưng lại gia tăng nhập khẩu dầu thô để phục vụ sản xuất. Tình trạng này cũng tương tự với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhằm bổ sung cho nguồn cung dầu thô còn thiếu hụt trong nước.
Ngoài ra, góp phần gia tăng kim ngạch nhập khẩu còn do lượng máy móc, thiết bị không ngừng được nhập về phục vụ đầu tư xây dựng nhà máy, hình thành các dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục tăng. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 72% (gần 10,5 tỷ USD).
Dự kiến năm 2019, với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của khối doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phụ tùng cho các dự án và mua nguyên liệu cho sản xuất gia tăng.
Nguồn: Bộ Công thương