Liên tiếp những sự cố xảy ra ở cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn cả nước khiến các bậc cha mẹ gai người, đồng thời tỏ ra vô cùng lo lắng khi có con em đang gửi tại các trường mầm non. Tại Hải Phòng, tuy ít xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo hành ở các cơ sở trông giữ trẻ em, mầm non tư thục, song không ít nữ lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp tất tả tìm nơi giữ trẻ an toàn.
Trường mầm non Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên). Ảnh: Trung Kiên
Cha mẹ đứng ngồi không yên
Đi sớm, về tối, nên phần lớn nữ công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố gửi con ở những cơ sở trông giữ trẻ em, trường mầm non tư thục. Và không phải ai cũng an tâm về “mái nhà thứ 2” của con trẻ. Cả tuần nay, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, công nhân may Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (khu công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên) đều phải nhờ người đón con sớm. Về nhà, chị không quên “kiểm tra toàn thân” để phát hiện dấu hiệu lạ trên người cô con gái hơn 1 tuổi. Chị Quỳnh Anh cho biết: “Từ Thái Bình ra đây lập nghiệp, do không có hộ khẩu tại nơi cư trú nên con gái tôi không đủ điều kiện học ở trường công. Hơn nữa, vợ chồng tôi không mấy dư dả để gửi con ở trường chất lượng cao, nên đành gửi con ở trường mầm non tư thục ở xã Hoa Động (huyện Thủy Nguyên). Tôi rất lo lắng con bị cô giáo phạt đánh, bởi cháu nhút nhát, hay khóc”.
Tương tự, chị Vũ Thị Quỳnh, công nhân Công ty TNHH Korg Việt Nam (Khu công nghiệp Nomura) chia sẻ: “Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non tư thục, vợ chồng tôi cũng ái ngại, bởi cháu rất hiếu động, nghịch ngợm. Biết đâu con mình cũng có thể là nạn nhân khi ở trường. Do đó, hôm nào đón con về, tôi cũng phải kiểm tra kỹ cơ thể con xem con có dấu hiệu gì của bạo hành không”.
Thời gian qua, do tình hình phát triển nhanh, mạnh các khu, cụm công nghiệp kéo theo việc hình thành các khu dân cư với tỷ lệ nữ công nhân khá cao làm phát triển nhanh số trẻ ra lớp, do đó, hầu hết trường mầm non đều quá tải. Với mức lương công nhân thấp, các bà mẹ chỉ có thể gửi con vào nơi có mức thu phí thấp dẫn đến hầu hết các nhóm, lớp mầm non tự phát chưa đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Theo chia sẻ của nhiều nữ công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, việc gửi con tại cơ sở trông giữ trẻ em tư thục là việc cực chẳng đã, bởi không có hộ khẩu tại nơi thường trú để cho con vào trường công. Hơn nữa, công nhân phải làm việc theo ca, không thể gửi vào các trường công lập, vốn chỉ giữ trẻ theo giờ hành chính. Ngoài ra, các điểm giữ trẻ thường có học phí thấp, phù hợp điều kiện của các gia đình công nhân. Cho dù biết rằng cơ sở trông giữ trẻ em tư thục không đủ điều kiện vật chất, không có nghiệp vụ sư phạm chăm sóc trẻ em, nhưng cũng đành “nhắm mắt” gửi con vì không thể “chen chân” vào nơi “trường ra trường”. Lý do đơn giản vì không đủ tiền gửi con vào trường tư cao cấp.
Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm
Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ bạo hành trẻ mầm non thời gian qua xảy ra ở các nhóm, lớp trẻ mầm non tư thục. Thực trạng này khiến người dân rất bức xúc và lo lắng về chỗ gửi con an toàn. Bởi số trường mầm non công lập tại thành phố hiện chỉ đáp ứng được nhu cầu gửi con của người dân, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Chị Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Aurora Art, khu công nghiệp Đồ Sơn, cho rằng: Để người lao động tại các khu, cụm công nghiệp yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với công việc, ngoài những chính sách về phát triển nhà ở thu nhập cho người lao động, cần sớm xây dựng các trường mầm non bảo đảm chất lượng, đội ngũ giáo viên đủ năng lực dành riêng cho con công nhân tại các khu công nghiệp. Tránh tình trạng “nhà một nơi, trường một nẻo” gây bất tiện và xáo trộn công việc và đời sống công nhân. Tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với đại diện công nhân, viên chức, lao động do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tháng 6-2017 vừa qua, vấn đề được nhiều công nhân, lao động ở các khu công nghiệp quan tâm, bày tỏ mong muốn thành phố sớm có giải pháp hỗ trợ xây dựng nhà trẻ dành cho con em công nhân, lao động. Đối với kiến nghị này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định, tạo điều kiện thuận lợi để các ngành, đơn vị liên quan sớm triển khai, xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có nhà trẻ tại các Khu công nghiệp Tràng Duệ và Nomura Hải Phòng trong năm 2018.
Tuy nhiên, xây dựng các trường mầm non bảo đảm chất lượng dành riêng cho con công nhân tại các khu công nghiệp là giải pháp mang tính lâu dài. Trước mắt, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm soát các nhóm, lớp trẻ mầm non tư thục. Theo ông Phạm Đức Thắng, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố số 24, lô 22, đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), để bảo đảm an toàn cho trẻ, tạo sự an tâm cho người lao động ở các khu, cụm công nghiệp, quan trọng nhất là cần siết chặt các điều kiện cấp phép và quản lý hoạt động nhóm, lớp trẻ tư thục, không nên để tình trạng mỗi khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra mới rốt ráo kiểm tra, theo dõi. Các địa phương phối hợp với MTTQ, các đoàn thể tăng cường giám sát việc nuôi, dạy trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và kiên quyết đóng cửa, xử lý nghiêm, kịp thời các cơ sở giáo dục vi phạm…
Hy vọng rằng, với những giải pháp đồng bộ, tình trạng bảo hành trẻ em ở một bộ phận nhóm, lớp trẻ mầm non tư thục không còn là nỗi lo đối với công nhân, lao động tại các khu, cụm công nghiệp.
(Báo Hải Phòng 03/02/2018)