Trong khi cả thế giới chờ đợi một loại vắc-xin COVID-19, các nhà nghiên cứu Anh đã xác định được loại kháng thể có thể tạo ra miễn dịch với COVID-19, mang lại niềm hy vọng trong điều trị dịch bệnh này.
Phát hiện mới
PGS. Yang Wang – Trường Y Umass (Worcester, phía Tây nước Anh), Phó Giám đốc phát triển sản phẩm tại MassBiologics và các đồng nghiệp đã tiến hành lấy các tế bào hybridoma đông lạnh từ các nghiên cứu năm 2004 về virus SARS – một loại virus Corona có họ hàng với COVID-19. Hybridomas là các tế bào bất tử có khả năng sản xuất kháng thể. 16 năm trước, Công ty MassBiologics đã chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm lâm sàng, nhưng sau đó, dịch SARS đã biến mất. Sau khi xem xét dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã xác định được 2 loài virus Corona, SARS và COVID-19 giống nhau đến 90%. Tuy nhiên, các thử nghiệm ban đầu cho thấy kháng thể được phát triển cách đây 16 năm không có hiệu quả với COVID-19. Vì vậy, Wang và các đồng nghiệp đã tiếp tục nghiên cứu (dựa trên nghiên cứu trước đó) và phát hiện ra rằng, các kháng thể bao phủ các bề mặt niêm mạc (như niêm mạc đường hô hấp) có khả năng ngăn chặn mầm bệnh bằng cách liên kết với tế bào vật chủ.
Theo PGS. Yang Wang, cơ thể con người có thể sản xuất 5 loại kháng thể. Những kháng thể đó có thể tấn công một loại virus khi nó đang ở trong máu. Các kháng thể được các nhà khoa học tại Trường Y UMass xác định là kháng thể IgA. Chúng được tìm thấy trong niêm mạc đường hô hấp của con người và có thể được sử dụng để ngăn chặn mầm bệnh liên kết với tế bào vật chủ. Đó là tuyến bảo vệ đầu tiên khi cơ thể gặp phải mầm bệnh. Ngoài đường tiêm, các kháng thể IgA sẽ được sử dụng tốt nhất thông qua máy phun khí dung hoặc ống hít.
Đây có phải là vắc-xin không?
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây không phải là vắc-xin. Việc điều trị bằng kháng thể được coi là một phản ứng thụ động so với vắc-xin. Vắc-xin thường là một chuỗi virus đã được làm yếu để tiêm vào cơ thể người, nó thúc đẩy cơ thể sản xuất kháng thể nhằm tấn công virus trong khi việc điều trị bằng kháng thể cung cấp các protein vào cơ thể để tấn công virus hoặc dự phòng nhiễm trùng nhưng không có khả năng giúp cơ thể tự tạo ra kháng thể.
Mặc dù vậy, kháng thể không có khả năng bảo vệ vĩnh viễn, cuối cùng, chúng sẽ biến mất. Đây chính là lý do tại sao một số người có thể mắc cùng một bệnh cúm 2 lần trong một mùa. Trong khi đó, nếu cơ thể tự sản xuất kháng thể bằng việc tiêm vắc-xin thì tác dụng bảo vệ của vắc-xin sẽ tồn tại trong một thời gian dài.
Các nhà khoa học cho hay, thông thường, vắc-xin phải mất một khoảng thời gian nhất định để kích thích cơ thể sản xuất kháng thể. Những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng như người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch sẽ cần nhiều thời gian nhất để kích thích cơ thể sản xuất kháng thể. Khi đó, các kháng thể IgA có thể hỗ trợ và cung cấp sự bảo vệ cho cơ thể trong quá trình chờ đợi sự đáp ứng của vắc-xin. Ngoài ra, những bệnh nhân không thể tiêm vắc-xin (vì nguy cơ dị ứng, shock phản vệ, chống chỉ định, chống chỉ định tạm thời) nhưng đã bị nhiễm COVID-19 cũng có thể được điều trị bằng kháng thể.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các kết quả của họ cho thấy kháng thể IgA trung hòa COVID-19 tốt hơn so với kháng thể IgG. Hiện tại, các kết quả này đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khoa học. Hy vọng kết quả của nghiên cứu này sẽ góp phần hỗ trợ trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Hà Xuân Nam
((Theo masslive.com))